Mùa xuân, mùa của cây cối khoe sắc, cũng là mùa thuộc hành Mộc theo dịch lý Đông phương. Những biến thể của Mộc như lụa là gấm vóc, hương hoa nhang đèn (Mộc sinh Hỏa) luôn chiếm vị thế nổi trội trong trang trí, sắp xếp không gian sống khi xuân sang hạ về. Một ngôi nhà mềm mại hơn với đường nét và các chất liệu mềm cần được bài trí, gia giảm sao cho hài hòa không gian và các quy luật phong thủy, quy luật trong dương có âm của vạn vật.
Theo nguyên lý sinh khắc tương đối thì chất liệu mềm cần được xét theo quan hệ và hiệu quả thụ cảm, ví dụ gỗ mềm hơn so với sàn gạch đá nhưng sẽ cứng hơn so với trải thảm, lót chiếu. Tấm thạch cao tuy thấy khá cứng nhưng không thể bằng tấm cemboards hay so với bê tông. Trong cùng một loại vật liệu cũng có khác biệt, như các tấm gỗ nhân tạo MFC, MDF, HDF đều có thông số độ cứng, độ hút ẩm, co giãn… khác nhau. Vì vậy, sử dụng vật liệu linh hoạt không thể chỉ tập trung vào một loại hay một nhóm vật liệu nhất định, mà cần đa dạng và đúng chỗ, đúng việc.
Từ xử lý bề mặt hoàn thiện…
Bề mặt hoàn thiện gợi lên sự liên tưởng, sự đồng cảm và sự liên kết. Ví dụ một mảng đá bóng khiến liên tưởng đến mát mẻ, thậm chí khô lạnh, khác với mảng gạch gốm nâu cam trầm ấm. Hiểu được ý nghĩa phong thủy của chất liệu và màu sắc sẽ giúp chọn lựa và phối kết nội thất hài hòa hơn. Màu sắc càng nhạt và bề mặt bóng thì khả năng phản xạ ánh sáng càng mạnh, tạo cảm giác tăng dương, động hơn. Còn những chất liệu có bề mặt gai xốp, màu sắc đậm, ít phản quang thì thiên về tính âm, tĩnh hơn.
Sàn nhà là nơi tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên nhất trong nhà nên rất cần bổ sung tính mềm mại. Ví dụ trải thảm tại các vị trí thư giãn, tiếp khách, dùng sàn gỗ trong phòng ngủ… là cách cân bằng âm dương hữu hiệu thay vì chỉ lát sàn thuần túy gạch hay đá. Những tấm thảm đặt đúng chỗ luôn là điểm nhấn quan trọng: tăng sức hấp dẫn cho không gian, làm giảm tiếng ồn, tạo cảm giác sử dụng êm ái thoải mái… Loại thảm sử dụng thuần chất liệu tự nhiên như sợi đay, sợi bông, chiếu tatami kiểu Nhật… còn được dùng như một liệu pháp tăng Thiền định, tĩnh tại cho nội thất.
Trần nhà tuy không bị “đụng chạm” hằng ngày nhưng lại là “bầu trời nhân tạo” trên mỗi không gian, vì thế nếu trần bố trí đơn điệu hay phẳng phiu quá cũng đem lại cảm giác nhàm chán, đè nén cho người sử dụng. Một trần nhà mềm mại được hiểu là tạo bề mặt sao cho không sáng bóng phản chiếu quá mức, phân bố bề mặt có chính phụ và cao thấp, đồng thời nên gia tăng yếu tố tự nhiên cho trần. Có thể thấy những ngôi nhà truyền thống sử dụng vật liệu có nguồn gốc thuộc Thổ và Mộc khá gần gũi, như mảng trần (cũng là mặt dưới lớp lợp mái) của nhà dân gian với hệ rui mè bằng gỗ, trên lợp ngói hay tranh, rơm rạ… rất thân thiện, mát mẻ, nhưng không thể áp dụng vào căn hộ hay nhà phố hôm nay. Do đó thiết kế trần hiện đại cần các biến thể, mô phỏng thiên nhiên như dùng hệ lam nhẹ giấu đèn hắt dịu dàng, dùng các tấm trần thả có tạo hình và màu sơn gần gũi thị hiếu người Á Đông như gam màu của gỗ, màu xanh nhẹ, vàng chanh… tạo sự phong phú hơn là trần phẳng toàn trắng hay dùng màu kiểu “công nghiệp”. Dĩ nhiên, những cặp màu tương phản, màu đột biến rực rỡ thì vẫn khá thích hợp với phòng trẻ em hoặc phòng giải trí bởi đó là không gian động hơn, dương tính hơn là phòng ngủ.
