Hiện nay, theo thống kê của Hội Các sản phẩm ghi hình và máy ảnh Nhật Bản, trên thế giới đang có khoảng 75,3 triệu chiếc máy ảnh DSLR.
Nếu cứ ai mà cầm máy, chụp được tác phẩm, tự xem mình là nghệ sĩ, thì trong làng nhiếp ảnh đã có ít nhất là 75,3 triệu nghệ sĩ.
Thực ra, chụp ảnh khá dễ, song để đẹp, ý nghĩa, được mọi người nhớ tới, nhất là các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, có cống hiến to lớn cho một lĩnh vực nào đó rất khó.
Họ phải rèn luyện liên tục và hơn thế sáng tạo không ngừng, nhằm tìm ra cái mới trong những điều cũ kỹ, thậm chí mở ra một đề tài chưa từng thấy.
Vì đóng góp ấy, nhiều người đã được xem là bậc thầy trong làng nhiếp ảnh, trong đó phải kể đến những tên tuổi sau:
Ansel Adams (1902-1984) – Mỹ là một trong những nghệ sĩ kỳ tài, gạo cội của thế giới về ảnh phong cảnh, với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, đậm chất thiền – sự tối giản, ca ngợi vẻ đẹp bao la, tĩnh lặng.
Hồi nhỏ, do ốm yếu, ông đã phải nghỉ học, song không chịu ở nhà, ông tham gia vào khá nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, rồi trở thành một nhiếp ảnh gia đi khắp nơi, tới các vùng xa xôi, hoang vắng để ghi lại các cảnh đẹp.
Ông bắt đầu chụp ảnh năm 14 tuổi, và trong gần 70 năm đã có hàng nghìn bức ảnh, quy tụ thành 150 cuốn sách, gồm cả một số sáng tác đã được phóng lên vũ trụ như một thông điệp hòa bình nhân loại gửi tới các nền văn minh ngoài trái đất.
Là thợ ảnh, đồng thời là nhà sinh thái, ảnh của ông luôn chứa đựng tình yêu sâu sắc trước thiên nhiên, đặc biệt là miền Tây Mỹ, trong đó có Công viên quốc gia Yosemite – nơi đầu tiên ông chụp ảnh, cũng là nơi liên tiếp có nhiều kiệt tác.
Đa số tác phẩm đều là ảnh đen trắng, song mang tông màu rộng từ đen thẫm đến xám tro và kem, ngoài ra là ảnh nâu đen, cho cảnh vật trầm mặc, cổ kính.
Ông chính là người nghĩ ra Hệ thống vùng sáng, một kỹ thuật phức tạp, mang lại nhiều ảnh đơn sắc.
Với kỹ thuật này, ông không chỉ chụp được cảnh vật dưới nhiều điều kiện sáng tối, mà còn như vẽ họa lên chúng, tăng thêm sự huyền bí, tráng lệ.
Mỗi ngày, ông thường làm việc 18 tiếng, và chủ yếu đi bộ trên sa mạc hoặc leo trèo lên các đỉnh núi, thác nước. Ngày nào cũng thế, đó là lý do ông có nhiều tác phẩm đến vậy!
- Xem thêm: Những nghệ sĩ chụp ảnh đêm tài năng
Henri Cartier-Bresson (1908-2004) – Pháp lại là một nghệ sĩ tiên phong về ảnh đường phố, tác giả của kỹ thuật Thời khắc quyết định, và là người lập nên hãng ảnh Magnum uy tín.
Vốn học vẽ, vì yêu ảnh, khi 24 tuổi, ông đã mua một chiếc máy ảnh Leica 35mm và quyết định chu du khắp Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Maroc, Mexico… chụp ảnh. Ông có sự linh cảm rất nhạy với những gì sắp diễn ra trên phố nên chụp được cực nhanh và nét.
Để thâu tóm các sự kiện nóng hổi, ông đã phát huy một phương pháp vào năm 1952, được giới thiệu trong ấn phẩm đầu tay là Thời khắc quyết định, nhấn mạnh đến việc phải biết đâu là giờ phút quan trọng để bấm máy, đón bắt các yếu tố thời sự, kịch tính. Ông cũng hay dùng ống kính siêu tốc, sắc nét nhằm ghi được nội dung đa dạng.
Trong khi che bọc rất kỹ thiết bị bằng băng đen tránh chú ý, ông đồng thời sáng tác ngay trên máy, chứ không qua khâu xử lý trong phòng tối để đạt độ chân thực.
Có thể nói phong cách của ông chính là tác phong của người làm báo, và ảnh của ông cũng là ảnh báo chí luôn.
