Trong một buổi trà dư tửu hậu bên lề công nghệ mà một trong nhóm ba thương hiệu smartphone hàng đầu trên thị trường Việt Nam mời để góp ý về những mẫu sản phẩm mới, một nhà báo có thâm niên về thị trường công nghệ đã nhận xét rằng người tiêu dùng nói chung quan tâm tới công nghệ màn hình không viền hơn là camera kép.
Thực tế đã sớm chứng minh điều đó. Màn hình tràn lề (full view), màn hình không viền (boderless, bezel-free, edgeless) với những tên gọi khác nhau như vậy đã trở thành một trong những xu hướng công nghệ mới được ứng dụng cho smartphone, kế đó là máy tính, laptop và tivi. Số lượng sản phẩm ngày càng nhiều và hầu như các nhà sản xuất lớn đều đã tung ra thị trường những sản phẩm có màn hình không viền.
Thật ra, màn hình không viền chẳng phải là công nghệ mới toanh. Ngay từ tháng 8-2014, thương hiệu Sharp đã đưa ra thị trường chiếc smartphone Aquos Crystal có màn hình 5 inch với ba khung màn hình cạnh trên và hai bên mỏng dính. Đáng tiếc là Sharp đi tiên phong nhưng lại không phải là một thương hiệu smartphone dẫn dắt thị trường nên không đủ năng lực mở ra một trào lưu. Phải đợi tới cuối tháng 3 năm ngoái, khi mà Samsung – nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới đưa ra bộ đôi Galaxy S8 và S8+ với công nghệ màn hình tràn viền (gọi là màn hình hiển thị vô cực Infinity Display) thì cuộc đua mới bắt đầu.
Tất nhiên, công nghệ của Samsung cũng khác khi họ bung viền ở hai cạnh cùng một lúc với việc bung rộng màn hình ra hai đầu trên và dưới, loại bỏ những chi tiết theo truyền thống nằm ở đó như logo phía trên và nút Home vật lý phía dưới. Nếu như ở Aquos Crystal, Sharp chỉ thu hẹp các đường viền mà vẫn giữ màn hình ở tỷ lệ màn hình rộng (wide-screen) truyền thống 16:9 với độ phân giải HD 720×1.280 (px) hay FHD 1.080×1.920 (px) ở Aquos Xx thì Samsung tạo đột phá bằng một kích thước màn hình hoàn toàn mới, có tỷ lệ 18,5:9 và độ phân giải QHD+ 1.440x.2960 (px), trong khi tỷ lệ bình thường có độ phân giải QHD 1.440×2.560 (px).
Ngay sau đó, một loạt smartphone tràn màn hình của những thương hiệu khác đã lần lượt ra mắt giới tiêu dùng cho tới cuối năm ngoái và sang năm nay. Nói chung các nhà sản xuất khác cũng chọn cách xử lý màn hình như Samsung, với tỷ lệ 18:9. Ở phân khúc thị trường tầm trung, màn hình Full HD được nâng thành FHD+ với độ phân giải 1.080×2.160 (px).
Điều đáng chú ý là sau Aquos Crystal 2 (ra mắt hồi tháng 5-2015, vẫn với tỷ lệ màn hình 16:9), tới Aquos S2 được giới thiệu tháng 8 năm ngoái, Sharp đã chuyển sang tỷ lệ 18:9 với độ phân giải FHD+ 1.080×2.040 (px).
Các công nghệ mới cho camera nhằm phục vụ cho những người dùng di động thích chụp ảnh, mà chủ yếu là những người có tay nghề chụp ảnh mới thực sự quan tâm. Còn phần lớn với người dùng, chỉ cần móc smartphone ra, đưa lên bấm liền để có ngay những tấm ảnh sáng sủa là đủ. Họ không quan tâm và cũng chẳng phải mất công tìm hiểu kiến thức chuyên môn để phân biệt các tính năng công nghệ.
