Mỗi ngôi nhà luôn có sự khác biệt với các nhà khác ở chi tiết hoàn thiện, bao gồm cả hoàn thiện bên ngoài lẫn bên trong công trình. Ngay cả trường hợp nhà liên kế xây sẵn giống nhau hoàn toàn phần ngoài, thì sự khác biệt về chi tiết nội thất sẽ là yếu tố quan trọng đánh giá chất lượng không gian sống cũng như tính chất phong thủy của ngôi nhà đó.
Nếu như phần thô của ngôi nhà luôn bắt đầu từ dưới lên (móng – tường – mái) theo nguyên lý của hành Mộc, thì phần hoàn thiện lại thực hiện theo đặc tính của hành Thủy, tức là “chảy” từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.
Hoàn thiện theo tiện nghi
Nguyên lý hoàn thiện từ trên xuống và từ trong ra không những giúp cho quy trình xây dựng và dọn dẹp nhà tốt mà còn giúp bình ổn nội khí, tránh các xáo trộn do hoàn thiện không đúng quy cách. Quan điểm “nhất tiện nghi – nhì ổn định” cho phần hoàn thiện cũng chính là tiến trình đúng khi làm hoàn thiện, tránh các trang trí không liên quan đến sử dụng, không đảm bảo tiện nghi hoặc không tính đến các yếu tố vật dụng. Ví dụ: một mảng tường trong nhà cần tính toán trang trí hoàn thiện sao cho khi đồ đạc được đưa vào không gian ấy thì mảng trang trí không bị che khuất, không gây vướng bận và đóng góp vào tiện dụng, đó chính là đặt yếu tố tiện nghi lên trước.
Ta có thể thấy trong ngôi nhà ở truyền thống trước đây hầu như ít có yếu tố trang trí thuần túy mà luôn gắn việc trang trí theo công năng và các mảng miếng trang trí được thực hiện có chủ đích, thậm chí đa phần bộ khung kết cấu chịu lực cũng là các điểm trang trí hoàn thiện luôn.
Thống nhất và điển hình
Hoàn thiện các chi tiết của một ngôi nhà luôn cần đến sự thống nhất để đảm bảo tính thông suốt của trường khí thống nhất, thể hiện qua rất nhiều mặt, từ hình dáng cho đến chất liệu, màu sắc, bề mặt… Không phải vô cớ mà nhiều người thời nay vẫn thích làm nhà theo
phong cách truyền thống (phương Đông hay phương Tây đều vậy) chính bởi tính nhất quán trong xử lý chi tiết, chứ không như tình trạng nhiều ngôi nhà hiện đại có các chi tiết bị ghép nối tùy tiện, lai tạp. Tạo hình chính là lập thế, nếu hình hỏng ắt thế hỏng, khí sẽ suy, cho nên chỉnh khí cho ngôi nhà trước tiên chính là chỉnh hình. Việc “trang điểm” chi tiết đòi hỏi gia chủ và người thiết kế phải có quan niệm đúng ngay từ đầu, tránh tình trạng công trình làm xong phần thô rồi mới bắt đầu “đi tìm chi tiết” đâu đó về gán ghép vào. Chi tiết hài hòa, hợp lý là chi tiết thể hiện đặc trưng của công trình chứ không phải là chi tiết đắt tiền, lạ mắt hay rườm rà.
Thống nhất hóa về chi tiết còn giúp gia chủ giảm lãng phí trong xây dựng. Ví dụ: chủng loại gạch không phức tạp, màu sơn đồng nhất sẽ giúp cho công tác hoàn thiện được nhanh chóng, đúng tiến độ thi công. Hoặc như các chi tiết khung sắt, hoa văn phải thống nhất chủng loại, cầu thang phải thống nhất về chiều cao, chiều rộng bậc, lan can. Theo triết học phương Đông, cân bằng âm – dương và hài hòa ngũ hành thể hiện ở mối quan hệ giữa hình dáng chung và chi tiết trang trí. Các xử lý chi tiết hoàn thiện có thể đúc kết qua một số tiêu chí cơ bản như sau:
– Chi tiết không che lấp đại thể, chi tiết giúp nổi bật và bảo vệ nội khí cho công trình (như ô văng, mái hiên che mưa tạt gió hắt, có tác dụng như mũ lưỡi trai) đồng thời không ngăn cản sinh khí ra vào công trình.
