Bây giờ có những điều đúng mà nói ra nghe rất… thờ ơ, “bảo biết rồi khổ lắm” mà không hiểu tại sao. Thí dụ chuyện đại sự chống tham nhũng, chống tiêu cực trên nhiều lĩnh vực, cho đến chuyện “tiểu sự” ở trong gia đình như yêu kính cha mẹ, yêu thương vợ chồng, chăm sóc con cái… nhiều chuyện lắm.
Như chuyện đại sự, chống tham nhũng chẳng hạn. Nói là quốc nạn, là phải quyết tâm, là không vùng cấm… mọi thứ đều đúng. Nhưng cơ chế nào để kiểm soát không cho tham nhũng xảy ra? Ai cũng nói cần, nhưng cụ thể nó là gì? Còn rất chung chung. Nào là tăng cường giáo dục, tăng cường kỷ luật… tất cả đều nói đúng từ lâu rồi, nhưng nó vẫn xảy ra vô cùng trầm trọng, đến nỗi bây giờ có ông bà nào tham ô vài trăm triệu người ta bảo nhỏ, những vụ hàng trăm nghìn tỉ còn đầy ra. Cả nước vẫn phải cố quyết tâm, bao nhiêu quyết tâm cũng chưa đủ.
Là nói thí dụ thế, chuyện đại sự như giáo dục. Tự nhiên có chuyện ở Hà Giang, một tỉnh biên giới xa xôi bỗng điểm thi cao chót vót, không hiểu, không tin nổi. Nếu đúng điểm đó là thật, thì chắc ông trời phát lộ ra nhân tài nơi biên ải, rồi cho xuống trần để… cứu đất nước?
Thế là nháo nhào tìm nguyên nhân, hé lộ chuyện sửa điểm, nhắn tin xin xỏ, mà điểm cao mục đích để có thể đủ để… vào ngành hot như Công an…
Cuối cùng mọi “quái thai” của xã hội đều là một nguyên nhân cũ cả, chả có gì mới, sự xuống cấp có vẻ vô phương cứu chữa?
Toàn… chuyện cũ cả, không có gì mới.
Trong gia đình cũng vậy, hiếu nghĩa yêu thương nhau trong gia đình là điều đúng có từ ngàn đời. Bây giờ con giết cha mẹ, cha mẹ giết con, anh chị em đưa nhau ra tòa tranh chấp, chuyện pháp luật giải quyết phân chia là cần cho mọi xã hội, đều đúng chứ gì? Thế mà cả xã hội có lần… muốn ngất khi chứng kiến một đám ông anh bà chị đi kiện em chỉ vì cha mẹ chia cho đứa em tật nguyền nhiều hơn. Thằng em ra tòa lết bò trên sàn nhà. Thật là kinh khủng cho tình người.
Đó, có rất nhiều cái đúng, rất dễ hiểu không phải “nghiên cứu phát minh” gì cả, có sẵn hết trong đạo lý ông cha, trong các văn bản, các cuộc học hành, ra rả trên truyền thông, ai cũng… thuộc bài cả rồi, nói mà làm theo không được. Nên cứ nói mãi, nói mãi, nói nhiều như… lẩm cẩm, kiểu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Vậy không rõ nguyên nhân cuối cùng của câu chuyện “hiểu hết, biết hết mà không làm” này là gì?
Câu hỏi ấy mới cần nghiên cứu trả lời. Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra đầy nguyên nhân, thậm chí chính nguyên nhân cũng đã… cũ, người ta đã biết, đã thuộc. Nào là tình trạng suy thoái, kỷ luật không nghiêm, cơ chế của kinh tế thị trường có nhiều mặt trái, tiêu cực xã hội tràn lan, đạo đức xã hội xuống cấp…
Đều đúng cả. Cả nước căm ghét tham nhũng, quyết tâm của lãnh đạo đã rõ và quyết liệt, đầy hy vọng.
Trong xã hội vẫn cứ xảy ra quá nhiều vụ tham nhũng. Lợi ích nhóm là tên gọi cũng không còn mới lạ, chỉ còn chờ làm sao làm cho ra lẽ cụ thể nhóm nào để trị. Việc nhiều ngút trời không sao xuể, đòi hỏi nhiều nỗ lực.
Thấy không? Bao nhiêu cái đúng, không có gì là phát minh mới hết. Cứ làm cho đúng những “cái đúng đã cũ” là được. Có vẻ dễ thế, sáng rõ thế mà làm không được thì nói nhiều không giải quyết được.
Phải có phương pháp mới để làm được những “cái đúng có sẵn”. Bởi vì bất cứ cái đúng nào cũng rất dễ trở thành “cũ” là vì làm được nó, biến nó thành phổ biến trong xã hội, phải thành văn hóa lâu bền. Có những cái đúng sẽ đúng ngàn đời, như lòng yêu nước, hiếu nghĩa, tính kỷ luật thượng tôn pháp luật, tình yêu và nghĩa vụ gia đình. Hãy cứ làm cho đúng cái đã và đang có là cũng khó lắm rồi, chả phải đi tìm đâu xa… Các nhà nghiên cứu phát minh hãy tìm ra cách làm sao để con người làm cho thật tốt những cái đã… cũ.