Nhiều người vẫn thường nói, hôn nhân là mồ chôn của tình yêu. Bởi trái với giai đoạn yêu đương lãng mạn, hôn nhân đưa chúng ta trở lại với thực tế, với những mặt xấu, đôi khi là các bất đồng, các vấn đề không thể giải quyết giữa cả hai. Do đó, có được một tình yêu vĩnh cửu trong hôn nhân thường được xem là điều chỉ có thể xuất hiện trong… truyện cổ tích.
Tuy nhiên, tiến sĩ tâm lý học Thomas G. Plante lại cho rằng, tình yêu vĩnh cửu hoàn toàn có thể tồn tại nếu chúng ta biết cách trân trọng và giữ gìn nó.
“Mọi chuyện đều có thể xảy ra, kể cả việc bạn tạo ra được tình yêu vĩnh cửu cho bản thân. Tuy nhiên, tình yêu vĩnh cửu đòi hỏi cả hai phải nỗ lực và phải rèn luyện không ngừng để tạo ra” – Thomas G. Plante chia sẻ.
Dưới đây là ba phương pháp được Thomas G. Plante đề xuất, nhằm giúp chúng ta có thể tạo ra tình yêu vĩnh cửu cho mình.
Thấu hiểu bản thân
Điểm đầu tiên mà một tình yêu vĩnh cửu cần, đó là sự thấu hiểu. Không phải thấu hiểu người khác, mà là thấu hiểu chính mình. Bởi về cơ bản, tất cả chúng ta đều sở hữu những nét tính cách cực kỳ cá biệt. Chúng ta có thể ưa nổi loạn, hay mất cân bằng, thiếu chín chắn… trong những thời điểm, hay có những cung bậc cảm xúc cực kỳ khó đo lường và chẳng giống ai.
Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên của người đang tìm kiếm tình yêu vĩnh cửu là phải hiểu được sự đặc biệt của chính mình. Bởi những vấn đề tưởng như nhỏ nhặt, như việc bạn thường nổi đóa lên khi ai đấy không đồng ý với mình hay ghét những cử chỉ thân mật vào buổi sáng… có thể trở thành thảm họa sau khi kết hôn, nếu vợ/chồng bạn có những tính cách đối nghịch. Do đó, hiểu được sự khác biệt của bản thân sẽ giúp chúng ta hạn chế chúng hoặc tránh để chúng làm ảnh hưởng tới mối quan hệ của mình.
“Một cuộc hôn nhân tốt không hẳn là cuộc hôn nhân giữa hai người khỏe mạnh và hoàn hảo, mà là cuộc hôn nhân giữa hai người có đầy thói hư tật xấu nhưng biết cách không khiến những thói hư tật xấu ấy làm tổn hại đến nhau” – Thomas G. Plante chia sẻ.
Duy trì sự bao dung
Có một điểm khá kỳ lạ trong tình yêu ngày nay, đó là tình yêu đang được gắn liền với sự ngưỡng mộ. Rất nhiều người theo đó lựa chọn người bạn đời của mình, dựa trên những tiêu chí mà có thể khiến họ tự hào, như chiều cao, cân nặng, gương mặt, làn da, hay công việc, thu nhập… Từ đây, chúng ta có thể dễ dàng yêu một người có trí thông minh vượt trội, một người có sự gan dạ tuyệt đối hay có vẻ đẹp khiến ai cũng phải ghen tỵ…
Tuy nhiên, tiến sĩ Thomas G. Plante cho rằng, sự ngưỡng mộ có thể là điểm khởi đầu tuyệt vời cho tình yêu, nhưng không phải là điểm tạo ra được một tình yêu vĩnh cửu. Bởi về cơ bản, sự ngưỡng mộ không thể tồn tại lâu. Càng sống lâu, gặp được nhiều người, trải nghiệm hơn, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra những phẩm chất đặc biệt mà người mình yêu từng khiến mình ngưỡng mộ, thực ra cũng không… đặc biệt lắm so với nhiều người.
Vì thế, để duy trì các mối quan hệ lâu dài, chúng ta phải có một phẩm chất mà hiếm khi được đề cập trong phạm vi hẹn hò, đó là sự bao dung.
