Bước vào những tháng cuối năm 2018, thị trường bất động sản (BĐS) Đồng Nai bắt đầu trầm lắng với lượng người mua giảm dần. Sang tháng 12, lượng đất nền tại Đồng Nai được rao bán lại tăng mạnh. Những điểm được rao bán đất nền, nhà ở nhiều nhất là: TP. Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom và Vĩnh Cửu. Nhiều nhà đầu tư trót mua vào lúc BĐS cao giá hiện đang lo lắng vì khó bán ra.
Giới đầu cơ hết thời lướt sóng
Giữa năm 2017, cơn “sốt” đất tại nhiều nơi ở Đồng Nai lên đến đỉnh điểm khi nhà ở trong và ngoài các dự án, đất nền, đất nông nghiệp, đất nền bị đẩy giá lên cao gấp 2-3 lần so với năm 2016. Ông N.V.T., ở phường Tân Phong, TP. Biên Hòa cho biết: “Tôi nghe nói sắp làm đường trung tâm thành phố, dự đoán đất ở khu vực xã Hiệp Hòa sẽ lên cao nên cũng đầu tư gần 10 tỉ đồng mua đất nông nghiệp. Lúc tôi mua giá gần 5 triệu đồng/m2, sau đó giá đất bắt đầu giảm lại khi có thông tin khu vực này bị quy hoạch nên tôi đành rao bán với giá 4 triệu đồng/m2 nhưng cũng chưa bán được”.
Cùng với ông N.V.T., nhiều người đầu tư vào đất nông nghiệp xã Hiệp Hòa, nhất là ở những khu vực chưa rõ ràng về quy hoạch và pháp lý đã phải chấp nhận lỗ không ít để thu hồi vốn. Bà L.T.M. ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Thấy bạn bè đầu tư đất đai kiếm lời vài tỉ đồng dễ dàng, nên giữa năm 2017 tôi cũng mua năm lô đất ở dự án khu dân cư Phước An (huyện Nhơn Trạch). Sau đó, thấy việc mua bán đất đai chựng lại, người mua thì ít, người bán thì nhiều tôi tìm cách bán ra nhưng không được. Hiện tôi chấp nhận bán lỗ cả tỉ đồng để thu hồi vốn nhưng vẫn chưa tìm được người mua”. Thời điểm bà M. bỏ tiền ra mua đất nền là khi các “cò” đất đang “thổi” giá lên cao ngất ngưởng, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, giá đất nơi này đã giảm xuống.
Thực tế, người mua đất ở các dự án khu dân cư trong tỉnh phần lớn là đầu cơ, mua đi bán lại kiếm lời. Lợi dụng thông tin Đồng Nai đề nghị làm cầu Cát Lái nối quận 2, TP. Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch và một số đường cao tốc bắt đầu khởi động, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành… nên các “cò” đất đã đẩy giá đất lên cao. Song chỉ qua một thời gian, thấy các dự án hạ tầng triển khai chậm, chưa có chuyển biến thì các nhà đầu tư đều tìm cách bán ra.
Ông Hà Quan Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị số 2 (D2D) cho biết: “Dự án khu nhà liên kế phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa do D2D làm chủ đầu tư năm 2016 bán giá 2,7 tỉ đồng/căn. Sau khi mua xong, nhiều chủ nhà đẩy giá lên 6-7 tỉ đồng/căn và cũng có những người mua lại với hy vọng giá còn lên nữa”. Tuy nhiên, đến thời điểm này những người mua nhà tại dự án với mục đích bán lại đều đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan: Muốn bán thu hồi vốn nhưng bán thì cầm chắc lỗ.
BĐS thiếu dịch vụ tiện ích sẽ trở về gần giá trị thực
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, BĐS sẽ theo chu kỳ tăng rồi sẽ giảm. Năm 2019, 2020 sẽ là giai đoạn đất đai giảm giá trở về gần với giá trị thực, nhưng sẽ không xảy ra tình trạng chạm đáy như giai đoạn 2010-2014. Những nơi có cơ sở hạ tầng kết nối tốt, dịch vụ phát triển sẽ vẫn giữ được giá bán tốt.
Ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty CP BĐS Thống Nhất nhận xét: “Giá đất sẽ chỉ giảm sâu ở những nơi thời gian qua bị đẩy lên cao gấp 2-3 lần và “ăn theo” những dự án trong tương lai xa. Còn những khu hạ tầng được hoàn thiện và kết nối tốt thì sẽ khó giảm sâu”. Cũng theo ông Tiến, trước đây công ty bán đất nền gần chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) chỉ 3-4,5 triệu đồng/m2. Khi chợ đi vào hoạt động và thị trường BĐS khởi sắc, đất nền ở đây được mua đi, bán lại với giá 10-12 triệu đồng/m2. Hiện BĐS bắt đầu trầm lắng và nhiều người bán ra, song giá khu này vẫn cao vì có chợ, gần đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
- Xem thêm: Bất động sản quận 9 sốt cục bộ
Khảo sát ở nhiều nơi thuộc TP. Biên Hòa và hai huyện Nhơn Trạch, Long Thành cho thấy những dự án khu dân cư hiện nay đa số là người bán, ít người mua để ở thực sự. Các dự án khu dân cư, đất nông nghiệp được rao bán rất nhiều nhưng giá vẫn còn rất cao và người có nhu cầu thực mua để ở, sản xuất vẫn khó tiếp cận được.
Đơn cử năm 2015, giá đất dự án khu dân cư ở các xã Phước Tân, Tam Phước, TP. Biên Hòa khoảng 250-300 triệu đồng/nền, năm 2017 bị đẩy lên 850-950 triệu đồng/nền và hiện đã giảm xuống, song giá vẫn được rao gần 800 triệu đồng/nền. Hay đất nông nghiệp ở huyện Cẩm Mỹ khu vực giáp huyện Long Thành cách đây ba năm có giá 600-800 triệu đồng/hécta, nhưng năm trước tăng lên 2-2,5 tỉ đồng/hécta, hiện giá giảm xuống còn 1,5-1,8 tỉ đồng/hécta.
Thời gian qua, BĐS ở Đồng Nai sôi động nên nhiều nhà đầu tư đồng loạt triển khai các dự án và bán khi chưa hoàn thiện hạ tầng. Người mua chủ yếu là đầu cơ nên cũng không quan tâm nhiều đến các tiện ích đi kèm. Nhiều khu dân cư hình thành nhưng hoang vắng không người ở trở thành những khu đất bỏ hoang làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển của địa phương và tỉnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết: “Lĩnh vực BĐS ở Đồng Nai đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Tỉnh đang mời gọi các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào các khu đô thị thông minh và hạn chế hình thành các khu dân cư thiếu các dịch vụ tiện ích đi kèm”.