Màu tết có lẽ bắt đầu trên những con phố sầm uất ở các thành phố lớn từ trước Giáng sinh và kéo dài đến giáp Tết Âm lịch. Màu tết thúc con người vội hơn cho việc mua sắm. Từ quần áo đến trang trí nhà cửa, dọn dẹp đón xuân. Màu tết đi kèm những âm thanh náo động, rộn ràng, hối hả khiến con người phải nhanh chân, mùa xuân đuổi đến sát sau lưng rồi.
Màu tết là màu chạy đua với thời gian, màu bận rộn, nôn nao. Màu tết còn là màu của ánh mắt, gương mặt thắc thỏm, lo âu, chờ đợi, hy vọng. Lô hàng nhập về bán tết không biết xuôi chèo mát mái không. Kho hàng xổ ra, phân đi khắp các đại lý liệu gom được nhiêu tiền. Hàng tồn kho mang ra thanh lý, hạ giá hết mức rồi mà chỉ có khách ngó rồi đi.
Màu tết khiến cả xã hội nháo nhào. Trận đánh cuối, ai cũng mong thắng… kiếm tiền tiêu tết.
Ngày trôi về phía cuối năm, phố giảm dần sắc màu, âm thanh thì mùi tết len về trong các gia đình. Phố vắng hơn, thành phố bỗng thấy đẹp dịu dàng đến không ngờ. Đời tha hương trở về mái nhà xưa mang theo chút màu tết làm quà, ít nhiều cũng thành quả một hay vài năm xa xứ.
Về lại chốn xưa, gốc mít, cây chanh, thềm giếng, mái ngói, cái lu… quen thuộc như không có những tháng năm mình rời xa chúng. Tiếng gàu múc nước của mẹ gợi nhớ trưa đi học về đói bụng, nhìn vào bếp chưa thấy có gì để lục và lũ gà thì tha hồ bươi tro bởi mẹ còn bận buôn bán ngoài chợ chưa về kịp.
Rồi mùi tết nồng nàn. Đó là mùi gừng, mùi khói, mùi nước sôi, thịt thưng, mùi măng luộc, bánh nướng… Khói làm cay mắt mấy anh em quây quần bên nồi bánh chưng. Chuyện xưa rồi chuyện nay, có lúc cười ngặt nghẽo mà nước mắt tự động tuôn. Mùi tết cộng thêm âm thanh của thau chậu, tiếng xả nước, múc nước… khiến chiều ba mươi bâng khuâng chi lạ!
Tết là vậy, là trạng thái thả lỏng, nghỉ ngơi sau một năm vất vả, là tâm trạng ngùi ngùi hoài niệm. Mùi tết đánh thức ký ức. Từ ngày còn chạy lon ton, tiền lì xì bạ đâu quăng đó, ham chơi hơn ham ăn… cho đến ngày khăn gói ra đi mang theo một mối tình si hay hoài bão chỉ mình biết.
Đời đâu chỉ có thắng? Ký ức tua lại những năm tháng thất bại tả tơi về nhà, không dám nhìn thẳng vào mắt mẹ cha. Nhưng, có hề gì đâu. Mẹ lúc nào cũng cười dù con biết chắc lòng mẹ như xát muối. Đứa con mang nhiều ước mơ bước vào đời, nghĩ đến một ngày phụ giúp cha mẹ xây cái nhà, phòng ngủ, bếp khang trang. Vậy mà ra đi rồi trở về vẫn tay trắng!
Mùi tết buồn vui lẫn lộn. Có năm xênh xang, mắt mẹ sáng lên khi thấy con vui, khỏe là mừng rồi. Mẹ chỉ mong con bình an nơi thành phố bon chen, chật vật, kiếm được đồng tiền biết bao mồ hôi, nước mắt. Không dám nghĩ xa xôi quá tầm tay với khiến con bị áp lực.
Ngồi với mẹ trong gian bếp nhỏ, cầm cái cây khời bếp lửa ngửi mùi tết ấm áp, nồng nàn, không nghĩ ngợi gì bởi thấy lòng bình yên quá.
Mùi tết là mùi khói thuốc của cha đêm khó ngủ ra ngoài hè kéo hết điếu này tới điếu kia, ngó lơ lời càm ràm của mẹ, trách cha chẳng biết giữ gìn sức khỏe. Cha nghĩ gì làm sao con biết được. Chỉ biết, nằm nán lại, nhắm mắt nghe âm thanh tết, ngửi mùi tết để thấy chưa bao giờ mình hạnh phúc như bây giờ, chẳng hạn.
Mùi tết là mùi của hoài niệm, ngay lúc này rồi cũng sẽ trở thành ký ức. Lười biếng, nằm dài ôn lại những âm thanh mùa tết cũ; khứu giác bị đánh thức bởi mùi tết nay để nhớ về những ngày tết xưa. Không dám nghĩ xa hơn về những ngày tết tới vì mọi thứ cảm thấy mong manh quá. Ngày cuối cùng của năm luôn là cảm giác của một chút tiếc nuối quá khứ, một chút bồn chồn tương lai.
Mới thấy màu tết là màu của hối hả giục tìm về để ngửi mùi tết bình an, nghe tiếng đời chậm rãi, nghe tiếng lòng thủ thỉ khi cương, lúc nhu. Đường dài, hạnh phúc do mình, biết mình và chỉ tự mình thôi!