Ông bà có hai con gái đều sinh sống ở nước ngoài. Hồi ông còn khỏe, nghỉ hưu có thời gian rảnh, thỉnh thoảng ông bà đi thăm con cháu. Mấy năm sau này ông yếu hẳn, nhiều chứng bệnh đổ ập xuống cùng lúc, ông không còn đủ sức khỏe để đi đâu. Sáng sớm, ông theo bà ra công viên đi bộ vài vòng là nỗ lực lớn nhất mỗi ngày mà ông phải vượt qua, nếu không ông sẽ bị bà chì chiết cả ngày, nhức đầu!
Với hai con gái và ba cháu ngoại, nhờ liên lạc mỗi ngày qua điện thoại hình ảnh nên ông cũng đỡ nhớ, mỗi lần online với các cháu, ông rất vui.
Rồi con gái ở nước ngoài sinh con, cần mẹ qua giúp đỡ một tháng hay ít nhất mười ngày trong thời gian chồng cô đi công tác. Thật là khó khi bà còn phải hằng ngày chăm sóc ông. Ông bị chứng lãng tai, nhớ nhớ, quên quên, chân yếu, đi đứng chậm chạp làm sao bà có thể bỏ ông ở nhà một mình để qua chăm con gái.
Cuối cùng, sau khi điểm danh hết người quen, họ hàng không ai có điều kiện giúp đỡ, giải pháp đưa ra là ông sẽ vào viện dưỡng lão ở tạm một tháng. Khỏi phải nói, bà buồn một thì ông buồn mười. Ông buồn đến mức òa khóc tu tu như đứa trẻ.
Bà ra đi mà tâm hồn ở hai nơi, lòng dạ ngổn ngang. Nín thở rồi cũng qua sông. Chăm sóc con gái một tháng bà về. Đón ông ở viện dưỡng lão, bà xót quá chừng khi thấy ông tiều tụy, xác xơ và nhất là mắt ông sáng rỡ khi nhìn thấy bà. Ông nói giọng run run: “Bà đừng bỏ tôi đi nữa nhé!”.
Bà đâu muốn như vậy nhưng tình cảnh con gái neo đơn quê người không biết nhờ cậy ai. Về nhà, nghĩ đến con gái loay hoay với hai cháu ngoại còn nhỏ bà cũng xót xa lắm chứ!
Không ai có thể đoán biết kết cục đời mình, ông chăm bà hay bà phải chăm ông? Giờ đây đa phần các gia đình đều ít con, thêm việc con cái cũng đã quay cuồng với cuộc sống riêng nên việc chăm sóc cha mẹ rất vất vả. Nhà đông con còn đỡ, nhà ít con khá khó khăn. Do vậy cha mẹ còn mạnh khỏe chăm sóc cho nhau là một hạnh phúc, con chăm cha không bằng bà chăm ông là vì thế. Mới thấy, tình thương của con cái với cha mẹ không thể như tình yêu/tình nghĩa vợ chồng bao năm gắn bó.
Tuy nhiên, có thể thấy một điều, do những năm tháng dài vợ hay chồng phải chịu đựng lẫn nhau bởi nhiều nguyên nhân, tình yêu cũng đã phai nhạt. Nhiều khi chăm sóc chỉ là bổn phận kèm theo không ít lời ca cẩm, ta thán.
Có những bà vợ phải chịu đựng ông chồng khó tính, khắt khe hay trăng hoa, đến khi về già họ cảm thấy mệt mỏi, không muốn nhìn mặt nữa huống chi chăm sóc. Phân tích về tâm lý mới thấy không thể trách họ được vì một khi tình cảm đã không còn, “tư tưởng không thông vác bình đong cũng nặng”. Những năm tháng dài nhiều cay đắng khiến lòng họ dửng dưng, cái ý nghĩ mắc nợ phải trả luôn hiện hữu khiến lòng không vui.
Dù là vậy, đa phần khi về già người ta thường tha thứ và bỏ qua cho nhau, nhất là vợ chồng. Còn bởi, khi một người còn khỏe, chăm sóc một người không khỏe không chỉ là tình yêu mà còn là tình người với nhau. Nói lời cay đắng lúc này đâu có ích gì, người kia có nghĩ lại cũng không làm tình hình sáng sủa hơn.
Bởi vậy, nhiều khi ông chồng biết nói nên lời cảm ơn vợ, tất cả đều muộn màng.
Trường hợp nhắc đến ở phần đầu, hai vợ chồng này khá hạnh phúc khi những năm tháng dài họ sống với nhau tốt đẹp, tương kính như tân. Thời trẻ, bà hơi vụng nhưng ông bỏ qua. Đi công tác nước ngoài ông đều đóng thêm tiền đưa bà đi cho bà biết đây, biết đó. Làm được gì cho bà vui thì ông làm. Đến bây giờ, bà chăm lại ông không chỉ bổn phận mà còn là tình yêu.
Mới thấy, gieo nhân gì, gặt quả ấy là có thật. Thế nhưng, trong cuộc đời đâu phải ai cũng biết nghĩ đến một ngày mình sa cơ để không làm buồn lòng người phối ngẫu?