Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang leo thang và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù đã có các cuộc đàm phán giữa hai bên. Trong số những thiệt hại gây nên bởi sự tranh chấp chưa từng xảy ra từ nhiều thập niên qua giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, có thị trường tác phẩm mỹ thuật tại Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là tại Mỹ – nơi nhập khẩu tranh cùng nhiều sản phẩm nghệ thuật từ Trung Quốc được miễn thuế.
Từ giữa tháng 7-2018, Văn phòng đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã loan báo việc đánh thuế hàng loạt sản phẩm được làm tại Trung Quốc, trong đó có tác phẩm nghệ thuật các loại, chấm dứt chính sách thuế quan ưu đãi từ nhiều năm nay cho các mặt hàng đặc biệt này.
Cũng nhờ chính sách đó mà Mỹ đã trở thành thị trường lớn nhất thế giới về tác phẩm mỹ thuật, chiếm đến 42% giao dịch toàn cầu trong năm 2017 theo số liệu của The Art Market | 2018 (Thị trường tác phẩm mỹ thuật | 2018) – một báo cáo công bố gần đây của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia và Công ty dịch vụ tài chính UBS (Thụy Sĩ) và Hội chợ nghệ thuật Art Basel. Từ thông báo của USTR, trong số hàng ngàn mặt hàng trị giá gần 200 tỉ USD nhập từ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế 10%, có tranh (vẽ tay) và tác phẩm điêu khắc.
Tiến sĩ Clare McAndrew – nhà kinh tế văn hóa, chuyên gia về thị trường tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ, tác giả bản báo cáo nêu trên của UBS và Art Basel cho biết: “Mỹ đã tạo dựng được vị trí như là một trung tâm thương mại nghệ thuật quốc tế bởi có một trong những hệ thống xuất – nhập khẩu tự do nhất thế giới.
Cho dù mức thuế 10% có thể không làm nản lòng một người mua nào đó khi quyết định sẽ mua tác phẩm mỹ thuật, thế nhưng nó có thể khiến các giao dịch trên thị trường này chậm lại, trong đó có việc mua bán các tác phẩm đến từ Trung Quốc tại New York (nơi có các nhà đấu giá, các gallery lớn nhất thế giới – LTS)”. Theo số liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong năm 2017 Mỹ đã nhập trên 280 triệu USD tác phẩm mỹ thuật và cổ vật từ Trung Quốc, chỉ chiếm khoảng 2,7% trong tổng số 10,35 tỉ USD các tác phẩm mỹ thuật và cổ vật được nhập từ khắp nơi trên thế giới vào Mỹ năm qua. Con số này thấp hơn nhiều so với 403 triệu USD của năm 2015.
Các doanh nghiệp Mỹ chuyên nhập khẩu cổ vật và tác phẩm mỹ thuật từ Trung Quốc đã mô tả việc áp thuế 10% này là sai lầm và gây thiệt hại cho sự trao đổi văn hóa, cũng không nhằm bảo vệ một ngành sản xuất hay công nghiệp nội địa nào cả, bởi các nghệ sĩ Mỹ không giống như công nhân trong các nhà máy ở Mỹ, không cạnh tranh trực tiếp với các nghệ sĩ Trung Quốc. Việc áp thuế đó cũng không mang ý nghĩa sẽ gây tổn thất cho thị trường tác phẩm mỹ thuật và cổ vật vững chắc và đang phát triển tại Trung Quốc, rộng hơn là toàn châu Á, theo phúc trình của bà Clare McAndrew.
- Xem thêm: Không gian sáng tác của các danh họa
Năm 2018 này, Trung Quốc đã vượt qua Anh để trở thành thị trường tác phẩm nghệ thuật lớn thứ nhì thế giới, với tổng giá trị thương vụ chiếm 21% mua bán toàn cầu so với 20% của Anh. Giao dịch của ngành công nghiệp đấu giá tác phẩm nghệ thuật và cổ vật đang phát đạt tại Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 giao dịch loại này toàn cầu, chỉ sau Mỹ (35%) và gấp đôi Anh (16%). Thị trường đấu giá tại Trung Quốc vẫn đang phát triển khi mà các triệu phú và tỉ phú đôla ở quốc gia này và các nước láng giềng châu Á tiếp tục xuất hiện một cách hết sức ngoạn mục.
