Ngày 21/11, ông Trần Kim Toản, giám đốc Công ty TNHH Trường Nhật, chủ đầu tư dự án 2 tuyến buýt đường sông TP.HCM cho biết, để chuẩn bị cho ngày khai trương tuyến buýt đường sông đầu tiên ở thành phố (ngày 25/11), đơn vị này cũng đề xuất sử dụng xe điện 4 bánh để đưa đón khách.
Việc sử dụng xe điện 4 bánh với mục đích vận chuyển khách du lịch và người dân trong phạm vi hạn chế từ các bến tàu của tuyến số 1 đến các khách sạn, các điểm du lịch của trung tâm thành phố. Đồng thời giúp đa dạng hóa các loại hình vận chuyển và phát triển du lịch.
Tuyến buýt đường sông có 12 điểm đón, trả khách; lộ trình tuyến xuất phát từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông (quận Thủ Đức). Tổng chiều dài tuyến 10,8 km, thời gian hành trình của mỗi tuyến sẽ vào khoảng 30 phút; mỗi tàu cập bến đón – trả khách giới hạn trong khoảng 3 phút.
Tuyến buýt đường sông số 1 sẽ có 5 tàu buýt (mỗi tàu 70 chỗ) hoạt động. Trong đó, 4 tàu sẽ vận chuyển thường xuyên và 1 tàu dự bị. Một ngày có 12 chuyến hoạt động từ 6h30 sáng đến 19h30.
“Nhằm khuyến khích người dân chọn lựa loại hình vận tải công cộng mới này, trong 10 ngày đầu đưa vào khai thác, chúng tôi sẽ miễn phí vé để người dân được trải nghiệm. Sau đó giá vé mới áp dụng đồng giá 15.000 đồng/người/lượt ” – ông Toản cho biết. Việc miễn phí vé, nhằm khuyến khích người dân lựa chọn dịch vụ vận tải công cộng bằng đường thủy.
Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, tuyến buýt đường thủy nội địa là loại hình phục vụ vận tải công cộng mới nên cần phải có thời gian chuẩn bị kỹ càng, phải làm tốt về cung cách phục vụ, đảm bảo an toàn thì sẽ dần dần tạo thói quen, cuốn hút người dân tham gia.
Hiện tại Sở GTVT và UBND Thành phố sẽ ưu tiên phát triển loại hình vận tải đường thủy. Loại hình này sẽ giúp giảm tải được tình trạng ùn tắc của đường bộ. Mặt khác, dịch vụ đường thuỷ góp phần thức đẩy ngành du lịch phát triển đem lợi về mặt kinh tế.