Đầu tháng 5 vừa qua, không ít người dân Đà Nẵng vui mừng trước thông tin nhà đầu tư IPPG (Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương) sẽ xây dựng trung tâm mua sắm miễn thuế trong phố, khu phi thuế quan và Trung tâm Tài chính Đà Nẵng. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì IPPG thông báo dừng đàm phán về dự án khu phi thuế quan tại dự án Golden Hills của Trung Nam Land.
Dù IPPG đưa ra thông báo: “Việc đàm phán giữa IPPG và Trung Nam Land không đạt được như kết quả dự kiến và chúng tôi chấm dứt việc đàm phán này”, song giới đầu tư vẫn nhận định rằng đây là hệ lụy từ cơn sốt đất. Bởi vì sau khi có thông tin dự án sắp triển khai tại Golden Hills, giá đất khu vực này lập tức tăng đột biến.
Vấn đề này cũng được IPPG khẳng định trong thông báo, rằng việc thương lượng với Trung Nam Land chưa hoàn tất thì đã bị tác động tiêu cực bởi những thông tin thất thiệt, trong đó việc giá đất khu vực Golden Hills tăng mạnh thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đàm phán. Đây là điều vô cùng đáng tiếc vì việc IPPG lựa chọn Đà Nẵng để đầu tư được đánh giá như luồng gió mới để đưa Đà Nẵng phát triển toàn diện hơn.
Và IPPG chỉ là một trong nhiều trường hợp đang xảy ra tại miền Trung. Vừa qua, trường hợp đấu giá lựa chọn nhà đầu tư dự án khu đô thị Nhơn Hội ở tỉnh Bình Định cũng không có được kết quả tốt do sốt đất. Trước giá đất bị đẩy lên quá cao trong thời gian ngắn, các nhà đầu tư đã nhận định rằng tỷ suất sinh lợi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến cho dự án không còn hấp dẫn.
Từ đầu năm đến nay, giá bất động sản (BĐS) ven biển miền Trung liên tục “nhảy múa”, mà không ít trường hợp giá tăng vì những lời đồn hoặc thông tin giả mạo. Điển hình tại Đà Nẵng đã xuất hiện văn bản giả chữ ký chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố về đầu tư xây dựng cầu nối Hòa Xuân với khu đô thị Nam Việt Á, tin đồn tách huyện Hòa Vang.
Tại Quảng Nam còn có tin đồn về việc Điện Bàn sáp nhập với Đà Nẵng… Tại Bình Thuận, từ khi có thông tin triển khai xây dựng sân bay Phan Thiết, tại địa bàn Thiện Nghiệp – nơi dự kiến xây sân bay đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến. Giới đầu cơ đất đổ dồn về săn đất, đã khiến giá đất biến động từng ngày từng giờ. Đất nông nghiệp trước đây có giá 1-2 tỉ đồng/ha, nay vọt lên 10-15 tỉ đồng/ha tùy vị trí.
Bên cạnh đó, sau khi có tín hiệu sắp khởi công dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, sân bay Phan Thiết, BĐS nghỉ dưỡng ven biển tại tỉnh này đã chứng kiến cuộc đổ bộ của hàng loạt doanh nghiệp địa ốc lớn. Cũng chính từ đây, nhiều dự án BĐS dù chưa được chấp thuận đầu tư hoặc đang trong giai đoạn lập thủ tục đầu tư, chưa đảm bảo các điều kiện theo luật định, nhưng đã tổ chức giao dịch, rao bán tràn lan, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho biết trong thời gian qua, hoạt động giao dịch BĐS ở tỉnh có diễn biến phức tạp, nhiều chủ đầu tư và môi giới BĐS thực hiện các hình thức quảng cáo, giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua, trong khi các dự án chưa đủ điều kiện để giao dịch, mua bán và chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
Sự việc đang phát sinh nhiều rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, phát sinh tranh chấp, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội trên địa bàn. Theo ông Xà Dương Thắng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, trong các dự án BĐS của chín đơn vị đầu tư, chỉ có ba dự án đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng, còn phần lớn dự án chưa hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng.
Thậm chí có dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nhưng chủ đầu tư và nhà phân phối đã rao bán, chuyển nhượng BĐS thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền từ khách hàng dù các hình thức này không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và các quy định pháp luật có liên quan.
Ngày 30-5, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Lương Văn Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký công văn gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường kiểm soát thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh. Công văn nêu rõ, hiện nay tình hình thị trường BĐS tại một số nơi trong tỉnh Bình Thuận vẫn còn phức tạp, đặc biệt là khu vực phường Phú Hài, phường Mũi Né (hai bên đường Võ Nguyên Giáp, khu vực quy hoạch sân bay Phan Thiết), xã Thiện Nghiệp, xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết).
Trên thực tế, dự án sân bay Phan Thiết đang “giậm chân tại chỗ”. Năm 2015 sân bay Phan Thiết được khởi công, nhưng đến nay vẫn là bãi đất hoang, công trình đường vào sân bay Phan Thiết nối từ tỉnh lộ 706B cũng đang thi công dang dở. Đại diện một doanh nghiệp ở Bình Thuận cho biết các dự án khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng tại tỉnh này đang gặp nhiều khó khăn do chính quyền siết chặt công tác quản lý từ khâu quy hoạch, đầu tư, xây dựng, kinh doanh. Cụ thể, địa phương không cấp phép từng phần như trước, mà yêu cầu các dự án lập và hoàn tất thẩm định thiết kế toàn khu vực. Điều này khiến doanh nghiệp tốn nhiều chi phí, làm mất cơ hội kinh doanh.