Mọi người cười ồ khi có người nói: Các bố cứ thích “nói điều to tát”. Nào là quyết tâm, khởi nghiệp, đột phá này nọ. Thậm chí nói cách mạng 4.0, vậy mà nhìn xem, kiểm tra nhà vệ sinh là rõ “trình độ” ngay.
Đúng vậy. Nơi nào làm ăn văn minh, đặc biệt là có khách Tây, thì sẽ đầu tư vào cái nhà vệ sinh (toilet) thật kỹ. Phần lớn là nhà hàng, khách sạn cao cấp. Có gương, vòi nước bồn rửa, xà bông, phòng xịt thơm. Ở đó chắc chắn nhà vệ sinh có giấy. Còn nơi khác thì… phập phồng hồi hộp lắm. Có khi dơ khủng khiếp mà còn có người đứng cửa… thu tiền nữa.
Vậy nên đi du lịch xa, các bà các cô phải thủ sẵn giấy, phòng khi ghé “các loại nhà vệ sinh không giấy”. Và mọi người tặc lưỡi: Nơi công cộng, đông cỡ chợ, trường học thì giấy đâu cho đủ? Nhiều người đâu có… xứng đáng để phục vụ? Dùng toilet, xé tới nửa cuộn giấy lót bệ xí để… ngồi cả giày lên. Có khi họ… lấy cắp luôn cả cuộn. Nên chẳng có của đâu mà phục vụ. Kính mời quý vị tự lo.
Hình như vào nơi trang nghiêm sạch sẽ thì người ta cũng cư xử đàng hoàng. Hiếm khi người ta xả rác ra căn phòng lịch sự sàn lau bóng láng. Còn nơi có rác sẵn thì cứ như khuyến khích: Dại gì mà không xả ra thêm cho “xứng”?
Bà con ta đi du lịch mấy chục năm nay, từ khi kinh tế phát triển. Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Côn Đảo, Phú Quốc… đã là thường. Còn đi ra thế giới nữa. Nghe rất… oai: Đi Nga ư? Rẻ lắm, có 50 triệu xuôi thuyền trên sông Volga ghé mấy thành phố, xem đêm trắng. Có tour Mỹ hẳn hoi cả tuần mà… có 40 triệu. Lại còn chê bai: Đi Mỹ mà chỉ một tuần thì… đi làm gì? Chảnh lắm.
Có ông kể: Giờ đứa nào còn rủ tôi đi Trung Quốc nữa, tôi sẽ… đánh cho. Ai đời chúng bắt đi như ngựa, thức ăn nuốt không vô, mà mua sắm thì trả giá cỡ nào… cũng dính.
Anh bạn kia thì nói: Giờ đến chết ta không thèm… đến Mỹ nữa. Ồ sao lạ vậy? Này đây. Tìm nơi hút điếu thuốc là… muốn chết. Họ nhìn mình hút thuốc cứ như nhìn… quái vật. Chờ vợ con mua sắm, mình ra ngoài hút thuốc, kiếm “quán cà phê” như xứ ta đầy đường, thì không có. Đứng ngoài góc phố, bộ mình trông giống kẻ cắp lắm hay sao mà một ông cảnh sát da đen to lớn cứ đứng bên cạnh. Chỉ nhìn canh chừng mình thôi, không nói gì. Ớn quá.
Thôi thì xứ người, mình xa lạ không giải thích nổi. Đằng này, đi du lịch trong nước thôi, ví dụ đi vào dịp hè, cũng thật khó hiểu. Xe bự tổ chảng, cao lênh khênh vậy thì mình lạc sao được. Vậy mà bác tài dặn tới dặn lui biển số xe. Đi rồi mới biết. Dừng lại ăn sáng thôi là thấy, hình như… cả nước đi du lịch, không ai ở nhà hay sao ấy. Xe lớn xếp hàng dài. Vào ăn sáng mà phải đội cái nón do công ty lữ hành phát cho để… khỏi lạc sang đoàn khác. Dẫn đầu có hướng dẫn viên du lịch cầm lá cờ đuôi nheo phất phất.
Cả ngàn người (có lẽ nói hơi quá lên) nhưng mà đông lắm, gọi thức ăn rào rào. Xả rác trắng xóa. Mà khổ nỗi, đi đường là phải lo, đừng có uống nhiều, lo “đầu ra”. Người ta như đã hợp đồng với các điểm dừng (có nhà vệ sinh, có cửa hàng tạp hóa luôn). Tất cả đều đổ vào một vài điểm “hoành tráng”, thành ra khi vào nhà vệ sinh phải cuống quýt xếp hàng, rất cực. Phải thật nhanh vì xe chỉ dừng ít phút. Khung cảnh này thì ai còn tâm trạng gì mà bán với mua.
Xe chạy trên chặng đường dài đồng rộng mênh mông, bỗng nghĩ: Khổ. Đồng rộng cò bay thế kia mà tìm một chỗ… đi vệ sinh cũng khó thế. Nhà hàng thiếu gì. Vậy mà các công ty, bác tài, hướng dẫn viên du lịch, hình như có ký kết gì đó nên cứ dồn tất cả vào một chỗ. Đi du lịch một chuyến là sợ luôn.
Hèn gì, người ta hay “kể xấu” người Việt ta, rằng đi du lịch gì mà kỳ cục: Hễ xuống xe là… ăn, lên xe là… ngủ. Chẳng thấy ai ngắm cảnh gì cả…