Thông thường, khi một cặp đôi gặp trục trặc trong vấn đề hôn nhân, họ sẽ tìm đến bác sĩ tâm lý, người có kinh nghiệm trong gia đình, bạn bè…, như một liệu pháp để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, dù nhận được vô số lời khuyên, không phải cặp vợ chồng nào cũng áp dụng thành công. Thậm chí, những lời khuyên này còn khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, các cặp đôi chia tay sớm hơn.
Theo Howard Markman, giáo sư tâm lý học tại University of Denver (Mỹ), khi nhận về những lời khuyên, chúng ta chỉ mới có được những kiến thức cơ bản. Và hôn nhân lại không phải là một kỳ thi lý thuyết đơn thuần, mà là một kỳ thi tổng hợp cả kiến thức lẫn kỹ năng.
“Nhiều người nghĩ tới các vấn đề trong hôn nhân như việc họ mắc bệnh cúm. Họ dùng lời khuyên của các chuyên gia như những liều aspirin, uống vào và thế là căn bệnh biến mất. Tuy nhiên, thực sự thì những vấn đề hôn nhân cũng như căn bệnh ung thư, khi đã lây lan thì rất ít thuốc chữa được. Đa số giải pháp thường là cắt bỏ” – Howard Markman chia sẻ.
Vì thế, quan điểm của Howard Markman là nếu muốn có một cuộc hôn nhân bền chặt, bạn phải có những kỹ năng, giống như những thói quen tốt cho sức khỏe, để từ đó giữ cuộc hôn nhân luôn khỏe mạnh.
Kỹ năng thứ nhất: Hiểu bản thân
Nếu chưa từng tham lam, chúng ta sẽ không biết cách buông bỏ. Nếu chưa từng thất bại, chúng ta sẽ không thể hiểu giá trị thành công. Tương tự, chúng ta phải rất vị kỷ, rất yêu và hiểu bản thân thì mới có thể vị tha, mới có thể yêu người khác.
Suốt 25 năm nghiên cứu và trực tiếp hỗ trợ việc hàn gắn các cặp đôi, tiến sĩ tâm lý học Sherod Miller thấy rất nhiều bệnh lý, rất nhiều mối quan hệ đổ vỡ phát sinh từ việc người vợ hoặc chồng không biết bản thân họ là ai. Họ bị lẫn lộn với chính cảm xúc, cái tôi của mình, để rồi dẫn đến lẫn lộn trong mối quan hệ với mọi người xung quanh.
Do đó, bước đầu tiên trong phương pháp trị liệu của mình, Sherod Miller sử dụng một loạt câu hỏi, khảo sát, đánh giá để giúp mỗi cá nhân tìm về bản ngã của mình. Bằng cách này, ông giúp họ tự nhận thức, xác định lại các vấn đề họ muốn trong hôn nhân, cuộc sống.
“Điều đầu tiên để cải thiện một mối quan hệ, đó là chúng ta phải lắng nghe bản thân. Tìm về bản ngã của mình. Sau đó, lắng nghe đối tác để có sự đồng cảm, trước khi tiến hành những giải pháp dung hòa” – Sherod Miller ghi nhận.
Trong Radical Honesty, quyển sách nằm trong danh mục sách bán chạy nhất Hoa Kỳ – Nationwide Best Seller – của tiến sĩ tâm lý học Brad Blanton, ông đã đưa ra một phương pháp khá kỳ lạ nhưng rất có hiệu quả để chúng ta hiểu bản thân mình, xây dựng những mối quan hệ bền chặt và làm mọi thứ đơn giản hơn, là “hãy luôn nói thật”.
Theo đó, Brad Blanton nhận thấy rằng đa số chúng ta thường nói dối và thường sống như những diễn viên trong bộ phim cuộc đời. Chúng ta tới trường, đi làm với một tính cách khác, về nhà với một tính cách khác và ra đường với một tính cách khác. Chúng ta lẫn lộn với bản ngã của mình, lẫn lộn với những giá trị khác nhau, để rồi chính chúng ta không hiểu được mình là ai và mình muốn gì.
