Đó là kết luận nghe có vẻ “đoạn tình” tàn nhẫn. Chẳng lẽ không có anh em, bà con, bè bạn và các mối “quan hệ ngoại giao” gì sao?
Xin thưa là vẫn có, không mất đi đâu cả. Thậm chí mối quan hệ của một người ngày càng nhiều hơn trước.
Đời một người, công việc, đi đây đó giao tiếp, còn… đi học không biết bao lần. “Học suốt đời” mà. Các lớp tập huấn, nâng cao, ngoại ngữ, nghiệp vụ… Đời bao chuyến đi: Trẻ đi công tác, du lịch, già càng đi nhiều. Họp bao nhiêu loại lớp, bao nhiêu kiểu bạn.
Vậy nên đừng có mắng là, nói câu đoạn tình. Nhưng mà bây giờ, tiếp khách đã… “chuyển hệ”. Giống như… Tây, nghĩa là không xâm phạm riêng tư. Có chuyện gì, ra tiệm ra quán hết.
Vậy mà không thiếu gì những ông vẫn theo thói cũ, “bày đàn dây mơ rễ má khách ở quê ra” khiến các bà vợ sợ chết khiếp.
Một bà lên tiếng: “Phải nói, tôi cảm ơn Bộ Giáo dục”. Mọi người ngớ ra, vì bây giờ toàn nghe người ta chê, người ta thiếu điều phát khùng lên với ngành giáo dục. Chắt chiu “chảy máu đôla” cho con đi du học, mục đích chính là… cứu nhà, chứ còn nước thì tính sau. Cứu thân, cứu nhà cái đã. Kêu bằng tên hẳn hoi: Tỵ nạn giáo dục.
Nhưng mà bà kia khen có chứng cứ sát sườn. Ngày xưa, mỗi mùa thi đại học là nhà bà chứa đầy… khách ở quê ra. Con cháu nhà chồng, bên nội bên ngoại từ lâu chẳng có quan hệ gì, nhưng bỗng đến hè là bà con dưới quê ngồi… “khảo cứu phả hệ” để phát hiện ra họ hàng đang ở thành phố, dù họ xa “bắn súng đại bác không tới”. Vậy là “khăn gói quả mướp” lên phố ở, nhà bà nuôi cả bầy đàn thê tử, vài đứa đi thi, kéo theo người hộ tống, hầu gần chết. Nay thì ở tỉnh nào thi tỉnh đó, mất hẳn cái đoàn rồng rắn đi thi, nhà bà thở phào. Đấy, không cảm ơn Bộ Giáo dục sao được? Ơn quá lớn ấy chứ.
Thế mà ông xã nhà tôi, không nói chuyện thi cử gì – lại rất hay tìm ra lý do để “đến thăm” người này người kia, rồi… nhậu sơ sơ. Có gì lớn đâu mà kêu? Bạn bè gặp nhau, chính đáng quá chứ gì? Nhậu thì… có gì đâu? Chẳng cỗ bàn gì tốn kém, vài lon bia với đĩa đồ nhậu bình dân. Ấy vậy mà thấy bóng ông, vợ nhà chủ sợ chết khiếp. Không phải sợ tốn, nhưng nói thật, phụ nữ rất khiếp kiểu đàn ông sống không có mục đích chí hướng gì, chẳng lo làm ăn, sống bản năng nước chảy bèo trôi, rất thấp kém. Ai có thể quý trọng loại đàn ông như thế?
Một ông cãi: Thì bạn bè gặp gỡ uống với nhau lon bia có gì mà khắt khe lớn chuyện? Các bà tưởng chỉ đám “thất nghiệp dở” như tụi tôi ngồi với nhau thôi sao? Chính đám làm ăn, đại gia trung gia gì cũng… nhậu chớ bộ? Mà họ… nhậu ác hơn, tốn tiền triệu chứ đâu vài cái đĩa gỏi như bọn tôi? Họ đi tiệm Hàn tiệm Nhật, ăn một bữa vài triệu đồng, rượu ngon, bát đĩa xíu xiu cả đống, thưởng ngoạn từng chút một, chứ đâu có làm đầy bụng như tụi tui?
Các bà cãi lại: Người ta đến tiệm sang như vậy là vì làm ăn quan hệ, làm ra bạc tỉ chứ đâu có như các ông ăn nhảm uống bia bụng to như đang ôm cái… nồi cơm điện, rồi bệnh tật khổ vợ khổ con, chẳng làm ra đồng xu teng nào.
Đấy, đàn ông mà không ra xu nào là đàn ông vứt đi, lại còn bệnh hoạn, đàn đúm bè bạn vô tích sự nữa thì đòi vợ con quý trọng ư? Sao mà nghĩ… khùng quá vậy?
Đừng có đến ám nhà người ta. Trừ khi có việc, người ta chuẩn bị lễ lạt, chủ động vui vẻ mời. Nhìn thấy mấy ông “thất nghiệp dở” rượu vào lời ra xuất hiện ở cửa nhà mình, tôi sợ và ghét thế nào, thì khi ông đến nhà ai, người ta cũng khiếp như vậy.
Ghê như thế, vậy mà có ông doanh nhân còn in hẳn một quyển sách, trong giới làm ăn còn tung hô như một “kỹ năng kinh doanh”, cách mở quan hệ nữa chớ. Cuốn sách có tên là Đừng bao giờ đi ăn một mình. Vậy à, bữa nào phải đi kiếm về cho mấy bà đọc mới được…