Có thể thấy mua sắm là… bệnh rất hay lây khi đi du lịch. Nhiều người đã rút được kinh nghiệm từ việc mua sắm này, nhưng không phải ai cũng tỉnh táo hay “cố thủ” túi tiền khi đi chơi. Có những món hàng thấy thích thì mua, khi mua không nghĩ đến giá trị sử dụng, chỉ là vui và tiện (tay) mua thôi.
Có người thường đi du lịch đã nhiều phen bị hố vì mua phải hàng dỏm, hàng cũ, hàng không đạt chất lượng hoặc mua hớ… tuyên bố dứt khoát từ nay đi chơi không mua thứ gì, đáng mới mua, không thì quyết giữ chặt hầu bao. “Thề” là vậy, nhưng đến nơi thấy mọi người chung quanh mình mua sắm dữ quá, lại móc ví ra. Bây giờ, tour du lịch nào cũng kết hợp ghé vài điểm mua sắm. Đó là thỏa thuận làm ăn trong ngành du lịch với nhau, có như thế mới “kích cầu du lịch”. Không rõ hướng dẫn viên hay chính công ty tổ chức tour được bao nhiêu phần trăm huê hồng khi đưa khách đến, nhưng “tiết mục” này hầu như tour nào cũng có.
Người thích mua sắm thì ào vào cửa hàng tranh thủ thời gian ít ỏi chọn lựa. Người không thích thì tham quan, ngắm nghía các món hàng, so sánh giá cả, khen chê… Tuy nhiên, có thể thấy, số đông người vẫn chuộng mua sắm khi đi du lịch. Và việc mua sắm là tất yếu khi khách đi tour nghĩ đến người thân với món quà sẽ mang về tặng. Cô vợ trẻ dứt khoát phải mua cho được cái áo sơmi, dù hơi đắt một chút nhưng là món quà cho chồng. Chọn lựa, nhờ bạn đi cùng tư vấn, kiểu này được không, màu ấy nhã không, có sặc sỡ quá không, chất liệu này tốt không… Chưa kể điện thoại hỏi chồng, chụp hình gửi qua tin nhắn. Con cái đi chơi thì nghĩ đến cha mẹ, cái này cho mẹ, cái này cho ba. Nghĩ đến ông, bà với tấm khăn choàng hay cái mũ len… Người trẻ thì nghĩ đến người yêu, bạn bè. Nhìn các bạn trẻ mua sắm khi đi du lịch thấy ham. Họ lướt qua các quầy, cứ thế vô tư cho hàng vào giỏ, tính tiền không cần kiểm tra hóa đơn.
Đi du lịch là phải mua sắm, dù ít hay nhiều. Người bê tông cốt thép đến mấy (do nhiều lần bị hớ rồi) cũng phải mua gì đó gọi là có cái để mua, không mua gì thấy thiếu thiếu thế nào. Chưa kể, với nhiều du khách, mua ở đây là mua cái hồn cốt, cái hương, cái vị, cái nhớ, cái thương vùng đất nơi mình đã đến. Mua một vật kỷ niệm để đánh dấu đã có ngày tháng năm đó mình đến đó, để có chuyện kể cho bè bạn về chuyến đi thú vị. Tất nhiên cũng có người chẳng màng mua sắm thứ gì. Nhưng cứ đi về tay không rồi sẽ thấy mình đã bỏ lỡ mất một dịp mang về một kỷ niệm, có khi còn là một món quà đáng nhớ cho người thân ở nhà.
– Theo DoanhnhanPlus.vn