Với nhiều du khách, khi dừng chân lưu trú ở một khách sạn nào đó thường chỉ chú ý tận hưởng các tiện nghi, dịch vụ chứ ít khi quan tâm đến các yếu tố khác. Khi du lịch đã trở thành một công nghệ thì các tiện nghi, dịch vụ đều được xác định theo các chuẩn mực, tiêu chí cụ thể. Điều tạo nên khác biệt cho các khách sạn chính là diện mạo kiến trúc… để một khách sạn có được sự khác biệt như vậy phải có các chiến lược riêng về thiết kế.
Khi bắt tay vào việc thiết kế Khách sạn Golden Holiday các kiến trúc sư đã cùng bàn bạc với nhau và thống nhất ba chiến lược thiết kế chính: “Thưởng thức tiết trời nhiệt đới”, “Sử dụng năng lượng tự nhiên”, “Tối đa hóa tiềm năng địa phương về lao động và nguyên vật liệu”.
Theo đó, thiết kế đưa ra giải pháp Mặt tiền thực vật dọc nhằm tận dụng lợi thế của khí hậu nhiệt đới Việt Nam. Đó là các tầng cây xếp lớp vừa tạo lớp vỏ làm giảm bức xạ mặt trời, đồng thời dẫn gió vào hành lang công trình. Vườn thực vật dọc này gồm hai tầng cây cơ bản, các viền cây trang trí như lưỡi hổ, cọ tàu, tầng thực vật cao hơn sử dụng cây Sanh mọc tự nhiên (3m). Lối bố trí cây xanh như vậy không chỉ đem lại cho những người nghỉ trong khách sạn cơ hội thưởng thức vườn thực vật dọc này mà còn góp phần tạo nên vẻ đẹp của khu phố, ngay cả những du khách đi ngang qua cũng được tận hưởng một tầm nhìn xanh. Đây cũng là giải pháp góp phần điều hòa vi khí hậu khu vực. Tại khoảng trống trung tâm, những tầng thực vật nhỏ xếp lớp lên nhau xung quanh khoảng trống khu trung tâm phân cách hành lang chung với khoảng thông tầng mang lại sự riêng tư cho phòng khách. Khoảng thông tầng này chính là không gian trung gian với chức năng khoảng đệm xanh giữa phòng khách và khu vực chung.
Khu đất thiết kế nằm trong khu vực quy hoạch chia lô thương mại điển hình với kích thước 8,5m x 22m, mặt trước và sau được phép mở cửa sổ, hai mặt bên giáp một khách sạn cao tầng và một công trình thấp tầng. Giải pháp xử lý đưa ra là tạo một khoảng trống (thông tầng) nằm giữa trung tâm công trình (xuyên suốt 12 tầng), điều này giúp tận dụng và điều tiết ánh sáng tự nhiên, giảm năng lượng chiếu sáng nhân tạo, bẫy gió tự nhiên để điều hòa không khí, giảm năng lượng chiếu sáng và làm mát nhân tạo cho công trình. Một bể bơi hình chữ T được bố trí ở tầng thượng công trình, mặt tiền tầng này được trồng cây đại nhằm tạo một ranh giới ước lệ giữa hồ bơi và đại dương, đồng thời mang lại bầu không khí nhiệt đới cho khu vực hồ bơi.
Với mục tiêu tối đa hóa tiềm năng địa phương về lao động và nguyên vật liệu, các kiến trúc sư đã tận dụng vật liệu đá và gỗ tự nhiên được khai thác từ những ngọn núi quanh khu vực, sử dụng các khối bê tông rỗng được làm thủ công từ các người thợ địa phương… tất cả tạo nên một tổng thể đơn giản và hiệu quả, xét từ phương diện thẩm mỹ và khai thác sử dụng.
- Ảnh Hiroyuki Oki
Địa chỉ 3/1 Trần Quang Khải, Nha Trang, Khánh Hòa
Kiến trúc sư chủ trì: Trịnh Việt A, Naoya Sakamaki, Lê Hoài Phương
Thiết kế MEP: Trần Cường
Thiết kế kết cấu: Trung Son JSC
Thiết kế ý tưởng chiếu sáng: Nguyễn Nhi Hoài Anh
Giám sát xây dựng: Tạ Xuân Lộc