…đến biến tấu ở các tấm bình phong
Ngăn chia mềm và linh hoạt thực ra không phải mới có trong kiến trúc hiện đại. Trong ngôi nhà truyền thống Đông phương, tấm bình phong thường không chỉ là một bức vách di động linh hoạt, mà còn mang ý nghĩa phong thủy sâu sắc. Bình phong có thể cố định, có thể phân cách tạm thời không gian trong – ngoài, chung – riêng, giúp giảm tầm nhìn và ngăn phần nào gió thổi trực diện, hay chắn nắng chiếu xuyên phòng. Ở tư dinh, phủ doanh ngày xưa, bình phong còn được trang trí cầu kỳ thể hiện đẳng cấp gia chủ. Tại các đền miếu hay chốn công cộng thì bình phong bắt buộc phải có để ngăn sự xâm nhập trực diện đường đột, tăng tính đóng – mở cho cảnh quan phía trước công trình. Bình phong trong cảnh quan có thể xây bằng gạch, là rào cây, hay kết hợp với hồ cảnh non bộ (do nhà dân gian đa phần xoay về hướng Nam là nơi Hỏa thịnh, hồ nước giúp giảm Hỏa trực xung môn) để trong ngoài thấp thoáng dẫn dắt đầy ý nhị, như một “lời chào” nhẹ nhàng và đủ lễ nghĩa.
Có thể thấy ở hầu hết không gian resort đương đại, nhà hàng, khách sạn… mang nét Đông phương đều hiện diện các tấm bình phong phục cổ hay biến thể khá phong phú, gần như kiêm luôn vai trò “bảng hiệu”, làm mảng đặt logo của công trình. Đi sâu vào nội thất cũng vậy, những tấm bình phong, dù nhỏ nhưng nếu khéo khai thác cũng có thể trở thành gạch nối thú vị cho không ít các sáng tạo bối cảnh mới, vật liệu mới. Bình phong bằng gỗ, sơn mài hay bọc vải lụa hôm qua đang dần được hôm nay biến tấu trên tinh thần vốn có, trở thành điểm nhấn mới mẻ, điểm tựa của không ít thủ pháp trang trí với nhiều cải biên về hình dáng, chất liệu và cách thức bố trí, đem lại những sắc thái mới cho không gian nhà ở.
Chớ quên lụa là…
Mọi ngôi nhà sau khi hoàn thành đều có phần góp công của vải, bởi đây là một trong những chất liệu trang trí nội thất vừa gần gũi, đa dạng, vừa thiết thực, phổ thông. Sự hiện diện của vải vốn hiển nhiên khi cần trang trí nhà cửa: làm thảm trải sàn, rèm cửa, bọc sofa trong phòng khách hay làm drap trải giường, khăn trải bàn, thậm chí có thể dán trên tường để trang trí như một dạng tranh… Vải luôn giúp mọi không gian có thể khác nhau về phần “cứng” luôn được mềm mại hơn, tăng sức sống hơn, mang sắc thái của một tổ ấm, ghi dấu bàn tay chăm chút của người nữ trong gia đình. Đặc biệt, vải cũng như hoa lá vốn thuộc Mộc rất thích hợp cho những sáng tạo đầy trí tưởng tượng, gia tăng tính âm để cân bằng với tính dương trong kết cấu xây dựng. Vải cũng giúp thay đổi những cảm nhận về không gian khi gia chủ muốn tránh sự nhàm chán hoặc đổi phong cách bài trí nội thất mà không cần tốn kém nhiều chi phí sửa sang.
