Ngày nay, nhiều phụ nữ do hoàn cảnh gãy đổ hoặc góa chồng đã nuôi con một mình thành công. Trong thời gian chiến tranh, nhiều đứa con đã chỉ trưởng thành nhờ mẹ.
Vì thế, nói về vai trò người cha trong gia đình, ai cũng thấy quan trọng, nhưng trên thực tế nhiều ông chẳng để lại gì cho con ngoài hình ảnh tiêu cực. Đã có người nước ngoài nói: “Đàn ông Việt Nam sướng nhất thế giới. Sáng say chiều xỉn, đàn áp phụ nữ trong nhà và chẳng phải làm gì. Hãy nhìn đàn ông Tây, nhất là Mỹ. Họ đi mua đồ ăn ở xa, về nhà giúp vợ nấu nướng, chăm sóc con cái.
Ở các bộ phim Mỹ cũng thường thấy đứa trẻ trước khi đi ngủ được cha kể chuyện, chúc ngủ ngon. Bây giờ ở Việt Nam trong các gia đình trung lưu đô thị hoặc nhà giàu, con cái được giao cho ôsin chăm sóc, cha mẹ chỉ là người trò chuyện với con chứ ít làm gì cụ thể trong việc chăm sóc. Nhưng người cha bây giờ vẫn có thể dạy con được nhiều hơn: Không được nhõng nhẽo, phải kỷ luật, không phá phách làm ồn, phải xử sự một cách đàng hoàng văn minh.
Nhưng ngày nay trong giới trí thức, nghệ sĩ, có một quan niệm là “tự” sinh con không cần có người cha. Các phụ nữ gặp cảnh éo le, hoặc có khi chủ động muốn nuôi con một mình và cho rằng mình có thể thay thế người cha.
Đành rằng có nhiều người cha không ra gì thì “thà không có còn hơn”, nhưng các bà mẹ đơn thân như thế cần suy xét kỹ và hiểu rõ thêm một số tâm lý của con mình.
Trong các nghiên cứu về trẻ hư, người ta thấy có một trong số rất nhiều nguyên nhân – đó là trẻ gặp thất bại trong việc tìm một hình tượng uy quyền ở người đàn ông trong gia đình. Nếu trẻ không có cha hoặc có nhưng thường vắng nhà, hoặc là một ông chẳng chú ý gì đến gia đình, thì đứa con thường phải trả giá về tình trạng đó, một cách gián tiếp nhưng nặng nề.
Trẻ cảm thấy không yên ổn, lo sợ và bị ám ảnh. Trong nhiều gia đình, người cha như “một đứa con”, bà mẹ phải chăm sóc cho từng chút một và ông bố cũng thường xuyên bị vợ rầy la về đủ thứ thiếu sót ông ta mắc phải. Đứa trẻ sẽ cảm nhận được “cha mình chẳng ra gì”. Người ta kết luận: những đứa trẻ như thế cũng hoang mang, cảm thấy trơ trọi như những đứa trẻ không có cha.
Các nhà nghiên cứu tâm lý và bác sĩ thần kinh chú ý nhiều đến quan hệ mẹ con và cho rằng những đứa trẻ thiếu tình mẫu tử rất dễ dẫn đến hư hỏng. Nhưng có một nhà nghiên cứu tâm lý R.G. Andry (Mỹ) lại nghiên cứu qua 80 người cha để kết luận rằng quan hệ cha – con cũng ảnh hưởng không kém phần quyết định đến nhân cách của đứa trẻ.
- Xem thêm: Giải quyết tài chính khi làm mẹ đơn thân
Ông thấy rằng những đứa trẻ hư là con trai thường không có quan hệ vững chắc với cha. Có đứa còn mâu thuẫn căng thẳng với cha và có khuynh hướng ném sự thù địch đó vào xã hội. Những loại thiếu niên ngang tàng thường có sự bất an trong quan hệ với mọi người. Những sự hẫng hụt về tình cảm có thể ngăn cản trẻ xây dựng quan hệ tin cậy với bất cứ ai. Có khi gây ra rối nhiễu tâm trí.
Ngày nay do nhiều hoàn cảnh, phụ nữ nuôi con một mình. Không ai dám phê phán các cô gái quyết định có con mà không lấy chồng. Chỉ nhìn vào các ngôi sao, nghệ sĩ thì thấy đứa con được nuôi nấng tốt, tình cảm mẹ bù đắp dành cho con tăng lên gấp đôi. Và chúng chẳng cần biết đến cha vì giữa cha và mẹ đã có những đổ vỡ hoặc chẳng cần gì đến nhau nữa.
Nhưng các nhà nghiên cứu thì cho rằng mọi nỗ lực và hoàn cảnh tốt của người mẹ có thể đem lại kết quả tốt cho con, nhưng không phải là tất cả. Hãy có người cha cũng tốt như mẹ – điều lý tưởng này ai mà chẳng muốn. Nhưng các cô gái có khi sự nghiệp đang lên, kiếm được nhiều tiền bạc, đủ lo cho con, thường rất dễ chia tay với người cha của con mình.
- Xem thêm: Làm cha mẹ đơn thân
Họ đang có quyền lựa chọn cá nhân, và có khi người cha của đứa trẻ không đạt được các tiêu chí quan trọng do cô đề ra, và thế là mạnh ai nấy đi. Thật hợp lý và không có gì để trách họ. Nhưng họ chưa bao giờ hình dung hết những thiệt thòi của đứa con, những thiệt thòi không phải do nghèo khổ.
Các bà mẹ cố gắng đem đến một đời sống vật chất tốt cho con, yêu con gấp đôi để bù lại. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết “Nếu cha mẹ không thể hiện được một hệ thống các giá trị và nguyên tắc sống thì khó mà trẻ tìm ra được một hình ảnh thật sự về mình để có thể cư xử đúng chuẩn mực xã hội”. Vậy là vật chất thôi chưa đủ với con trẻ.