Mặc dù con bạn không cần phải biết từng chi tiết về vấn đề tài chính gia đình, nhưng trẻ cần có một cái nhìn chung khi được cha mẹ dạy cho về tiền bạc. Việc nói chuyện với con cái về vấn đề tài chính là yếu tố giúp trẻ có được những thói quen tốt về tiền bạc sau này khi chúng lớn lên.
Hãy bắt đầu khi con còn nhỏ
Tuy con bạn chưa thể nhận thức những khái niệm sâu xa về tiền bạc khi chưa đến tuổi thiếu niên nhưng chúng có thể học được những điều cơ bản từ lúc còn nhỏ. Khi trẻ chập chững biết đi, cha mẹ hãy nói với trẻ về việc kiếm tiền, dành dụm và chi tiêu tiền bạc. Sử dụng những lời lẽ phù hợp với lứa tuổi để nói chuyện và giải thích với trẻ làm thế nào mà bạn và bạn đời kiếm được tiền bằng cách làm việc. Nói với trẻ về số tiền bạn kiếm được phải trang trải các khoản sinh hoạt phí trong gia đình như thanh toán các hóa đơn, mua sắm thực phẩm, bảo trì nhà cửa…, phần còn lại để dành dụm và chi tiêu cho những nhu cầu cá nhân.
Duy trì một cuộc đối thoại liên tục
Bạn không thể dạy trẻ những vấn đề tài chính cơ bản chỉ trong một sớm một chiều, vì vậy hãy thường xuyên đối thoại với trẻ trong cuộc sống hằng ngày. Chẳng hạn, lúc đi mua sắm hãy giúp trẻ so sánh giá cả, lúc thanh toán các hóa đơn nói với trẻ vì sao có tiền để chi trả chúng. Mặc dù trẻ chỉ có thể nhìn thấy bạn sử dụng thẻ tín dụng hay trả tiền nhưng chúng cần phải biết khoản tiền đó. Tuy không cần chia sẻ với con từng chi tiết về vấn đề tài chính gia đình nhưng cha mẹ đừng ngại khi nói với chúng về tiền bạc.
Tạo điều kiện cho trẻ làm việc
Để con trẻ hiểu được mối liên quan giữa tiền bạc và công việc, cha mẹ hãy để trẻ làm việc. Thay vì cho con tiền mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào, mỗi tuần hãy giao cho trẻ một số công việc nhà phù hợp với khả năng của chúng. Bạn và trẻ có thể cùng ngồi lại và “thương lượng” giá trị của từng công việc, cho trẻ biết chúng sẽ được “trả công” khi hoàn thành công việc đúng thời gian và làm tốt công việc. Hãy để trẻ biết chịu trách nhiệm và nếu không hoàn thành công việc như thỏa thuận, chúng sẽ không được trả công.
Dạy trẻ cách tiết kiệm tiền bạc
Cho dù bạn lập cho con một tài khoản hoặc chọn cách bỏ ống để dành, điều quan trọng là trẻ học được tầm quan trọng của tiết kiệm tiền bạc. Mặc dù bạn không trông chờ con trẻ làm việc kiếm tiền để mua những thứ chúng muốn, nhưng bạn có thể giúp trẻ thiết lập các mục tiêu tiết kiệm. Đối với những món đồ lớn hơn, việc bạn cùng trẻ tính toán để tiết kiệm 50% chi phí sẽ là một ý kiến hay.
Trung thực về tài chính vào những thời điểm khó khăn
Mọi gia đình đều có lúc trải qua những giai đoạn khó khăn về tiền bạc. Nếu bạn bị mất việc và tài chính gia đình thay đổi, hãy nói với con trẻ về điều này. Tuy trẻ không hiểu vấn đề một cách cặn kẽ nhưng cha mẹ có thể dùng những lời lẽ đơn giản để giải thích với trẻ về những thay đổi đang ảnh hưởng trực tiếp đến chúng. Ví dụ, nếu bạn cắt giảm những hoạt động ngoại khóa của con, thường xuyên ăn uống ở nhà thay vì bên ngoài hoặc bỏ qua các kỳ nghỉ gia đình trong năm, có thể nói với trẻ về những khó khăn hiện tại và kế hoạch của bạn nhằm cải thiện tình hình.
Khi con bạn đủ lớn để làm việc bên ngoài, hãy để trẻ khám phá những gì chúng muốn làm và tìm một công việc chúng yêu thích. Việc cho phép con làm việc giúp xây dựng lòng tự tin của con và tạo điều kiện để con đạt được thành công về tài chính trong tương lai.
– Theo She Knows