Chính đặc tính ngũ hành về chất liệu thuộc Mộc và Thủy (mềm mại) khiến vải vóc có thể tạo ra vẻ đẹp mang ý nghĩa trôi chảy, liền mạch, giảm được những khiếm khuyết của không gian, và bổ sung hành còn thiếu hay nhấn mạnh hành nổi bật cho một không gian nào đó, nhanh chóng đổi gu bài trí của ngôi nhà, từ cổ điển, già dặn sang hiện đại, trẻ trung hoặc ngược lại. Thậm chí, chỉ cần thêm tấm rèm màu xanh ở chỗ này, hay đổi tấm thảm màu nâu ở chỗ khác, những người có niềm tin tâm linh luôn cảm nhận tác dụng khác biệt về phong thủy rõ rệt.
Tính chất phong thủy của vải được tạo nên nhờ vào ba yếu tố: hoa văn màu sắc, cấu trúc bề mặt và độ dày mỏng, nặng nhẹ. Trên thị trường luôn có rất nhiều loại vải vóc có thể sử dụng để trang trí như tơ lụa, linen, cotton, polyester, thổ cẩm, sợi gai… nên rất cần sự cân nhắc và trải nghiệm để có lựa chọn phù hợp. Các đặc tính của vải luôn gắn liền với cảm giác của người sử dụng về không gian nội thất. Với không gian mang tính Thiền, hãy chọn linen, vải thô, sợi đan trơn… mang màu trung tính, ít cầu kỳ và tạo nền nhã nhặn. Còn khi ngôi nhà bài trí theo kiểu cổ điển lại cần các loại tơ lụa được dệt thủ công, tỉ mỉ, hay gấm, vải thêu hoặc ren… với tông màu từ Hỏa, Thổ sang Kim (đỏ, vàng nâu đến trắng và xám) sẽ thích hợp. Còn các căn phòng hiện đại thì nên trang trí bằng các loại vải nhân tạo, vải lanh in hoa, vải thô hay nhung đơn sắc… Cơ bản là vậy, còn tất nhiên cần phụ thuộc vào mục đích sử dụng vải để làm rèm cửa, đồ gỗ hay làm thảm trải nền… mà màu sắc và thiết kế sẽ cụ thể sao cho phù hợp.
Đối với vải làm rèm, chọn vải nên theo nguyên tắc cân bằng âm dương. Nếu khung cửa rộng, phòng nhiều ánh sáng thì màu sắc của rèm nên sẫm, tối. Còn khi căn phòng hẹp và ánh sáng không đủ mạnh, các màu sáng của nội thất trong đó có vải rèm sẽ giúp phản chiếu ánh sáng bề mặt tươi hơn, sống động hơn. Tương sinh ngũ hành theo mùa cũng giúp chọn lựa rèm cửa hòa hợp với tiết khí trong năm, ví dụ vào mùa hè nóng bức thì màu rèm nên có tông xanh dương, xám kem hoặc xanh lá nhạt (màu tương khắc với Hỏa vượng). Những màu vải này cũng rất ăn ý khi kếthợp với lớp voan, ren trắng để tạo thành những chiếc rèm cửa hai lớp lọc sáng. Khi sang tiết thu-đông thì gam màu ấm như nâu, cam sẽ lên ngôi để gia tăng tính dương và khắc chế bớt hành Kim và Thủy.
Vải cho đồ gỗ như ghế, sofa, giường ngủ… cũng có thể chọn lựa thích ứng với từng mùa, nhưng mang tính trung hòa và ít biến đổi hơn so với rèm. Các loại vải tạo nên vẻ đẹp trang trọng thường có bề mặt mềm mại và bóng mượt, bắt sáng tươi tắn với các hoa văn và họa tiết trang nhã đi kèm như voan, gấm, lụa… Còn các loại vải tạo sự thân mật, gần gũi thường hay có bề mặt thô ráp và mờ như vải bố, vải thô, sợi bông… sẽ hợp với kiểu bàn ghế giường đơn giản, chắc khỏe.
Với sự phong phú và đòi hỏi nhiều chọn lựa tinh tế, chất liệu vải luôn âm thầm hiện diện một cách hiển nhiên, để bổ sung nét mềm mại cho mọi không gian, như minh chứng cho sự hiện diện không thể thiếu của tính âm, của người nữ trong mọi không gian, mọi gia đình.
- Ảnh Xuân Trang