Theo ông James Lally, người sáng lập đại lý J.J. Lally chuyên phân phối cổ vật và tác phẩm mỹ thuật nhập từ Trung Quốc, nguyên giám đốc lĩnh vực tác phẩm mỹ thuật Trung Quốc của nhà Sotheby’s từ năm 1970: “Thật ra, Trung Quốc không có nhu cầu ghê gớm phải xuất tác phẩm nghệ thuật sang Mỹ, vì vậy việc áp thuế 10% là sai lầm hoàn toàn. Thế nhưng điều đó sẽ gây tác hại tại Mỹ”. Ông đưa ra một ví dụ: một phụ nữ treo một bức tranh mua từ Trung Quốc trong căn hộ của bà tại London, nay nếu bà muốn tặng bức tranh đó cho em gái mình tại Mỹ thì món đồ đó sẽ chịu thuế 10%, điều mà Hải quan Mỹ sẽ làm với bất cứ sản phẩm gì “có nguồn gốc Trung Quốc” căn cứ theo thông báo của USTR hồi giữa tháng 7-2018.
Peter Tompa, một luật sư ở Washington, D.C chuyên về lĩnh vực bất động sản văn hóa còn cho rằng việc Mỹ áp thuế 10% lên tác phẩm mỹ thuật và cổ vật nhập từ Trung Quốc còn làm lợi cho thị trường này tại Trung Quốc vì nó “khuyến khích thương mại và đem các giao dịch loại này trở lại với Trung Quốc, nơi hoàn toàn miễn thuế cho các mặt hàng đó”. Pascal de Sarthe, một nhà buôn lâu năm các tác phẩm mỹ thuật Trung Quốc và đã mở gallery tại Bắc Kinh và Hongkong cho rằng việc áp thuế 10% nói trên chẳng có tác dụng gì cả về mặt vi mô lẫn vĩ mô, bởi vài trăm triệu USD trị giá tác phẩm nghệ thuật nhập từ Trung Quốc chẳng có ý nghĩa gì so với thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc đã lên đến 152,2 tỉ USD trong năm 2018.
Điều đó cũng chẳng có tác động đáng kể đối với thị trường tác phẩm mỹ thuật và cổ vật ở Trung Quốc, bởi phần lớn những gì được giao dịch tại thị trường này thuộc về các nhà sưu tập trong nước và trong khu vực châu Á. Các gallery de Sarthe ở Mỹ chỉ bán tác phẩm với giá khoảng 20.000-30.000 USD từ các nghệ sĩ tạo hình đang lên ở Trung Quốc nên mức thuế 10% cũng chẳng nhiều nhặn gì cho cam, không mấy ảnh hưởng tới việc kinh doanh của ông chủ Pascal de Sarthe, trong khi “cốt lõi kinh doanh của chúng tôi là tại châu Á” theo lời ông.
Pascal de Sarthe còn chỉ ra những lỗ hổng trong chính sách thuế nhắm vào tác phẩm mỹ thuật đến từ Trung Quốc, chẳng hạn ông có thể mời các họa sĩ Trung Quốc đến Mỹ lưu trú sáng tác, sau đó bán tranh của họ mà không bị đánh thế, bởi đó là những tác phẩm “không nhập từ Trung Quốc”, hay có thể nhập nhiều loại hình tác phẩm khác như digital art, tranh in, tranh khắc… trong khi việc áp thuế 10% chỉ nhắm vào tranh vẽ tay và tác phẩm điêu khắc.
- Xem thêm: Hội họa đem lại tự do
Tuy nhiên, những nhà đấu giá lớn như Sotheby’s và Christie’s nằm trong số các thiết chế thương mại chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế mới của Mỹ. Trong mười phiên đấu giá tại Sotheby’s từ tháng 9-2017, có tới ba phiên thuộc về các tác phẩm mỹ thuật Trung Quốc cổ điển và hiện đại với 77 triệu USD tổng giá trị được giao dịch. Còn chỉ riêng trong tháng 3-2018, nhà Christie’s đã bán được gần 40 triệu USD tác phẩm mỹ thuật và cổ vật Trung Quốc.
Tóm lại, xét riêng về thị trường tác phẩm nghệ thuật tại Mỹ thì cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang leo thang gây thiệt hại chủ yếu cho người tiêu dùng, khách hàng tại Mỹ.