Thằng con tủm tỉm cười nói như vậy. Là vì hôm qua hai cha con to tiếng. Con thức khuya vào mạng internet, xem đá bóng quốc tế và nghe nhạc tới tận 1, 2 giờ sáng mới ngủ.
Bố dậy sớm cứ khụt khịt, hắt hơi, xô bàn ghế và táy máy đi tắt tất cả quạt và máy lạnh. Hễ ổng ngủ dậy là coi như mọi thứ tắt hết, mặc kệ mọi người còn ngủ hay không. Vào toilet xả nước ầm ầm, mặc kệ mọi người. Hễ đi ngủ là không thèm đóng cửa. Tóm lại là rất tùy tiện, sinh hoạt theo ý mình.
Ăn cũng vậy. Hễ món nào thích là ổng ăn sạch trơn, chẳng nghĩ đến phần ai. Thứ gì không thích là chê bai, rình để đổ đi rất lãng phí. Đồ uống cũng vậy, ông thích bia nên cứ hết là cho mang cả thùng về, còn mọi người uống gì ông không cần biết, không bao giờ mua thứ nước gì khác cho mọi người uống. Sinh hoạt rất ẩu, bạ đâu xả đấy. Thành ra mọi người trong nhà rất “cảnh giác” với bố.
- Xem thêm: Cho sang… Nhật
Ăn cơm, mẹ thường nhắc: “Phải để phần cho con đàng hoàng sạch sẽ vì nó đi đá banh về muộn. Để phần cho người đi vắng phải tươm tất, lịch sự và sạch sẽ”. Lời cảnh báo như thế bởi vì ông bố cứ để nguyên mọi thứ trên đĩa, món gì ngon là xơi sạch, hoặc có còn sót lại cũng khiến chẳng ai muốn ăn nữa.
Đến khi nghe chuyện người Nhật Bản trật tự điềm tĩnh, chia sẻ trong thảm họa giữa cái sống chết thì cả nhà đều thán phục và bán tán suốt, kể cả trong bữa ăn. Cứ như là một chuyện lạ không thể nào hiểu được. Cậu con nói: “Do giáo dục hết. Chính phủ chuẩn bị dạy dân thường xuyên thực tập chống động đất, trẻ con có khăn đội đầu, biết chui vào gầm bàn. Gia đình nào cũng có túi ba lô chuẩn bị sẵn. Người Nhật tươm tất đến từng chi tiết”. Cậu còn kể công ty du lịch Nhật dọn sân khách sạn, họ dùng cả chiếc khăn trắng để nhặt chiếc lá rơi…
Đến đây thì bố cậu bình luận: “Sống vậy thì khổ chứ sướng gì!”. “Vậy thì người Nhật khổ nhất thế giới!”. Cậu con dè bỉu: “Cứ sướng kiểu Việt Nam, tìm hưởng thụ cho riêng mình, mặc kệ cộng đồng và cho thế là mình khôn. Rình rập lẻn được cái ngọn cái may, để phần thiệt cho người khác. Và coi đó là niềm tự hào…”.
Tranh luận chán, ca ngợi người Nhật chán, cậu con hóm hỉnh: “Con nghĩ, nên gửi bố… sang Nhật để học tính cách tươm tất của họ”. Bà xã cười cười: “Cẩn thận không có bố mày vừa sang đó vài hôm thì bị… đuổi về quá. Không thể giáo dục được! Vô phương cứu chữa. Thử hình dung bố đang sống ở nhà một người Nhật xem. Ăn trái chuối xong để luôn vỏ ở đầu bàn, buổi tối nằm vạ vật chỗ nào cũng ngủ được, chăn gối của ai cũng xài… Không hiểu tình cảnh sẽ ra sao”.
Mà cứ gì sang Nhật! Chỉ cần từ nhà quê ra thành phố là đã đủ… bị lộ! Ông xã vớ đâu được bài báo trong đó nói rằng người đàn ông thèm được… bề bộn!
- Xem thêm: “Xin đổi” sang làm… dân Nhật?
Anh ta xưa kia chọn vợ vì cô ấy chỉn chu, chăm lo việc nhà sạch bong. Nay anh thành nạn nhân của căn bệnh sạch của cô ấy. Bây giờ cô ấy không cho cha con anh ăn bánh mì nữa, là bởi vì cha con làm vụn bánh rơi vãi khắp sàn nhà. Ăn kem cũng vậy, tan chảy tùm lum kiến bu là ghét nhất. Chẳng khác gì bà bác khó tính mỗi lần đến ăn giỗ lại kể cái tội mãi năm nào, nhà có chuyện giỗ chạp mà không tự tay nấu món xưa cha mẹ thích, lại còn mua… xôi gấc đỏ.
Có phải việc hỷ đâu mà mua xôi đỏ. Hoặc cái nồi canh măng không đủ mộc nhĩ nấm hương. Kỹ tính quá khiến anh cảm thấy mình không được sống ở… nhà mình, mà ở một nơi như khách sạn hay resort! Nhà mình thì phải được bày bừa mới thoải mái. Thế mới là nhà mình!
Hai cha con tranh luận một hồi, chỉ có một điểm thống nhất: đó là phục người Nhật quá. Họ biết kiềm chế. “Còn bố thì thấy phải kiềm chế là khổ quá. Người Việt chẳng có cái câu bậy bạ này là gì: Không nên hoãn cái sự sung sướng lại…”.
Thế mà lý thuyết về chỉ số EQ trí tuệ cảm xúc lại nói: Việc tự chủ kìm nén được cảm xúc chính là yếu tố quan trọng nhất giúp cho trí tuệ cảm xúc phát triển, đảm bảo cho sự thành công trong cuộc sống…