Chỉ khi chúng ta nói thật, tất cả tính cách lộn xộn ấy mới có thể hòa lại làm một. Chúng ta mới có thể hiểu bản thân muốn gì, cần gì và sống như thế nào.
“Khi bạn nói thật, những mối quan hệ gần gũi, đặc biệt là quan hệ gia đình, sẽ tốt lên. Vì khi bạn nói thật, người khác cũng sẽ nói thật với bạn, và bạn hiểu mình cần làm gì để giữ gìn chúng. Với những mối quan hệ khác, khi không cần thiết, tốt nhất là đừng nói gì. Tất nhiên đôi khi tôi cũng nói thật, để cho những thứ chán ngán giả tạo chấm dứt thật nhanh” – A.J. Jacobs chia sẻ. A.J. Jacobs là nhà báo, tác giả sách, người đã trực tiếp gặp và trải nghiệm lý thuyết của Brad Blanton trong ba tháng liền.
Kỹ năng thứ hai: Luôn cùng nhau xác định mục tiêu
Theo Caryl Rusbult, chuyên gia tâm lý tại Vrije Universiteit Amsterdam, cùng nhau xác định mục tiêu là một trong những kỹ năng đặc biệt quan trọng tiếp theo với mỗi cặp đôi để duy trì mối quan hệ hôn nhân.
Ông mô tả đây là một phần trong “hiệu ứng Michelangelo” (một nhà điêu khắc nổi tiếng người Ý). Theo đó, mỗi cặp đôi khi kết hôn sẽ dần dần “điêu khắc” nhau và nếu họ có một lộ trình, mục tiêu cụ thể, dung hòa được, thì công việc này sẽ khiến cả hai gần như điêu khắc để dành cho nhau: bù trừ khuyết điểm, phù hợp từ suy nghĩ, quan điểm, tới hành động, thói quen.
“Nhiều cặp vợ chồng khi mới lấy nhau, họ phải sống khá nghèo khổ. Khi ấy, họ có chung mục tiêu là tiền bạc, tài chính, vì thế họ cùng nhau phát triển, cùng nhau hướng về mục tiêu. Nếu không chia tay trong giai đoạn này, khi cả hai trở nên giàu có, bạn sẽ thấy họ trở thành một cặp bài trùng ăn ý đến đáng kinh ngạc, không chỉ trong kinh doanh, mà còn trong cuộc sống” – Caryl Rusbult chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, Gary W. Lewandowski Jr, giáo sư tâm lý thuộc Monmouth University (Mỹ), cũng cho rằng, nếu chúng ta muốn có một cuộc hôn nhân lâu dài và hạnh phúc, cả hai đều cần phải có mục tiêu rõ ràng, có lộ trình cụ thể để giúp nhau hoàn thành mục tiêu đó. Bởi nó không chỉ giúp cả hai thông cảm, hiểu nhau hơn, mà còn giúp họ trân trọng người bạn đường của mình hơn.
“Ở nhiều cặp đôi, khi một người tìm kiếm điều gì đó và nhận ra họ có thể có được nó thông qua người bạn đời của mình, họ sẽ đặt bạn đời ở một vị trí khá trang trọng. Lúc này, cả hai sẽ rất ít gặp rắc rối, đầy sự vị tha, thông cảm. Tuy nhiên, khi một hoặc cả hai người đã có được điều mình muốn và ngưng nỗ lực, hết mục tiêu, giá trị của đối tác sẽ không còn và vấn đề sẽ bắt đầu xuất hiện. Do đó, hãy luôn đặt mục tiêu cho nhau trong hôn nhân, phù hợp, dung hòa. Đó là một trong những kỹ năng vô cùng hữu ích” – Gary W. Lewandowski Jr kết luận.