Nhậu thâu đêm xả láng sáng về sớm… Câu ấy quen rồi, nhưng chắc chỉ để chê mấy ông nghèo khổ nhậu quán cóc, làm đêm buôn bán bốc vác vặt ngoài bến bãi. Có vẻ chẳng liên quan mấy đến “chúng ta”.
Vậy mà bây giờ, báo chí đưa ra thống kê, chúng ta “chi nửa tỉ đô mỗi tháng để… ăn vặt”, mới lại cãi nhau về đề tài xưa. Người nói ăn vặt sẽ mập phì, người lại nói ăn no ba bữa không bằng… chia nhỏ các bữa ăn, sẽ khoa học hơn, sẽ giảm béo. Người kể rằng, dường như đi khắp Hà Nội hay Sài Gòn sẽ thấy thiên hạ… ăn rào rào từ sáng tới khuya.
Vào các cổng trường học mà xem, hàng quà vặt bao bọc hàng dãy, thôi thì đủ thứ không thể nào rẻ hơn. Chỉ mười ngàn đồng cũng có thứ để mua. Từ miếng xôi chiên giòn kèm ruốc chà bông cho đến “thức ăn thức uống hot từng mùa”. Hết bánh tráng trộn đến đá me, trà sữa Đài Loan có thể tìm thấy hàng dãy phố cửa hàng.
Phái phản đối ăn vặt hình như đã thua cuộc. Mập phì đâu mà mập phì. Các cô văn phòng cũng ăn rào rào, đủ lý do để ăn. Không lễ lạt, sinh nhật, chỉ cần… mặc áo mới đẹp là đủ khao rồi. Có gì mà lăn tăn, ăn qua ăn lại, hôm nay người này, mai người khác mua. Cả đám con trai đàn ông cũng ăn lây. Ngoài ăn sáng, trưa, còn ăn xế. Mà xế không chỉ có nghĩa xế tà, chiều. Xế có khi là chín, mười giờ sáng nữa kia.
Lý do vì sao ăn nhiều vậy, trả lời là, ăn vặt giống… giải lao. Ngày xưa lâu lắm rồi, công sở có thể dục giữa giờ, mười lăm phút ra sân. Nay biến mất hẳn, tự giải lao tức là rời máy tính ra tụ tập tán dóc. Mà phải có cái gì ăn mới vui. Nếu không thì căng thẳng buồn tẻ và… mệt mỏi lắm. Có người còn lấy cả “căn cứ khoa học” kiểu lý sự não chỉ huy hấp thụ, chất dopamine… không ăn sẽ buồn ngủ. Ăn mà kết hợp tám chuyện sẽ vui, tỉnh táo. Người phản đối thì nói, chất đường, béo trong thức ăn cũng gây nghiện như cocaine. Các con số cảnh báo rất nhiều: 70% người Mỹ dư cân. Mà nói Mỹ chi cho xa, vào bất cứ trường tiểu học nào mà xem, bao nhiêu đứa trẻ mập phì và đeo kính? Cứ như bệnh dịch thời đại.
Thì đó là do các hãng bán thức ăn nhanh. Quay đi quay lại ít năm đã thấy đầy những Starbucks, McDonald’s, Burger King, KFC… Còn thêm các hãng châu Á nữa – Đài Loan, Nhật, Thái, Singapore… tràn ngập và lấn sân các hãng nội địa.
Người ta la làng không phải vì lo cho khách hàng người Việt… ăn nhiều, mà la lên vì doanh nghiệp Việt nhường sân cho khối ngoại. Dưới mắt người kinh doanh thì chỉ cần biết đây là thị trường tiềm năng. Nhiệm vụ của kinh doanh là bỏ tiền bạc công sức hoàn thiện công thức chế biến đáp ứng đến mức lý tưởng hàm lượng món ăn sao cho có dinh dưỡng và bớt độc hại. Thế là tốt lắm rồi. Kinh doanh là đáp ứng thị trường. Bài toán thật hóc búa: Hoặc là phải chuyên nghiệp, hai là thua và bán lại cho nước ngoài. Ngay bánh mì Việt, món ăn đường phố “Tây cũng thèm” mà kinh doanh sao cho thắng cũng không phải chuyện đùa. Nghe đồn “bánh mì que” của Tâm Việt Thảo ngon, mà sao trước cổng trường học, bệnh viện, các xe bánh mì đường phố không dễ thấy? Chỉ vào cửa hàng mới có? Nhiều người nghe tiếng thôi, vẫn phải ăn thứ trên xe đẩy ngoài đường chẳng biết chất lượng ra sao, hên xui…
Chà, cái miệng ăn vặt nhiều khi thành đại sự quốc gia trong câu chuyện kinh doanh. Giờ chẳng ai chê “con gái hay ăn quà vặt” như một tính xấu nữa. Mà thành “đức tính xã hội” của cả nước rồi.
Thử mở tủ lạnh ở nhà mà xem, chứa quá trời thứ cho mọi người “tuần tra… tủ lạnh”. Thế nên, nấu bữa sao cho ngon là một thách thức cho bà chủ nhà, vì ngồi vào mâm, ai cũng đang lưng lửng dạ mất rồi.
Khó ghê vậy đó.