Theo công bố của CBRE, trong năm 2018 giá căn hộ cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh đã tăng 17% lên mức trung bình 5.518 USD/m2, dự báo giá sẽ tăng gần 10% vào đầu năm 2020 lên 6.000 USD/m2.
Do hạn chế về nguồn cung, tiềm năng sinh lợi của phân khúc này vẫn được người trong ngành đặt nhiều kỳ vọng. Hiện căn hộ cao cấp có giá trị khai thác từ việc cho thuê đạt 3 – 6%/năm, đặc biệt mức phổ biến nhất là 4 – 5%/năm. Top 5 nhóm khách thuê có ngân sách dồi dào đến từ các nước hàng đầu là Nhật, Mỹ, Anh, Singapore và Đức.
Doanh nghiệp môi giới nước ngoài sẽ vào nhiều hơn
Một loạt các dự án chung cư sắp ra mắt ở khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh hiện đang được bán với mức giá khoảng 6.000-10.000 USD/m2. Với mức giá trên, các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã tìm hướng liên kết với các doanh nghiệp môi giới BĐS ngoại nhằm đẩy nhanh tốc độ bán hàng. Mới đây, một tập đoàn có dự án tại quận 1 cho biết đã thành lập Phòng Quản lý kinh doanh nước ngoài để làm việc với các doanh nghiệp môi giới nước ngoài. Ngoài ra, Công ty TVC Communication (Singapore) cũng đẩy mạnh kết hợp bán hàng với các thương hiệu lớn của Việt Nam như Novaland, Vingroup, Him Lam Land…
Nếu so với vài ba năm trước, các tòa căn hộ cao cấp nhanh chóng được giới thu nhập cao người Việt tiêu thụ hết thì hiện nay, bên cạnh nỗ lực tiếp thị bán hàng trong nước, nhiều công ty địa ốc không ngần ngại tìm đến các công ty môi giới ngoại nhằm khai thác thêm một đối tượng tiềm năng: Đó là lượng khách hàng nước ngoài có nhu cầu mua BĐS tại Việt Nam đang ngày càng tăng.
Từ khi Luật Kinh doanh nhà 2014 được áp dụng, đối tượng khách ngoại quốc đến tìm hiểu và mua BĐS tại Việt Nam mỗi lúc một đa dạng: Người già mua để nghỉ dưỡng, giới trung niên mua để đầu tư, khách Singapore thì thích BĐS nghỉ dưỡng vùng biển trong khi khách Nhật Bản thích đầu tư khách sạn, còn khách Hàn Quốc và Trung Quốc lại thích mua căn hộ… Lợi thế của doanh nghiệp môi giới ngoại là có sẵn danh sách khách hàng ngoại có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam, tuy nhiên, hoa hồng môi giới họ yêu cầu cũng cao hơn các sàn môi giới trong nước.
- Xem thêm: Làn sóng mua nhà của người Trung Quốc
Điểm qua hàng trăm chung cư cao cấp và cả trung cấp ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay, hầu hết các tòa nhà đều có những chủ hộ mang quốc tịch ngoại quốc. Tại dự án New City (quận 2), ước tính khách Hàn Quốc mua tới 30% trên tổng số hơn 3.000 căn hộ. Theo nhiều người trong lĩnh vực môi giới, khách hàng ngoại mua nhà tại TP. Hồ Chí Minh một phần để ở dưỡng già, tránh đông vì giá nhà tại TP. Hồ Chí Minh còn khá rẻ so với các đô thị lớn trong khu vực, tiện ích và kết nối hàng không ngày càng hoàn thiện.
Bức tranh không chỉ toàn điểm sáng
Tuy nhiên nếu nhìn xa hơn, bức tranh bán căn hộ cao cấp cho khách ngoại quốc không chỉ có màu hồng. Theo báo cáo tiêu điểm Giao thông đô thị của Savills năm 2017, “Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dành chưa đến 9% diện tích đô thị cho đất giao thông, thấp hơn hẳn các thành phố như Thượng Hải, Seoul, Singapore và Tokyo, nơi tỷ lệ này chiếm trên 12%. Ngoài ra ô nhiễm không khí tại hai thành phố này vẫn còn là một vấn đề đáng lo ngại” – đây là các lý do khiến BĐS cao cấp tại hai thành phố lớn nhất Việt Nam bị giảm phần nào giá trị.
Vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tình hình sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Hiện Bộ Xây dựng đang được Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng đề án về an ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó có nội dung đánh giá việc thực hiện chính sách sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Các nội dung báo cáo sẽ thực hiện theo hai giai đoạn, trước và sau thời điểm Luật nhà ở 2014 có hiệu lực. Nội dung báo cáo thể hiện tổng số tổ chức, cá nhân đã mua và sở hữu nhà, địa điểm mua, loại nhà ở sở hữu: Căn hộ chung cư hay nhà ở riêng lẻ. Cùng với đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương đánh giá về việc thực hiện quy định công bố các dự án không được phép và được phép bán nhà cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Theo CBRE, trong nhóm khách hàng mua căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh qua đơn vị này, người Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất với 31% tổng số giao dịch, tiếp đến là người Việt (24%), Hàn Quốc (19%), Hong Kong (10%) và Mỹ (3%). Con số thống kê của CBRE đã gây ra những tranh cãi. Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng đây chỉ là số liệu thống kê từ số lượng khách hàng của Công ty CBRE. Hơn nữa, công ty này môi giới bán nhà chủ yếu trong phân khúc BĐS cao cấp, trung cao cấp nên không phản ánh được toàn bộ tình hình thị trường nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh.