Nhiều cô con dâu quan niệm, phải “hư” ngay từ khi mới về nhà chồng. Hư ở đây có nghĩa là đừng giỏi quá, siêng năng quá, làm biếng được tới đâu thì cứ làm.
Một cô kể, hồi mới về nhà chồng cô cứ ngủ thoải mái, chồng ngủ tới đâu cô ngủ tới đó, thậm chí có khi chồng thức dậy, ra ngoài phòng rồi nhưng cô cứ nằm ườn mà nướng, mặc kệ tiếng đời chung quanh, mặc kệ ánh mắt khó chịu của chị chồng, bỏ qua những lời gièm pha sau lưng. Cô cho đó là cách “dạy (nhà) chồng từ thuở bơ vơ mới về”. Mới nghe qua thì thấy vô lý và thấy cô này quá thể lắm, thế nhưng, nghe cô giải thích mới hiểu là từ kinh nghiệm chị của cô, giỏi giang, vén khéo quá bị nhà chồng ăn hiếp.
Hai chị em ruột mà tính tình khác nhau trời vực, nếu chị đảm đang, nữ công gia chánh đều giỏi thì em vụng chẳng biết làm gì, đụng tay vào cái gì hư cái đó. Có người cho là bởi cô chị giỏi quá, cô em chẳng có việc gì để làm nên thành vụng, trăm hay không bằng tay quen. Về nhà chồng, phần vì lười, phần vụng, thêm nữa tính cô cũng bướng nên cô phó mặc… rủi may. Nếu số hưởng, dù cô vụng đến đâu thì chồng và nhà chồng vẫn thương, còn nếu số khổ lại giỏi đến đâu nhà chồng vẫn ghét.
Đúng là may cho cô, gặp mẹ chồng hiền nên cô không bị trở ngại trong chuyện làm dâu. Sáng ngủ dậy, ra khỏi phòng cô xuống bếp lào khào vài câu với mẹ chồng rồi vệ sinh cá nhân, xong vợ chồng dắt xe đi làm. Có lúc đụng mặt chị chồng, cô cũng giả lả vài câu, không quan tâm chị có nhiệt tình với mình hay không.
Chiều, nếu thích cô về nhà ăn cơm chung với gia đình, không thích cô lang thang cùng bạn bè hay rủ chồng đi ăn tiệm. Nói chung, cô không đặt nặng vấn đề làm dâu phải thế này, thế kia.
Vậy mà hay, ít gặp nhau, càng ít đụng chạm. Chị chồng có khó chịu vì cô không gần gũi gia đình chồng chứ cô chẳng có lỗi gì cả. Cũng là một quan niệm sống.
Đến khi sinh con, cô về nhà mẹ đẻ. Cô dự định vợ chồng sẽ dành dụm và thêm một số vốn từ mẹ đẻ cho, cô và chồng sẽ ra riêng. Dự tính là vậy, còn bây giờ nhờ được mẹ đẻ thì cô cứ nhờ. Cuối tuần cô và chồng mang con về nội chơi, tất nhiên với lý do có con nhỏ, cô được miễn trừ các khoản nấu ăn, dọn dẹp, rửa chén.
Mới thấy, đời người có số. Nhiều cô rất giỏi, khéo léo nhưng chẳng được cái nhìn thiện cảm của nhà chồng khiến luôn có cảm giác bị nhà chồng lợi dụng vì cô quá giỏi, chẳng hạn, bếp chính cho đám giỗ, nhà cửa sạch sẽ một tay cô dọn dẹp, thậm chí còn cả chăm con của chị chồng nữa. Vốn tính hiền nên cô cứ lẳng lặng làm lụng, lâu dần, người ngoài nhìn vào thấy cô giống như một người giúp việc không công.
Những cô gái hiện đại ngày nay chẳng muốn quá giỏi giang. Lười được lúc nào thì lười. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn. Mâu thuẫn con dâu và gia đình chồng nhiều lúc căng thẳng đến mức vợ chồng trẻ phải chia tay vì cả hai bên (nhà chồng và con dâu) không chịu được nhau.
Nhiều phụ nữ đúc kết cuộc đời mình cho rằng, phụ nữ giỏi quá thường khổ. Cái khổ ở đây theo nghĩa phải gánh vác mọi việc không chỉ gia đình riêng mà cả gia đình chồng. Thậm chí, do giỏi quá, việc gì cũng biết làm, giành hết phần của con cái khiến con gái thành vụng, không biết làm gì.
Một bà mẹ giỏi quá, cuối đời mới nhận ra điều này khi con gái về làm dâu nhà người ta lóng nga lóng ngóng xắt miếng thịt cũng không khéo, không biết làm cá, không biết chặt thịt gà…
Tuy nhiên, cũng có nhiều bà mẹ (đến già) thú nhận cả đời chưa bao giờ làm một con cá (vì đã có người bán làm giúp), chồng chặt thịt gà khéo hơn…
Có bà mẹ ra sức dạy dỗ con gái nữ công gia chánh nhưng xem ra không phải ai cũng giỏi, khéo tay. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ khẳng định tài gia chánh ở mức cả nhà không bị đói còn nữ công thì bây giờ đã có các dịch vụ từ lên lai quần cho đến sửa chữa một cái áo rộng. Vậy mà vẫn sống một đời, con cái khỏe mạnh.
Xưa nay, người ta thường cho rằng, hồng nhan đa truân, người giỏi quá thì khổ. Tuy nhiên, quan trọng là cách nhìn của mỗi người, có người cầu toàn việc gì cũng chỉn chu thì cũng có người phiên phiến, sống được là được. Sống sao cho nhẹ nhàng, hạnh phúc, đừng xét nét nhau rồi gây khổ cho nhau vì những chuyện không đáng, đó là cách nghĩ người rộng rãi, khoan dung, biết sống. Nghĩ được vậy không dễ!