– Sử dụng vật liệu trang trí bên ngoài đơn giản sẽ tạo hiệu quả và giảm công sức cũng như chi phí bảo trì. Tránh dùng các vật liệu tạm bợ hoặc không hợp với khí hậu, tính chất của khu vực (ví dụ: khu vực chưa an ninh thì cần phải có hoa sắt cửa chắc chắn).
– Độ bền của chi tiết theo thời gian (cả về kỹ thuật và mỹ thuật, tức là ít bị lạc hậu, lỗi thời, lai căng xa lạ) chính là biểu hiện “sức khỏe” của ngôi nhà, ít gây ra các xáo trộn, thay đổi sửa chữa phức tạp.
Bố trí đồ đạc hợp với nhà
Khi chọn đồ đạc, suy nghĩ hợp logic là “nhà nào đặt đồ đó”. Nếu sở hữu nhiều đồ đạc kiểu xưa thì phải đặt trong không gian nhà có chất hoài cổ, và ngược lại, một bộ bàn ghế hi-tech sẽ được đa số gia chủ nghĩ rằng khá hợp với nội thất hiện đại. Quan niệm này tuy đúng nhưng chưa đủ về mặt phong thủy và xu hướng trang trí đương đại. Bởi dù nhà có làm theo phong cách gì cũng cần sự bình ổn trong sử dụng, bình an trong tâm lý gia chủ. Phong thủy
xưa nay quan niệm: sự hài hòa luôn được ưu tiên chú trọng hơn là yếu tố độc đáo hay chi phí bỏ ra khi mua sắm đồ nội thất. Tuy nhiên, hài hòa ở mức nào thì thực tế không hề có quy định đồ nội thất kiểu truyền thống thì không đặt được trong phòng kiểu mới. Chỉ cần quan tâm một số nguyên tắc sau để gia chủ chọn lọc nhằm giúp toàn bộ không gian đạt được tính hài hòa:
– Tính âm, Mộc và Thổ đi với phong cách cổ điển: đồ nội thất như gỗ và gốm có bề mặt thô mộc sẽ tương hợp với các không gian mang tính âm như góc tâm linh, phòng thờ, phòng khách cổ điển, phòng ngủ người cao tuổi, thư phòng làm việc tại gia…
– Tính dương, Kim và Hỏa hợp xu hướng hiện đại: đồ nội thất bằng kim loại và nhựa, chất liệu tổng hợp, màu sắc rực rỡ, đường nét mạnh, họa tiết trẻ trung… sẽ thích ứng với các không gian mang tính dương như góc học tập, phòng sinh hoạt, phòng khách hiện đại, phòng ngủ trẻ em.
– Thủy giữ vai trò trung hòa, kết nối: như dòng nước chảy, hành Thủy nối các không gian qua nét mềm mại linh hoạt, vừa tương sinh cho Mộc và hạn chế bớt Hỏa, vừa được Kim sinh và Thổ khắc, giúp nội thất sống động và mang tính thiên nhiên nhiều hơn. Các mặt bàn kính uốn lượn, tiểu cảnh, bình hoa, đèn hình mềm mại, rèm cửa… là yếu tố bổ sung Thủy cho nội thất
– Dĩ nhiên vẫn có sự hòa trộn như đồ đồng, sắt kiểu xưa (Kim) nhưng nếu kiểu dáng, hoa văn mềm mại thì đi cùng phong cách cổ điển vẫn ổn. Hay đồ gỗ tự nhiên nhưng sơn phủ màu sắc tươi tắn, kiểu dáng mới mẻ, nét vuông vức giản dị thì vẫn được xếp ở nhóm hiện đại. Nếu cần chọn lọc, sắp xếp vật dụng cho phù hợp theo từng lứa tuổi thành viên trong gia đình thì nên ưu tiên cho các không gian sử dụng nhiều hơn, còn không gian riêng có thể theo sở thích từng thành viên.
- Ảnh Xuân Trang