Trong ký ức của nhiều người Hải Phòng xa quê, thành phố hoa phượng đỏ không chỉ sống động với phố phường sầm uất và con sông Tam Bạc thơ mộng mà còn có những không gian trầm lắng với nhiều đền chùa cổ kính. Trong đó, có lẽ chùa Dư Hàng hơn ngàn năm tuổi là một trong những nơi chứng kiến nhiều nhất các thăng trầm lịch sử của thành phố cảng này.
Chùa Dư Hàng nằm sâu trong khu dân cư ở phường Hồ Nam, quận Lê Chân. Lối vào nho nhỏ chỉ đủ hai chiếc xe con tránh nhau nhưng chùa vẫn giữ được khuôn viên rộng đẹp và bầu không khí thanh tịnh. Vào những ngày hè, người Hải Phòng thường cho con em đến đây nghe giảng pháp để nắm vững các đạo lý làm người. Chùa còn có tên chữ là Phúc Lâm tự và theo bản ghi chép trên bia ký thì chùa bắt đầu được xây từ thời Tiền Lê, tức là vào cuối thế kỷ thứ X.
- Xem thêm: Sơn lăng Thoại Ngọc Hầu
Đến thời Trần, các vị sư tổ thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập ở núi Yên Tử cũng đều có mối quan hệ thâm giao với các vị trụ trì chùa Dư Hàng. Vì vậy, từ xưa đến nay, chùa Dư Hàng vẫn tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật vua Trần Nhân Tông vào ngày 2-11 Âm lịch. Trải qua các thời kỳ lịch sử, chùa đã được các thế hệ hòa thượng, tăng ni, tín đồ phật tử chung sức sửa sang nên ngày càng thêm khang trang, đẹp đẽ.
Ngày nay, chùa Dư Hàng có kiến trúc bề thế vào bậc nhất ở Hải Phòng với khuôn viên hoàn chỉnh gồm Phật điện bảy gian, kiến trúc cổng vào kiêm gác chuông cao ba tầng, mái cong vút, bên trong có treo quả chuông đồng cỡ lớn đề chữ Phúc Lâm Tự Chung. Tại tòa Phật điện hiện còn lưu giữ được nhiều pho tượng Phật giá trị, nhiều cổ vật có tạo hình mỹ thuật chuẩn xác như bộ Tam Thế, tòa Cửu Long – Thích Ca sơ sinh, thiện thần, ác thần, bộ tượng Thập điện minh vương…
Nội thất tòa Phật điện được trang trí bằng nhiều bức hoành phi, câu đối, cửa võng sơn son thiếp vàng rực rỡ, đường nét mềm mại, kỹ thuật tinh xảo, thể hiện qua các mảng đề tài hoa lá, cỏ cây muôn thú… mang phong cách nghệ thuật nhà Nguyễn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Hiện chùa Dư Hàng cũng giữ gìn nhiều di vật quý giá như chuông, khánh, đỉnh đồng, đồ trang trí mỹ thuật bằng gốm sứ đá xanh, bộ kinh sách A Hàm cổ được lưu truyền từ nhiều đời sư trụ trì. Ngay chính giữa tòa Phật điện được trang trí bằng nhiều mảng chạm khắc tinh tế với nhiều mảng đề tài quen thuộc thể hiện ước muốn của muôn dân, chẳng hạn ước muốn mưa thuận gió hòa, cỏ cây tươi tốt…
Tại khu vườn tháp tĩnh mịch, rợp mát bóng cây cổ thụ xanh tươi có khá nhiều hoa kiểng xinh đẹp, đặc biệt là các chậu hoa đào nở hồng rực trong mỗi dịp Tết. Cách kiến trúc chùa làm đứng ở góc nào người ta cũng nhìn thấy những mái ngói trầm mặc ẩn khuất dưới những tán cây sum suê. Ngày nay, Dư Hàng không chỉ là chốn di dưỡng tinh thần của người dân Hải Phòng mà còn là một thắng cảnh nổi tiếng thu hút khách thập phương.