Gia đình kia có bà mẹ còn khỏe, còn giúp được con cái, riêng ông “bố già” dù vẫn khỏe nhưng… vô tích sự, do cả đời được vợ hầu.
Nay “con sinh con thì bà mất ông”, tự nhiên vợ đi mất (đi nuôi cháu), ông bơ vơ chốn xa xôi, cứ như cái đồng hồ, ăn sáng xong là ông đeo túi xuống cầu thang để đi đến nhà người con trai.
Được một thời gian, ông lại đến ở nhà người con gái. Họ phân chia thời gian để ông có thể ở các nhà theo lịch sao cho thuận lợi.
Các con ông đều khá giả và câu chuyện sẽ không tiếp diễn theo kiểu: con bạc đãi cha mẹ già, nuôi cha theo kiểu phân công con này nuôi một thời gian lại đến con khác.
Các con lo cho ông một phòng nhỏ tiện nghi, có toilet riêng, có tivi. Ông có nhiều khách đến chơi, vì khi còn sung sức ông làm một cái “nghề” mà các con ông rất ghét: phụ trách đội thiếu niên!
Con cái ông không hề thích các sinh hoạt tập thể kiểu đoàn đội, vì có ấn tượng tiêu cực với những sinh hoạt kiểu này.
Một đứa nói: “Trong lớp con, đứa nào học dở nhất và cơ hội nhất, chính là đứa làm công tác đoàn!”. Đứa khác bình luôn: “Là vì nó học dở nên phải tiến lên theo đường khác”.
- Xem thêm: Nhờ con việc gì khó nhất?
Lúc đó ông thường bênh vực: “Các con méo mó quá. Mỗi người có một năng khiếu. Người thì tư duy giỏi, người hành động giỏi. Những cuộc vui chơi, du lịch khám phá, các hoạt động ca nhạc, đi làm từ thiện… mà không có mấy người làm công tác đoàn ấy thì các con có được cuộc sống phong phú không?”.
Rồi ông kể ra các phong trào hay tuyệt vời như giúp sức mùa thi, mùa hè xanh… Nói tóm lại, cái “nghề” phụ trách đoàn đội mà ông rất say mê ấy đã đem đến cho ông bao nhiêu là con, chúng thành cán bộ, kỹ sư, tiến sĩ, giám đốc… vẫn còn nhớ thuở sinh hoạt tập thể xưa, về thăm ông.
Con trai ông nói: “Xưa các cụ thường nhận xét ai có con gái xinh đẹp thì phải chuẩn bị nhiều chè rượu để tiếp khách, vì khách sẽ đến đông lắm. Còn ông là “một ông cụ” còn tốn trà rượu hơn cả các nhà có con gái hoa khôi chân dài”.
Rồi con ông nói với vợ: “Thôi ráng đi, ông già có nhiều bạn thì nhiều niềm vui, chứ cứ thui thủi nằm nhà… chờ chết thì còn ra cái gì”.
Các con ông nuôi cha, đáp ứng khá đầy đủ. Mà ông thì cứ giữ nguyên cá tính, đôi khi rất khó chiều. Vợ ông thì khó kiểu khác. Anh con cả kể với ông: “Má muốn gì không biết. Mời đi chơi du lịch nghỉ resort kêu tốn tiền quá, ở nhà còn hơn. Đi xe mệt, đắt đỏ, tốn kém. Chẳng có gì vui.
Chiều được ý bà, thật khó hơn cả việc… giải bổ đề cơ bản Langlands. Ăn thì chọn thứ cả nhà không ăn, vì nếu bỏ thì tiếc.
Mua cho sữa Ensure với Anlene thì kêu “mùi ghê quá, nuốt không vô, thôi cứ để má mua sữa đậu nành ngoài chợ”. Đi siêu thị cũng tìm ra nhược điểm: Họ để lạnh cóng đóng băng cả tháng thế, thịt cá còn gì tươi ngon”.
Cậu con lại ra sức giải thích về lối sống công nghiệp, dịch vụ, tiết kiệm thời gian và chê người Việt Nam cái gì cũng phải chế biến phức tạp, hưởng thụ theo khẩu vị.
Tẩm ướp đủ thứ “đố thế giới nghĩ ra”: các loại mắm, gia vị, riềng, mẻ, mắm tôm, cà cuống… Bên Tây người ta nuôi trẻ con tính theo khẩu phần dinh dưỡng chứ không chiều theo khẩu vị thơm ngon kiểu Việt Nam.
Bà vợ ở với đứa con nào có con nhỏ, để bà giúp. Bà là thế. Có lẽ vì vậy người ta nói tất cả thế hệ trước, mọi phụ nữ đều mang… dáng dấp ôsin.
Không nghĩ đến bản thân, nên bây giờ các bà “dị ứng” với thế hệ con gái, con dâu đỏng đà đỏng đảnh, không chịu hy sinh tất cả cho trẻ con, đụng việc gì cũng không biết làm, tâm trí để hết vào nhiều chuyện tầm phào, mua sắm, làm đẹp…
- Xem thêm: Già theo con
Còn ông thì khác. Ông giữ những niềm vui của mình, ít hy sinh (nhưng mọi người quen rồi, không ai trông chờ vào ông, do đó ông sống vui vẻ an nhàn không ai oán trách). Thế là “đại sứ lưu động” sống ở nhà đứa nào cũng phải lo cho ông đủ bộ: nhu cầu ăn ở, đón tiếp khách quý.
Ông nói: “Muốn có tuổi già yên ổn, phải biết chuẩn bị. Chuẩn bị bằng cách tạo lập một lối sống, một uy tín, nghĩ tới mình một chút. Đó không phải là sự ích kỷ, mà là “cuộc tập dượt cho con cháu” mai sau chúng biết cách lo cho người già…”.