Một chị đưa lên Facebook tấm hình đang nấu nồi cà ri trên bếp. Liền có bình luận của một người cỡ chuyên gia về ẩm thực: “Sao cà ri lại nấu với cà rốt. Do thích phải không?”. Chị xác nhận gia đình chị ai cũng thích ăn cà rốt.
Chị nấu khoai lang và cà rốt, không có khoai tây vì mọi người không thích. Nồi cà ri của chị không theo công thức miễn sao lên mâm bát được đánh nhanh, đánh sạch là đạt. Nhiều khi chăm chút món nào đó theo đúng quy trình, rập khuôn công thức, trình bày đẹp, bắt mắt nhưng lại không hợp khẩu vị các thành viên trong gia đình. Để thấy, mỗi người một kiểu ăn. Người mẹ, bà chủ gian bếp, bằng kinh nghiệm qua thời gian, biết chồng, con mình thích ăn gì và không ăn được thứ gì.
Khẩu vị rất hay, đôi khi tùy theo cơ địa mỗi người chứ không phụ thuộc môi trường sống. Có gia đình, cả cha và mẹ đều ăn cay và mặn, cha thích ăn thịt mỡ nhưng hai con ngược lại, ăn rất lạt, không ăn được cay và rất sợ thịt mỡ. Trong quá trình nuôi con, bà mẹ cũng thấy lạ.
Ngày nào mâm cơm cũng có chén nước mắm nguyên chất, thơm phức, đầy ớt nhưng các con của bà từ lúc biết ăn đến trưởng thành chưa bao giờ đụng đến chén mắm ấy. Nếu có đĩa thịt luộc chẳng hạn, chúng sẽ rót riêng một chén mắm nhỏ và chấm rất “nhón nhén”. Các món ăn với nước mắm như bánh cuốn, bánh bèo, bánh hỏi… chúng cũng chấm rất ít, gọi là. Nấu canh, xào, bà luôn nêm nhạt. Ai thích ăn mặn hơn thì nêm thêm.
Bà mẹ này không áy náy vì kiểu ăn của con mà ngược lại. Bà luôn cho rằng, ăn như chúng mới tốt cho sức khỏe. Kiểu ăn như bà và chồng, mặn, cay không phù hợp với người lớn tuổi. Nếu vướng bệnh gì cần phải ăn nhạt thật là khó ăn. Tuy nhiên bà cũng lấy làm lạ tại sao lớn lên trong môi trường ăn uống vậy mà “gu” các con lại khác hoàn toàn. Thêm nữa, cậu con trai không ăn được khổ qua có vị đắng. Mỗi lần nấu canh hay xào, bà phải ngâm, luộc để bớt vị đắng thì những người khác trong nhà lại không thích lắm, cho rằng khổ qua có vị đắng mới đúng chất món ăn.
- Xem thêm: Làm theo… những điều đã cũ
Người mẹ trong gia đình nắm rõ tính cách từng người trong cách ăn uống. Đó là cả một quá trình sống, chăm chút nuôi con khôn lớn. Nấu cho người này phải khác khi nấu cho người kia. Để ai cũng gắp được món mình ưa thích là kinh nghiệm, sự tinh tế, biết ý từng thành viên trong gia đình. Kinh nghiệm của bà mẹ được đúc kết từ thức ăn còn lại.
Ví dụ như nồi cà ri ở trên, bà mẹ đã từng nấu đúng bài bản. Khoai tây, khoai lang phải chiên trước khi nấu để không bị nát. Cuối cùng người bao chót luôn là bà, phải ăn khoai tây mà chính bà cũng không thích. Vậy thì bỏ khoai tây thay cà rốt, khoai lang thì không bớt để nồi cà ri có thêm vị ngọt tự nhiên. Hay làm sao, mọi thứ hết sạch. Từ đó có món cà ri “made in” kiểu bà.
Bởi phù hợp khẩu vị là tiêu chí hàng đầu nên các gia đình có những công thức chế biến món ăn riêng. Coi những clip về món ăn trên YouTube thì thấy. Cũng món heo quay nhưng có nhiều kiểu ướp gia vị khác nhau. Người thì ướp bằng chao, bột tỏi và gia vị khác, người thì chỉ ướp muối… Cách làm cũng khác, sao cho mọi người trong nhà đều thích. Đó là một quá trình tích lũy kinh nghiệm chứ không phải làm vài lần là thành công.
- Xem thêm: Tầm cỡ của… xó?
Bày ra bàn ăn, bà mẹ còn phải nghe ngóng ý kiến từ các thành viên. Hơi lạt, mặn quá, hơi cay, chưa giòn lắm, bên trong chưa thấm vị… Tiếp nhận các ý kiến ấy, lần thứ hai, thứ ba bà mẹ có cách điều chỉnh. Và khi món ăn được sự đồng tán thưởng của mọi người trong gia đình, bà mẹ phải ghi nhớ ngay cái công thức cuối cùng ấy để làm lần sau. Việc của bà mẹ tưởng là đơn giản mà cực kỳ công phu. Là sự tinh ý, khéo léo, kiểu “đi guốc trong bụng”. Tuy nhiên mỗi ngày ngồi vào mâm cơm có ai biết điều này? Mẹ chu đáo đến vậy nhưng có ai để ý mẹ thích ăn gì, khẩu vị mẹ như thế nào? Món mà mẹ tấm tắc khen ngon lần gần nhất là món nào?
Hãy tự trả lời xem?