Đi theo quốc lộ 30 – con đường dẫn đến biên giới ở tỉnh Cao Bằng, chúng tôi dừng chân ở bản Phja Thắp dưới chân dãy núi Phà Hùng, một bản làng quá đẹp với hơn 50 ngôi nhà theo kiến trúc dân tộc Nùng giữa thung lũng xanh tươi.
Phja Thắp thuộc xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên là nơi duy nhất còn lưu giữ nghề làm hương trầm của tỉnh Cao Bằng. Với thành phần nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, những nén hương sản xuất ở Phja Thắp có mùi thơm cay nồng nhè nhẹ của lá cây trầm. Người Nùng cho rằng cây trầm sống cheo leo trên các vách núi đá, hút linh khí đất trời nên các thành phần của cây đều có mùi hương nồng và lạ.
Đến Phja Thắp những ngày tháng 10, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc. Buổi sớm, khi mặt trời vừa ló dạng, từng đám mây trắng tinh khôi lững lờ trên đỉnh núi rồi sà xuống, chờn vờn xuống những mái nhà sàn mộc mạc khiến khung cảnh trở nên huyền ảo. Giữa núi non hùng vĩ, những ruộng lúa chín vàng trong bồng bềnh mây trắng làm mê mẩn lòng người.
- Xem thêm: Bản Giốc không còn xa
Nét đặc trưng kiến trúc vùng này là nhà sàn, mái ngói, cột nhà lớn, hướng ra thiên nhiên thoáng đãng. Cũng như nhiều nơi khác ở Cao Bằng, người Nùng sống trong những ngôi nhà tường đất, mái thấp; trồng lúa, ngô, khoai, sắn trong các thung lũng và trồng cây ăn trái trên những ngọn đồi. Họ cũng rất giỏi các nghề thủ công: mộc, đan lát, rèn, dệt, làm đồ gốm, làm ngói lợp nhà.
Chúng tôi đến thăm cơ sở homestay của gia đình ông Hoàng Ngọc Kim cũng là homestay duy nhất ở bản. Ông Kim cho biết, ngoài nhà sàn lớn với 25 chỗ ngủ, homestay của gia đình ông còn có hai phòng riêng để phục vụ khách cần không gian riêng tư. Hoàn toàn không biết tiếng Anh, chỉ với cuốn sổ, cây bút cùng với tiện ích Google, chủ nhà đã giao dịch thành công với du khách đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Chỉ hai tháng nữa, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, bà con trong bản sẽ dọn sạch gốc rạ trên ruộng để phơi hương, chuẩn bị cho vụ hương lớn nhất trong năm. Nguyên liệu chủ yếu để làm hương là cây mai, vỏ cây gạo, mùn cưa và đặc biệt là lá cây bầu hắt, một loại cây rừng, được dùng làm chất keo kết dính các nguyên liệu lại với nhau. Thân cây mai (một loại tre) thường được dùng làm chân hương vì dẻo và dễ bắt lửa. Người ta lấy cây mai trong rừng rồi chẻ nhỏ, vót thật tròn đều mới gọi là đạt. Trước đó mai phải ngâm nước 2-3 ngày mới dùng được.
Làm hương là một nghề vất vả, cần đến sức vóc của nam giới vì phải vào rừng tìm lá, chặt tre, vừa phải đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận của phụ nữ. Từ đầu năm, đàn ông trong làng đã đi tìm những cây mai già, cứng chắc, dóng dài và thẳng để chẻ làm chân hương. Dù vậy, tất cả các hộ trong bản vẫn duy trì nghề này ngay cả khi cuộc sống đã khấm khá hơn.
Ngắm nhìn gương mặt rạng rỡ của các bà, các chị khi hoàn thành mỗi mẻ hương, du khách thấy vui lây. Rồi ít bữa nữa khi không khí tết tràn xuống làng bản vùng cao, tại khắp các chợ phiên ở Cao Bằng và cả mấy tỉnh xung quanh, hương Phja Thắp là mặt hàng được trang trọng bày bán. Trong các giỏ đồ chứa vật phẩm mua sắm ngày tết của người dân sống dưới chân núi Phà Hùng, không thể thiếu bó hương chân đỏ thắm thoảng mùi thơm ấm áp của núi rừng.
– Theo DoanhnhanPlus.vn