Vợ đọc báo kêu ré lên: Nhà mình… đủ cả sáu này, chết thật!
Đâu đâu, chồng liền chú ý hỏi. Cái gì sáu? Trúng số 6 tỉ hay gì?
Đây này, thứ nhất là ít giao tiếp với nhau bằng mắt. Tức là chả thèm nhìn nhau. Đúng rồi, vợ có trang điểm kiểu gì cũng không biết, nhưng đi ngoài đường thấy “con nào” nó hở hang tý là nhìn như xoáy. Chồng bảo: Nói điêu. Nhiều cô may đồ mới hôm sau đã cất biến, đến cơ quan giải thích cất đi rồi vì chồng bảo mặc nom già lắm. Cô khác bảo: Mình mặc cho mình chứ cho ai. Kệ chả. Mình thích và thấy đẹp là được.
Thế là rõ nhé. Có nhìn nhau bằng mắt đó thôi. Không “theo dõi sát sao hằng ngày” sao biết “thằng chả” dạo này ra đường sửa soạn, mọi ngày lúi xùi, giờ còn xịt nước hoa, đêm về thức khuya chat chit bí mật? Làm gì có ai không giao tiếp bằng mắt? Nhưng nghĩ cho kỹ đi, nhà mình dùng mắt để… lườm nhau, bắt bẻ là chính.
Còn thứ hai là “thường xuyên chỉ trích lẫn nhau”. Cái này nhà nào không có mới… lạ. Anh đầy sai trái bắt tôi im lặng sao nổi? Nào là ăn ở bừa bãi, bày ra khắp nhà đến nỗi vợ bảo chắc mai này có bán người máy, em cố mua một con dù có đắt đến đâu, đỡ phải dọn nhà. Cứ buộc con robot đó vào lưng anh, anh ăn quả chuối để vỏ trên bàn là nó nhặt ngay bỏ thùng rác; anh đi về đến nhà rải đồ từ cửa vào, vứt toạch cái nón bảo hiểm, ném chùm chìa khóa trên bàn làm việc, vô phòng cởi cái áo khoác treo lên thành ghế…, tóm lại là đi đâu để dấu vết đấy, nên cần có con robot nó dọn cho.
- Xem thêm: Mạng xã hội tác động mạnh đến hôn nhân
Đó, ẩu tả thế mà không chỉ trích sao chịu được. Rồi vợ có thói “thánh soi”, lại hay ăn hàng, lại tin sái cổ các “bác sĩ phây búc” mua đủ thứ thuốc về uống không hết. Sao không chỉ trích được?
Thứ ba, là “thờ ơ lãnh đạm” – có luôn. Chỉ chăm chăm bắt chồng con được ngày nghỉ nào đều phải về bên ngoại, có để ý gì đến nhà nội đâu? Con đau ốm thì cuống quýt lên chứ chồng than mệt thì bảo tại… hút thuốc với uống bia nhiều quá, phải cẩn thận kẻo sinh bệnh – tức là chả săn sóc hỏi han gì, lại còn giống như kể tội. Bản thân thì chúi mũi vào tivi xem phim, rồi lên mạng, chồng làm gì đâu cần biết, cứ coi vất vả kiếm tiền là lẽ đương nhiên của đàn ông. Nói không phải điêu chứ, thiếu gì ông lỡ có áo sứt chỉ, quần đứt khuy thì tự khâu lấy, chứ vợ bảo bận con cái chợ búa trăm việc còn hơi sức đâu… Đại loại thế.
Thứ tư là gì? là “thiếu chủ đích cho tương lai” – cái này có chứ sao không, nhưng có thể biểu hiện ra ở dạng khác. Người ta không bàn tương lai vì không gắn kết lâu dài. Mình thì có bàn… cũng thế thôi, bàn có ra đâu mà bàn? Ai chả muốn cho con đi học trường tốt – thí dụ thế – vậy anh có đủ tiền không? Bàn đến thế là tắc tỵ, thôi khỏi bàn.
- Xem thêm: Những phẩm chất của gia đình mạnh mẽ
Thứ năm là gì? Là “mâu thuẫn thường xuyên” – nghe có vẻ giống điều thứ hai quá: hay chỉ trích. Mâu thuẫn thì nhà ai chẳng có. Anh thích ăn nhà, chị thích ăn hàng cho khỏe là đủ mâu thuẫn rồi, nói gì đến việc hệ trọng như thừa kế, chia của bên nội bên ngoại hay việc người này thích ở nhà người kia thèm du lịch, người kia thích nhà phố người nọ mê chung cư cao cấp để sống như Tây. Nội cái việc vợ theo lý thuyết ăn chay, suốt tháng bắt ăn cá ăn rau ra sức cải tạo chồng con mê ăn thịt là đã đủ mâu thuẫn chưa?
Còn thứ sáu đây: “thường nhìn chăm chú vào điện thoại” thì cả… thế giới mắc chứ đâu chỉ ở nhà mình? Có họa là người sống trong rừng không điện, không điện thoại, không wifi may ra mới không mắc mà thôi. Sách báo ra sức khuyên cha mẹ quản lý con ít chơi game nọ kia, hóa ra cả nhà cắm đầu vào điện thoại…
Haiza, sáu điều này nhà mình có đủ cả sáu. Đó là sáu dấu hiệu cho thấy gia đình thiếu gắn bó. Mà người ta dịch từ báo nước ngoài, công trình nghiên cứu hẳn hoi nhé.
Gay go thật!