Lo ngại về thực phẩm bẩn và nguồn nước ô nhiễm, nhiều người chọn giải pháp sử dụng máy lọc nước, đặc biệt là máy lọc nước điện giải hay còn gọi là máy lọc nước ion (Water lonizers) được quảng bá là không chỉ giúp đảm bảo nước an toàn mà còn có lợi cho sức khỏe. Thế nhưng, khi tìm hiểu thông tin về sản phẩm này – cả trên mạng lẫn “dạo một vòng” thị trường, người tiêu dùng mới cảm thấy “lùng bùng”…
Từ câu chuyện ở nước Mỹ…
Có lẽ ít ai ngờ là ở một quốc gia hàng đầu như Mỹ, máy lọc nước điện giải với những thắc mắc của người tiêu dùng về chất lượng và giá cả cũng là cả một vấn đề. Chẳng hạn, máy lọc nước điện giải Kangen của Tập đoàn Enagic (Nhật) bán ở thị trường Mỹ được dán nhãn “Tiêu chuẩn vàng” với lời quảng cáo là sử dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra nước điện giải độc nhất vô nhị và… tốt hơn hẳn các loại nước của máy lọc khác. Chẳng có gì để chứng minh cho điều này cả, tuy nhiên, nhờ vào chiến lược quảng bá ấy cùng kiểu bán hàng đa cấp, giá của một chiếc máy đã được đẩy lên rất cao, gần 4.000 USD (gần 100 triệu đồng).
Hầu hết người mua thiết bị nói trên đều lớn tuổi, nhiều người trên 65 tuổi – những người rất ít quan tâm đến internet. Do chẳng mấy khi lên mạng đọc các bài phân tích để tìm hiểu về bí mật của Kangen hay Enagic, nên tất cả thông tin họ biết đều đến từ người bán máy. Và tất nhiên, họ cũng chẳng biết gì về sự cạnh tranh giữa các thương hiệu hay sự khác biệt giữa các loại nước ion.
Sau đó, nhiều người mua hàng phàn nàn với Văn phòng Cải thiện Kinh doanh (Better Business Bureau) ở Mỹ rằng khi trả lại sản phẩm Kangen (máy lọc nước SD 501) họ phải mất phí hoàn trả rất cao, kể cả khi sản phẩm chưa hề được mở ra hay sử dụng. Họ cũng than phiền rằng nhà phân phối của Enagic “biến mất” ngay sau khi bán được hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng của công ty này không hề hữu dụng, các nhân viên từ chối hoàn trả tiền cho khách hàng. Kết luận rút ra là, với một công ty và nhà phân phối luôn nói với người mua rằng họ cung cấp sản phẩm để giúp cải thiện sức khỏe của người mua (như máy lọc nước điện giải để tạo ra nước ion kiềm tốt cho sức khỏe) thì đơn giản là họ đang muốn kiếm tiền mà thôi. Cần biết rằng để khuyến khích nhà phân phối, nhà sản xuất trả tiền hoa hồng đến 2.280 USD cho một sản phẩm SD 501 được bán ra (với giá 4.000 USD)!
Nhờ có internet, người dùng có được thông tin phong phú, đa dạng, các công ty sản xuất máy lọc nước điện giải thường bán trực tiếp cho khách hàng, với đầy đủ sự đảm bảo về chính sách bảo hành hay đổi trả sản phẩm. Ở Mỹ, có rất nhiều thương hiệu máy lọc nước điện giải cạnh tranh với nhau, tất cả đều cung cấp ion cho nước tương tự Enagic, một số thương hiệu có chính sách bảo hành và đổi trả sản phẩm tốt hơn. Văn phòng Cải thiện Kinh doanh ở Mỹ cho rằng người tiêu dùng cần đa dạng hóa nguồn thông tin thay vì chỉ tin vào những gì một nhà phân phối nói. Còn nếu lựa chọn mua hàng đa cấp, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cũng có một số hướng dẫn dành cho người mua, trong đó điều quan trọng nhất là khuyên họ tìm hiểu kỹ về chính sách hoàn phí và đặt các câu hỏi liên quan đến vấn đề của bản thân.
…đến thị trường máy lọc nước điện giải ở Việt Nam
Có thể thấy đây là một thị trường đầy tiềm năng dành cho nhà sản xuất và cũng đầy… thách thức cho người tiêu dùng nếu muốn tìm mua một sản phẩm chất lượng với giá hợp lý. Ở Việt Nam, vấn đề không phải đến từ việc giá cả bị đẩy lên bởi bán hàng đa cấp, mà là sự bát nháo và thiếu kiểm soát về chất lượng. Hiện có rất nhiều nhãn hàng máy lọc nước với mẫu mã, chủng loại, xuất xứ và giá cả khác nhau, trong đó có cả các thương hiệu Việt. Nguồn nhập khẩu chủ yếu là từ Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Thụy Sĩ. Rẻ hơn thì có hàng Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia,… Giá cả tùy vào thương hiệu, công suất và các tầng lọc. Nhiều cửa hàng cạnh tranh bằng cách giảm giá bán, thậm chí bán với giá rẻ chỉ bằng nửa so với hàng chính hãng, nhắm vào nhu cầu và mong muốn sở hữu hàng giá rẻ của người tiêu dùng. Và tất nhiên, chất lượng là cả vấn đề! Chính điều này khiến cho người mua rất khó kiểm tra được chất lượng và giá cả tương ứng.
