Anh xe ôm mở đầu câu chuyện với khách: “Người ở đâu ra mà khiếp quá, đường phố trừ ba ngày tết ra không lúc nào vắng”. Khách ngồi sau vui chuyện bảo: “Nếu cứ nhìn đường phố thì dễ nghĩ xứ ta toàn người… thất nghiệp!”. Vì nếu có việc làm thì đã ở trong các xí nghiệp, công ty, cơ quan, trường học, bệnh viện… chứ tầm 9-10 giờ sáng hoặc 2-3 giờ chiều – giờ làm việc mà xe cứ chạy đầy đường. Chẳng thất nghiệp là gì? Hay cứ coi như họ là những người buôn bán phải chạy đi giao dịch (thử bào chữa vậy chứ giao dịch giờ toàn xài email cả), nhưng lấy đâu ra “người đi giao dịch” lắm thế, nghẹt cả đường?
Khó hiểu quá đi.
Lại nghe nói hiện nay – chứ không phải thời cổ đại – ở bên Nhật có phong trào người dân sáng dậy sớm đi dự những lớp học về đạo đức gia đình. Sao cuộc sống họ quy củ như vậy mà còn… đi học, lại học thứ thật… khó hiểu. Đạo đức gia đình ai chả biết: phải yêu thương, quý trọng, giúp đỡ… người thân yêu trong gia đình. Thế còn đi học gì nữa nhỉ? Nghe nói họ chia sẻ những tình huống và kinh nghiệm gia đình, cả cách ứng xử, giáo dục con cái – những điều họ biết quá đi chứ, thế mà cũng đi học. Ở xứ ta chỉ có bọn con nít mới học môn giáo dục công dân như thế chứ người lớn còn lạ gì mà phải học? Lạ quá đi mất.
- Xem thêm: Có học đâu mà nói “hiếu học”?
Rồi có người thắc mắc: Lạ lắm, mở điện thoại thấy tin nhắn mời mua nhà đất, làm đẹp, vay tiền này nọ nghe đến phát chán, nhưng nay nó còn để số điện thoại để mời mua… tất cả các loại bằng cấp, thế nó chả sợ người ta lần theo, tìm địa chỉ bắt thì sao? Cứ dừng xe ở ngã tư đèn đỏ là được mời mua nhà, mua đất thì ai cũng quen rồi, đằng này còn mời vay tiền – kiểu cho vay nặng lãi nữa chứ – vậy mà họ cũng chẳng sợ gì. Lạ thật.
Thế cũng chưa ăn thua. Chuyện “tiền tấn” hẳn hoi, bỏ ra cả triệu đô để đi định cư, được quảng cáo, tư vấn rầm rộ trên báo chí. Tốn tiền tỉ, phải qua nhiều thủ tục nhập cảnh, mất thời gian dài, có cả luật sư hướng dẫn. Bỏ ra khoản tiền cỡ một gia tài lớn để xuất cảnh, nhập cư theo chính sách – việc to như thế vậy mà có cảnh báo “nhiều công ty dịch vụ xin thẻ xanh EB5 mọc lên như nấm sau mưa và không ít người tiền mất tật mang”. Việc nhỏ như mua hàng đa cấp bị lừa còn hiểu được, đằng này chuyện lớn thế mà cũng ăn quả lừa như thường, chẳng lẽ không có ai quản lý? Khó hiểu quá đi. Cũng chuyện tiền nong, nhiều người còn công khai nhận định: nhiều dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài thực chất là chuyển ngân lậu. “Quan trọng là làm sao có nhiều tiền chứ còn chuyển ra ngoài thì có vô vàn cách”.
Rồi đến chuyện một ông già “nhớ lại thời oanh liệt xưa” khi bảo: Ngày xưa vào thời Tây, bác còn bé đi học ở thành phố có xe đưa rước, nhưng theo một lịch trình được nghiên cứu kỹ: tuyến đường nào trước, tuyến đường nào sau, học sinh cùng tuyến cứ thế đón đưa. Không như bây giờ cổng các trường quốc tế nào cũng hàng đoàn ôtô, mỗi xe chỉ chở một học sinh, làm gì không tắc đường”.
- Xem thêm: Cho hỏi ngu chút…
Nghe thế đám thanh niên cười ầm: “Cụ ơi, xưa thời thực dân đế quốc người ít phố vắng, chỉ số ít con nhà khá mới đi học, chứ như bây giờ đưa đón xe đâu cho đủ”. Không ngờ cụ già đáp ngay: “Thì startup đi. Kiểu Grab hay GoViet hay tương tự thế. Đó là cách hợp lý hóa, xe nào gần khách nhất là đến. Vậy mà các startup còn bỏ quên khối thứ có thể kinh doanh tốt, cứ chúi mũi bán cà phê mãi làm gì chẳng bão hòa”.
Một ông cụ nói được thế, có kể cho ai nghe họ lại bảo chỉ bịa cho mà coi. Nhiều chuyện khó hiểu quá đi…
– Theo DoanhnhanPlus.vn