Nhưng công nghệ màn hình không viền thì lại khác vì nó đụng chạm tới tất cả mọi người dùng điện thoại. Lợi ích đầu tiên của tỷ lệ màn hình 18:9 là diện tích hiển thị rộng rãi hơn, đặc biệt là theo chiều rộng. Khi xem phim hay chơi game mà màn hình rộng thì đã mắt hơn, khi thực hiện các tác vụ đa nhiệm cũng tiện hơn, ví dụ tính năng mở hai màn hình làm việc đồng thời, một bên để tiếp tục coi YouTube, bên kia để lướt Facebook, rõ ràng có sức hấp dẫn hơn nhiều.
Cái lợi nữa của việc cơi nới mặt bằng hiển thị về hai đầu là cho phép mở rộng màn hình mà không làm phình to thân máy. Chẳng hạn, Galaxy S8 tuy có màn hình lớn hơn (5,8 inch) nhưng có thân máy nhỏ gọn hơn Galaxy S7 Edge (màn hình 5,5 inch). Như vậy, người dùng có thể cầm nắm, thao tác với S8 thoải mái hơn trên S7 Edge.
Thiết kế màn hình thoát viền lý tưởng cho thời ứng dụng công nghệ thực tế ảo cấp độ mới nhất là thực tế hỗn hợp (mixed reality), cũng như cho thiết kế màn hình thời trang hòa nhập vào môi trường thực tế. Đó là khái niệm hòa vào môi trường (immerse), không còn ranh giới giữa ảo và thực, giữa những gì đang hiển thị trên màn hình với cảnh thực.
Còn nhớ, năm xưa màn hình có tỷ lệ 4:3, gần như vuông vức, được gọi là chuẩn màn hình tivi truyền thống. Khi thế giới bắt đầu nâng cấp lên màn hình rộng, đặc biệt là với chuẩn HD, màn hình chuyển sang tỷ lệ tương ứng là 16:9. Từ năm 2010, tỷ lệ này trở thành chuẩn phổ biến nhất của màn hình.
Nhưng 18:9 có phải là tỷ lệ chuẩn mới? Có vẻ chưa phải vì tỷ lệ màn hình Infinity Display của smartphone Galaxy do Samsung sản xuất là 18,5:9, nhỉnh hơn 18:9 của đa số còn lại. Trong khi đó, chuẩn màn hình điện ảnh đại vĩ tuyến (Cinemascope) lại là 21:9.
Phiền phức sẽ không tránh khỏi khi hầu như các video HD màn hình rộng trên YouTube cũng như trên thị trường phim ảnh hiện nay có tỷ lệ 16:9. Về lý thuyết, video 16:9 chiếu trên màn hình 18:9 sẽ bị dư mảng đen hai bên cạnh, giống như chiếu video 4:3 lên màn hình 16:9. Vậy là người ta sẽ phải chọn giải pháp hoặc kéo giãn video 16:9 ra hai đầu (hậu quả là làm hình ảnh mập hẳn ra) hoặc phóng to video lên cho vừa chiều rộng 18 rồi cắt bớt hai đầu trên dưới cho vừa 9 (hậu quả là hình ảnh bị cắt xén cụt đầu hay què chân).
Liệu các nhà sản xuất video sắp tới có theo chuẩn 18:9? Câu hỏi này chưa có câu trả lời. Bởi như vậy thì làm sao chiếu trên màn hình tivi cũng như trên các thiết bị có màn hình 16:9 vốn là chủ đạo? Chưa hết, biết đâu sắp tới Samsung sẽ “tề” luôn hai mẩu còn lại ở hai đầu smartphone để bung màn hình dài thêm, tạo ra tỷ lệ hiển thị mới.
Suy ra, trong công nghệ cũng như trong các lĩnh vực khác của cuộc sống, cái gì khác thường theo kiểu độc và lạ cũng phải nhanh chóng phục tùng chân lý thực dụng và tương thích cao. Màn hình hiển thị thoát viền, thậm chí mất viền luôn làm thỏa mãn được người dùng, nhưng tỷ lệ hiển thị lại là chuyện khác, cần sự khôn ngoan của cả “chàng sản xuất” và “nàng tiêu dùng”.