Mạng xã hội Facebook đã gỡ bỏ một loạt quảng cáo sử dụng hình ảnh lấy từ các tác phẩm của họa sĩ Peter Paul Rubens (1577-1640) thể hiện phụ nữ, các tiểu thiên sứ và thậm chí cả hình ảnh Chúa Jesus trong bức tranh Đưa Chúa xuống khỏi thập giá với lý do “khiếm nhã”, có hình ảnh khỏa thân. Một bức tranh của Picasso cũng bị Facebook gỡ bỏ với lý do tương tự.
Được Rubens vẽ trong những năm 1612-1614, kiệt tác Đưa Chúa xuống khỏi thập giá mô tả hình ảnh xác Chúa Jesus được tháo đinh, đưa xuống khỏi thập giá, khi đó Chúa chỉ có một mảnh khố vắt ngang thân. Tranh hiện được trưng bày ngay tại nơi Rubens vẽ cách đây hơn 400 năm là Giáo đường Đức Mẹ ở Antwerp, Bỉ. Cùng với kiệt tác này còn có những tranh khác của Rubens như bức Adam và Eva, được Văn phòng du lịch vùng Vlaanderen (một trong ba khu vực địa lý lớn của Vương quốc Bỉ) đưa lên Facebook trong một chiến dịch quảng bá du lịch đến vùng đất này. Ngoài tranh Rubens còn có tranh của các bậc thầy hội họa Jan van Eyck và Pieter Bruegel.
Trong một bức thư gửi Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, Văn phòng du lịch vùng Vlaanderen viết: “Các bộ ngực, mông để trần và các tiểu thiên sứ của Peter Paul Rubens, tất cả đều bị coi là khiếm nhã. Không phải bởi chúng tôi mà bởi quý vị. Mặc dù chúng tôi đã phải nén cười về điều đó, sự kiểm duyệt văn hóa của quý vị đang khiến cuộc sống khó khăn hơn đối với chúng tôi”.
- Xem thêm: Tranh khỏa thân cao giá
Chưa hết, văn phòng này còn tung ra một clip trong đó có những người mặc đồng phục với hàng chữ trước ngực “Thanh tra Mạng xã hội” đã bước vào Bảo tàng Rubens ở Antwerp và lôi du khách đi khỏi các tranh khỏa thân của Rubens khi họ đang chiêm ngưỡng các tác phẩm đó. Đây không phải lần đầu tiên Facebook thực thi chủ trương kiểm duyệt tranh khỏa thân. Trước đó, tác phẩm lừng danh Nguồn cội thế giới của Gustave Courbet (1866) và Emma của Gerhard Richter (1966) cũng đã bị gỡ bỏ khỏi mạng xã hội này.
Mới đây, hồi đầu tháng 8-2018, Facebook đã đòi gỡ bỏ một quảng cáo có hình ảnh tác phẩm Đàn bà trong phòng tắm được Picasso vẽ với ngôn ngữ hội họa Lập thể vào năm 1956. Bức tranh được Bảo tàng Mỹ thuật Montreal, Canada (MMFA) đưa lên Facebook nhằm quảng bá cho cuộc triển lãm có tên “Từ châu Phi tới châu Mỹ: đối diện với Picasso, quá khứ và hiện tại”. Để điều chỉnh, MMFA đã thay thế bằng bức Tĩnh vật lớn trên bàn có chân đế nhưng cũng bị Facebook khước từ với lý do rất… nhảm nhí, cho rằng các hình tròn trong bức tranh đầy màu sắc đó của Picasso cũng thể hiện các phần cơ thể phụ nữ khỏa thân!