Đó là chưa kể nạn hàng giả, hàng nhái. Nhiều máy lọc nước điện giải được bày bán là hàng lắp ráp, do thuế nhập khẩu linh kiện rẻ hơn là nhập khẩu nguyên máy nên giá thành rẻ hơn, đồng thời khi lắp ráp có thể bố trí thêm các lõi và tầng lọc tùy theo nhu cầu. Đây chính là kẽ hở cho các linh kiện không rõ nguồn gốc và là cơ hội cho hàng nhái. Khi sử dụng, người dùng cần thay lõi lọc sau một thời gian và đó là “đất” cho hàng giả. Người ta thu mua vỏ lõi lọc nước đã qua sử dụng rồi gia công lại, sử dụng cả tem nhập khẩu giả. Nói vậy để thấy rằng khi đi mua hàng, dù đã kiểm tra thấy máy có tem nhập khẩu, tem chống hàng giả và bảo hành sản phẩm, vẫn chưa chắc mua được hàng chính hãng.
Người tiêu dùng nên làm gì?
Nhiều gia đình đang sử dụng máy nước uống tạo ion, có thể điều chỉnh độ pH – nước kiềm có pH cao để uống, nước pH thấp (axit nhẹ) làm nước tẩy rửa, rất tiện lợi. Tuy nhiên, trước khi mua và sử dụng máy lọc nước điện giải, lưu ý rằng sau quá trình bổ sung ion thì lượng kim loại trong nước sẽ tăng lên đáng kể, nên cần chắc chắn trong nước nguồn chưa có natri và kali (do quá nhiều ion hai kim loại này sẽ không tốt cho sức khỏe). Máy lọc điện giải cũng làm cho nước cứng hơn do bổ sung thêm canxi và magiê, nên cần lắp trước đó một thiết bị lọc có tác dụng làm mềm nước, loại bỏ hai kim loại này. Máy lọc điện giải của nước ngoài vốn được thiết kế phù hợp với nguồn nước ở bản địa, nên khi dùng với nguồn nước máy chất lượng kém hơn có thể dẫn tới nhiều vấn đề phát sinh. Ngoài ra, một số máy lọc nước điện giải được nhập về Việt Nam là model cũ, rất khó có phụ kiện và linh kiện thay thế.
Nhìn chung, người mua nên tìm đến các cửa hàng, đại lý được phân phối chính hãng hoặc các cơ sở uy tín. Khi mua máy, để phân biệt máy thật hay hàng nhái, có thể dựa vào một số chi tiết trên máy, chẳng hạn hàng chính hãng thân máy bao giờ cũng sắc nét và tinh xảo hơn. Hàng nhái dù được làm tinh vi đến đâu thì khi nhìn vào sẽ thấy chất liệu nguyên thô, vết cắt không mịn. Đặc biệt, cần tránh mua những loại máy không có nguồn gốc hay ở các cửa hàng không có địa chỉ bán hàng cụ thể, không cung cấp đầy đủ các giấy tờ lưu hành sản phẩm hợp pháp. Nhiều hãng đã giúp người mua tự kiểm tra máy nhờ vào tem dán trên thân máy, người mua nhắn tin về tổng đài của hãng hoặc cung cấp mã số của sản phẩm và tra thông tin trên website của hãng. Riêng lõi lọc thay thế thì không có mã và các loại tem kiểm định khắt khe như khi mua máy, nên người dùng cần gọi dịch vụ thay lõi ở chính địa chỉ mua máy.
* Theo một cuộc nghiên cứu gần đây của Buzzmetrics Social Listening, thực hiện phân tích các ý kiến được tạo ra bởi người dùng trên truyền thông xã hội liên quan đến việc chọn lựa và sử dụng máy lọc nước, mối băn khoăn lớn nhất của người tiêu dùng khi cân nhắc mua máy lọc nước là lựa chọn giữa các thương hiệu, loại máy lọc nước (RO, Nano hay đa năng) phù hợp với nguồn nước đang sử dụng (nước máy/nước giếng/nước nhiễm mặn…), tính năng, chất lượng và giá cả.
* Giá máy lọc nước điện giải nhập khẩu tại Việt Nam (xuất xứ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật, Mỹ…) dao động từ 35 triệu đến 90 triệu đồng, tùy xuất xứ và công dụng.
* Cần trao đổi kỹ với người bán về mọi vấn đề liên quan, như nhu cầu của gia đình, thực tế nguồn nước, quy định đổi trả, thời hạn bảo hành, linh kiện thay thế… Bởi rất nhiều trường hợp, trong quá trình sử dụng các linh kiện sẽ hỏng hóc mà không có hàng thay thế.
* Đừng ham rẻ! Nên chọn hàng của nhà sản xuất có chính sách bảo hành máy, cung cấp linh kiện, bảo hành điện tử từ 5 năm trở lên. Sản phẩm máy lọc nước chính hãng thường đầy đủ rõ các thông số CO, CQ (chứng nhận xuất xứ và chất lượng), mã vạch, số seriel rõ ràng để có thể kiểm tra hàng chính hãng.