Khi tình yêu xuất phát từ sự bao dung, chúng ta sẽ yêu một người không đơn thuần vì những điểm tốt của họ, mà có thể yêu cả những điểm xấu chẳng hấp dẫn chút nào của họ. Tình yêu tới từ sự bao dung không phải là tình yêu xuất phát từ một rung động trước ánh hào quang do người đó phát ra, mà dựa trên khả năng nhìn thấu vẻ ngoài khó chịu, thấu hiểu những trải nghiệm tồi tệ của người đó từng trải qua, để thấu hiểu nét đẹp ẩn sâu bên trong của họ.
Tình yêu bao dung, theo đó chính là tình yêu mà chúng ta hay sử dụng với… trẻ nhỏ. Bởi ở trẻ nhỏ, việc chúng hành xử đôi khi vô cùng bướng bỉnh, khó chịu, gần như xảy ra thường xuyên. Trẻ có thể la hét giận dữ, đập phá đồ đạc hay vòi vĩnh thái quá… Tuy nhiên, ít khi ta cảm thấy bị kích động hay bị tổn thương bởi những hành động này. Lý do là bởi ta yêu chúng bằng tình yêu bao dung, vì thế chúng ta chưa từng gán một động cơ tiêu cực hay ý đồ xấu nào cho bọn trẻ. Và vì thế, chúng ta dễ dàng tha thứ. Tuy nhiên, khi lớn, chúng ta lại đối xử với người khác theo cách ngược lại, đặc biệt là trong tình yêu, hôn nhân. Chúng ta có thể không bao giờ tha thứ khi ai đó lỡ lời nói một câu khiến chúng ta buồn lòng, chúng ta có thể không bao giờ quên việc vợ/chồng mình quên ngày sinh nhật của mình…
“Nếu nghĩ yêu là bao dung, bạn sẽ thay đổi quan niệm tình yêu của mình. Khi đó, bạn sẽ yêu gần như tất cả mọi điểm từ một người. Bạn sẽ bắt đầu hiểu họ nhiều hơn, không còn bất ngờ với những mặt xấu, với những việc không hoàn hảo của họ, và tình yêu của bạn chắc chắn sẽ cực kỳ khó phai nhạt” – tiến sĩ Thomas G. Plante kết luận.
Biết cách tranh luận
Một trong những thách thức hàng đầu của một tình yêu vĩnh cửu, đó là làm sao hạn chế được việc các cặp đôi làm tổn thương nhau. Bởi dù là một người bao dung nhất, thì cũng chỉ có thể tha thứ, chứ hiếm khi có thể quên hoàn toàn được những tổn thương mà đối phương đã gây ra cho mình.
Và đa phần những tổn thương mà chúng ta phải chịu trong hôn nhân sẽ đến từ giao tiếp, từ những cuộc cãi vã, tranh luận về các vấn đề trong cuộc sống. Bởi chúng ta có sự khác biệt trong cách nhìn thế giới, cách học tập, giao tiếp… nên những cuộc “đấu khẩu” có thể trở thành thảm họa, là nơi để chúng ta mặc sức chỉ trích, đay nghiến, hạ thấp và làm tổn thương nhau.
Để cải thiện cũng như hạn chế tối đa tính sát thương trong các cuộc tranh luận, thì ba điểm mà chúng ta nên tập trung, đó là: Hiểu, khiêm tốn và lòng tốt.
Theo đó, hiểu, nghĩa là hãy cố gắng đặt mình vào địa vị của đối phương, để hiểu quan điểm, nhu cầu và cảm xúc của họ. Bạn chắc chắn không phải đồng ý mọi luận điểm của họ, nhưng khi bạn hiểu họ, bạn sẽ không phản ứng thái quá.
Khiêm tốn, nghĩa là hãy tiếp cận một cuộc trò chuyện với tư duy và vị thế ngang hàng với đối tác của mình. Tránh sự áp đặt, phán xét hay thái độ của kẻ bề trên.
Cuối cùng, lòng tốt ở đây, nghĩa là thay vì cho rằng những người không đồng ý với bạn là xấu, ngu dốt… thì hãy nghĩ rằng họ thật ra cũng chỉ muốn điều tốt nhất cho cả hai, và có thể phương pháp của họ không phù hợp, nhưng điều đó thực sự không tổn hại gì đến tình cảm mà cả hai dành cho nhau.
– Tổng hợp