Từ năm 1932 đến năm 1970, ông đã thực hiện được rất nhiều bức ảnh đường phố, trong đó có ảnh về các cuộc nổi dậy đòi giải phóng, các cuộc nội chiến, hậu quả của Thế chiến thứ hai tại các nước, cùng các lễ kỷ niệm và chân dung nhân vật lịch sử.
Dù phản ánh điều gì, ảnh luôn giàu tính nhân văn, trữ tình do ông đã từng là một họa sĩ, nhạc sĩ, cử nhân văn học…
Hoạt động khoảng 40 năm, đi hết năm châu, đến thập niên 1980, ông lại quay về vẽ, và có nhiều buổi triển lãm tranh lớn. Vì tinh tường, bao quát mọi mặt, ông được mệnh danh là người có đôi mắt ó và nhà biên sử thế kỷ 20.
- Xem thêm: Ảnh chồng ảnh, hai thế giới hòa một
Philippe Halsman (1906-1979) – Latvia cũng là một nghệ sĩ đại tài về ảnh chân dung- thời trang, đặc tả nhiều danh nhân. Lúc 15 tuổi, tình cờ phát hiện một chiếc máy ảnh cũ trong nhà, ông liền chụp thử rồi thích và theo nghề ảnh.
Ban đầu, ông thành danh tại Pháp, sau đó ở Mỹ và là người có nhiều tác phẩm được đăng nhất trên bìa tạp chí Life.
Ông cũng là người chụp nhiều nhân vật của công chúng, nhất là các người mẫu như họa sĩ Salvador Dali, họa sĩ Marc Chagall, nhà văn John Steinbeck, nhà báo Weegee, nhiếp ảnh gia Edward Steichen, diễn viên Anthony Perkins, ca sĩ Sophia Loren, diễn viên Ray Bolger, tài tử Fernand Contandin, minh tinh màn bạc Marilyn Monroe, siêu sao điện ảnh Audrey Hepburn, nữ diễn viên – nhà hoạt động vì quyền động vật kiêm diễn viên Brigitte Bardot, nhà vật lý Albert Einstein, nhà vật lý Robert Oppenheimer, chính khách và sau này là Tổng thống Mỹ Richard Nixon, ông bà Công tước Windsor của Anh…
Điều đặc biệt trong ảnh của ông, ngoài những trang phục hấp dẫn, thời thượng, mỗi người mẫu còn có những tư thế bay nhảy ngộ nghĩnh trên không.
Vốn ông cũng đã chụp nhiều ở dưới đất, song từ cuối thập niên 1950, đầu 1960 đã thay đổi phong cách, tạo ra một kỹ thuật mới gọi là Jumpology, cho người mẫu bật người lên cao, tạo dáng.
Trước ông, ảnh thời trang rất buồn tẻ, bất động, mờ nhạt, giữa thợ ảnh và người mẫu thường có vẻ lạnh lùng – xa cách, song đến ông, nhờ phát minh mới nội dung trở nên vui vẻ, sinh động, gần gũi, và mọi người như đang chơi đùa với nhau.
Ý tưởng này được nảy sinh khi ông chụp ảnh họa sĩ Dali, một người rất hay hài hước. Thấy Dali ngồi yên, không thể lột tả hết tính cách ấy, nghệ sĩ đã để Dali nhảy cẫng lên cùng những chú mèo, và cho ra tác phẩm Dali Atomicus năm 1948, mà để thành công phải chụp đến 26 lần.
Năm 1959, ông đã giới thiệu kỹ thuật này qua cuốn sách Những cú nhảy, gồm 200 bức ảnh đầy năng lượng, gợi cảm và là một giáo cụ trực quan cho các thợ ảnh thời trang, vì nó giúp họ có thể phản ánh được đúng vẻ đẹp nội tâm của các nhân vật khi bay nhảy, làm ai nấy chỉ chú ý đến việc nhảy cao mà để lộ bản chất thật.
- Xem thêm: Phong phú ảnh đường phố
Brassai (1899-1984) – Hungary vừa là một nhiếp ảnh gia, vừa là một nhà báo về các vấn đề xã hội giữa hai cuộc thế chiến, và là cha đẻ của ảnh ban đêm, với khung cảnh dịu dàng, êm ả vào đêm của Paris và nhiều thành phố khác ở châu Âu thập niên 30, 40.
Trong ảnh của ông, dù trời tối đến mấy, vạn vật vẫn hiện lên tuyệt đẹp, từ những cây cầu, con đường, hàng cây tới những ngõ hẻm, cột đèn, trai gái… Ảnh có độ tương phản rất cao và ẩn chứa nhiều thông điệp.
Nhờ có nhiều nghề như vẽ tranh, điêu khắc, viết văn, quay phim nên ông gửi vào tác phẩm đầy xúc cảm.
