Các nữ sinh đánh hội đồng một bạn học nơi công cộng, có cô đứng đấy quay phim, chụp hình cảnh đó để chuẩn bị tung lên mạng. Người đi xung quanh chẳng ai can ngăn, còn đứng xem.
Rồi chính cái cô bé bị đánh ấy cũng phải chịu kỷ luật vì đã không trình bày trung thực, còn gây trở ngại cho cuộc điều tra. Rồi bây giờ lại có kỷ luật đuổi học mà lại án treo, chưa đuổi. Nghe ghê quá. May mà mình không có con gái. Chứ thỉnh thoảng lại đem “tặng” cha mẹ một cú bất ngờ như cái đoạn phim sex của cô gái ngày nào bị tung ra cho khắp bàn dân thiên hạ thấy thì…
Bà xã tôi nói vậy. Nhưng ngay lập tức cô ấy tự phản bác ngay: “Mà con trai thì cũng đâu có yên ổn. Mấy chàng thiếu gia cũng đốt tiền nơi ăn chơi sàn nhảy đó thôi, tự thể hiện mình – thấy mình oai, mình giàu, mình có quyền lực, nhận được sự bái phục của xung quanh bằng cách tung tiền chi cả chục triệu cho một bữa nhậu.
Tôi nói: “Thì ở xã hội còn có những kẻ “lác cả mắt” bái phục khi chúng đưa cho nhân viên một mớ tiền. Xã hội nô lệ tiền bạc như vậy nên mới khuyến khích bọn trẻ làm những việc như thế. Xã hội không có chuẩn mực, sự hay, dở, khinh trọng lẫn lộn như vậy, làm sao tránh khỏi.
Ngày xưa, em biết không, người ta cố vươn lên đẳng cấp quý phái. Nếu ai bất lịch sự, thô bạo với phụ nữ chẳng hạn, sẽ chẳng có ai chơi. Người ta coi anh là hạng người thấp kém. Tự nhiên bị xung quanh tẩy chay ngay”.
Bà xã tôi tiếp luôn: “Anh đọc báo thì thấy đó. Vẻ đẹp hình thể làm cho các thiếu nữ Anh đau đầu. Có cô bé còn nói: “Nếu bạn xấu, chẳng ai chơi với bạn. Có khi còn bị bạn bè chế riễu, coi khinh coi thường”. Mà ngay ở xứ ta cũng vậy, hơn nhau cái áo cái quần, cái xe cái nhà là vênh váo liền. Sự giàu có không đi theo hướng có văn hóa. Giàu nhanh quá, tiền đến dễ dàng quá, phải sống đời giàu có nhanh quá, chưa kịp học để văn hóa nó tiến kịp”.
- Xem thêm: Dõi theo các quý tử…
Rồi cô ấy kể lể: “Mình may không có con gái là thoát được cái nạn đua đòi mơ ước chân dài, và thứ hai nữa là tính tình đáo để nanh nọc của các cô thiếu nữ ngày nay”. Bây giờ cạnh tranh quá. Thi người đẹp, ngôi sao là thấy liền. Người ta bây giờ phải đề cao tinh thần đồng đội, khi có người trượt không được vào tiếp vòng trong thì liền quây đầu lại, châu đầu vào nhau khóc như mưa như gió.
Đó là tình thương chia sẻ của những người cùng cảnh. Cho nên có người chê là “sến” nhưng bà xã lại khen, cô ấy cho rằng đó là tình nhân ái yêu thương giữa những con người với nhau trong cùng một cuộc đua tranh, không lấy thắng, bại làm trọng. Nên để cho xã hội nhìn thấy cảnh ấy. Cô ấy nói: “Những đứa con gái trong cái vụ đánh bạn kia làm sao có được tinh thần ấy”.
Mà cũng đáng sợ thật. Mấy cô gái đánh nhau không phải do nóng nảy bột phát, phản ứng bất ngờ vượt qua khỏi kiềm chế cá nhân mà lỡ chân lỡ tay. Chúng có tổ chức hẳn hoi, có chủ trương tính toán đánh giữa đám đông, túm tóc xé áo đập vào mặt, để cho bõ ghét, để hành hạ, để làm nhục người khác giữa thanh thiên bạch nhật. Có những dã tâm và sự hả hê. Cái đó mới đáng sợ.
Những cô gái như thế sẽ ra sao khi yêu đương nhỉ, khi làm người nhân viên, khi làm vợ, làm mẹ nhỉ? Có thể tin được họ sẽ trở thành người tử tế hay không? Rồi chúng tôi bàn đến môi trường gia đình. Không biết bậc cha mẹ của những cô gái ấy nghĩ gì? Một dạo có vụ án nổi đình đám của cô gái trốn đi chơi đêm rồi giết người tình. Pháp luật ra tay, cô gái bị bắt nhưng vẫn thản nhiên như không.
- Xem thêm: Mùa… khoe con
Vậy mà khi người ta giải cô ra tòa án, cha mẹ cô chạy cuống quýt chỉ để tranh thủ nhìn được con một cái. Ôi tình yêu thương của cha mẹ thật vô bờ. Ngày xưa có các cụ nghe chuyện bất lương của con cái thì nhắn cho con đừng có bao giờ vác mặt về nhìn nhà, sẽ bị chém chết. Còn cha mẹ bây giờ không biết căm giận trước hành vi của con nữa rồi sao, với lý lẽ là đã con mình thì dù nó có làm gì vẫn thương…
Những cô gái nanh nọc, đanh đá, thiếu nhường nhịn, chẳng chịu thua ai, không biết thương ai, sẵn sàng làm phiền người khác cốt được việc cho mình. Những cô gái như thế bây giờ có đầy trong các gia đình mà cha mẹ không thấy có vấn đề gì. Nói là con mình cá tính, sắc sảo, và hy vọng là sau này không ai bắt nạt được. Dạy con biết tử tế thôi chưa đủ, bây giờ còn phải dạy con biết trị lại bọn xấu, mới là đủ. Điều này đúng là cần, nhưng cách dạy dỗ thế nào đang còn là vấn đề.