Và không chỉ chụp cảnh sáng tối, ông còn nhào nặn để mỗi thứ được lộ sáng, dưới những tia sáng bé nhỏ song vẫn đủ xuyên qua màn đêm sâu thẳm, phản chiếu lên đường phố ướt và mù sương để tạo ra nhiều hình thù lạ mắt.
Vào thời điểm chỉ có các ống kính chậm, nhiều thợ ảnh thường lảng tránh bóng tối, nhưng ông lại ưa chuộng nó và thấy được vẻ đẹp của đêm.
Nghệ sĩ bắt đầu đến Paris – Pháp năm 1924; sau những buổi ghi hình – phỏng vấn mệt nhoài ban ngày, ông thường tản bộ thư giãn vào đêm trên những con phố dài, mát rượi của Paris và bỗng yêu sự mơ mộng, tình tứ của chúng.
Khác với Henri Cartier-Bresson, ông không chọn thời điểm cần chụp, mà “túm lấy” mọi thứ bằng cái nhìn trìu mến, ngoài cảnh đẹp là con người – những nhân vật có thể ngoài lề xã hội và đang làm đủ việc say sưa, lặng thầm như diễn trên sân khấu.
Hình ảnh của họ luôn được tỏa sáng và bao bọc bởi màn đêm huyền ảo, đầy ẩn ý. Đến nay, vẫn chưa có ai diễn tả nổi vẻ đẹp của đêm tự nhiên, kiêu hãnh như thế!.
Irving Penn (1917-2009) – Mỹ cũng là một nghệ sĩ lừng danh về ảnh thời trang, chân dung, tĩnh vật, song hơn cả còn là người phá vỡ ranh giới giữa ảnh thương mại và ảnh mỹ thuật, tạo nên một phong cách nhẹ nhàng nhưng tao nhã.
Ông cũng là người giúp công chúng thay đổi cái nhìn về sắc đẹp và thế giới, nhờ khá nhiều tác phẩm khắc họa vẻ đẹp khác nhau của nam nữ, già trẻ, các dân tộc, cùng nhiều sự vật như hoa cỏ, thực phẩm, thuốc lá, mỹ phẩm, chai lọ, kim loại, xương sọ,… Ông từng học vẽ với mơ ước trở thành họa sĩ, nhưng cơ duyên lại dẫn ông đến với ảnh.
Vào năm 1943, ông được tạp chí Vogue nhận vào làm đồ họa, thiết kế báo. Nhờ khéo tay, ông trình bày tạp chí cực đẹp, song cũng chụp ảnh rất hấp dẫn, đến nỗi tổng biên tập phải khuyên ông theo nghề ảnh, sau khi đăng cho ông một tác phẩm lên trang bìa, và nó là bức ảnh bìa đầu tiên của ông.
Trong thời gian 60 năm làm việc tại Vogue, nghệ sĩ đã có tổng cộng 165 ảnh bìa, cùng hàng trăm bức ảnh khác trong trang ruột, cũng như cộng tác với báo chí, công ty quảng cáo và sưu tập cá nhân.
Ảnh của ông rất đẹp, nếu không nói hoàn mỹ vì có nội dung tự nhiên mà ấn tượng, giản dị mà trang nhã, chi tiết mà giàu mảng khối.
Ảnh người thì rất ngọt ngào, gợi cảm, còn ảnh vật thì như những bức tranh dí dỏm. Tựu trung, chúng đều lôi cuốn bởi sự tươi sáng, dễ hiểu, độ tương phản và phông nền độc đáo.
Ông là người đầu tiên cho người mẫu đứng trước phông nền trắng xám nhẹ, đem tới một cảm giác thanh bình, cũng tiên phong chụp ảnh với góc nhọn, để người mẫu đứng vào giữa hai bức tường chữ V làm các điệu bộ.
Một trong những cảm hứng của ông là cô Lisa Fonssagrives, sau này là vợ ông. Bà đã giúp ông có rất nhiều tác phẩm đẹp như bức ảnh Người đàn bà đội chiếc mũ gà.
Ngoài ra, ông cũng kết bạn và ghi hình được nhiều danh nhân như họa sĩ Georgia O,Keeffee, nhà điêu khắc Marchel Duchamp, nhà văn Truman Capote, nhạc sĩ Igor Stravinsky, diễn viên Spencer Tracy…
Cùng đó là những dân tộc trong các chuyến công du như các bộ tộc New Guinea, Người Peru bản địa, Trẻ em Cuzco…; những sản phẩm quảng cáo cho các hãng L,Oreal, Versace, Chanel, Issey, Clinique, Miyake…
Bắt đầu từ thập niên 60, ông đã trở thành một người khổng lồ trong thế hệ của mình, và đến nay là một trong 20 nghệ sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20.