Những ngày cuối tháng Chạp, khi tiết trời bắt đầu se lạnh thì không khí đón Tết cổ truyền ở Hội An như ấm lên qua những hoạt động rộn ràng diễn ra nơi từng đường quê, từng con phố. Nhưng bên cạnh vẻ tất bật và náo nhiệt ấy, luôn phảng phất tâm hồn một Hội An thanh bình và lắng đọng.
Một không gian ngày Tết mang dáng dấp Hội An nhẹ nhàng và duyên dáng mà chúng tôi được đến thăm năm nay là An Nhàn Exquisite Hội An, tọa lạc ở vùng cồn Nhàn, xã Cẩm Thanh vốn nổi tiếng với vùng dừa nước và những nếp nhà lá. Chiếc cổng gỗ mộc mạc đón chúng tôi vào không gian rộng và thoáng của sân vườn bên trong. Phía bên trái là nhà sàn dân tộc Tày được anh chị mang về từ Bắc Trung Bộ và tốp thợ mộc giỏi trong vùng phải mất hơn 6 tháng phục dựng. Đây là không gian chính để trưng bày các vật phẩm sưu tầm và tiếp đón bạn bè gần xa ghé thăm. Là những người trẻ say mê nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số, anh Kiệt và chị Giang đã biến đam mê của mình thành cảm hứng xây dựng sự nghiệp.
Từ lần may mắn được tận mắt chứng kiến cách người M’Nông tạo ra linh hồn cho các sản phẩm gốm đất nung đen tuyền óng ả, hai vợ chồng bắt đầu bén duyên với “nghề sưu tập”. Kể từ đó là những chuyến dọc ngang các miền đất nước để cóp nhặt các báu vật còn sót lại từ cuộc sống thường nhật hay những tác phẩm thủ công đậm nét văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số khắp nơi. Giờ đây, anh chị đã có một “gia tài” nho nhỏ là không gian trưng bày văn hóa tại An Nhàn Exquisite Hội An. Nhà sàn hai tầng trưng bày hàng trăm vật phẩm thủ công độc đáo của các dân tộc mọi miền. Bước vào không gian này, khách như được hòa mình vào những miền văn hóa sống động và phong phú của những người đồng bào anh em.
Đối diện nhà sàn Tày là một nhà cổ Huế thâm trầm với “nét xưa chưa cũ”, cho ta cảm giác gần gũi đến lạ. Chính giữa là nhà ba gian hai chái truyền thống đặc trưng của Quảng Nam. Đây là kiểu nhà quen thuộc đã gắn bó sâu sắc với cả hai anh chị từ thuở bé và cũng là nơi sinh hoạt chính của gia đình anh chị. Toàn bộ các khung nhà được dựng ở An Nhàn đều là khung nhà cũ. Với ý tưởng thiết kế theo hướng tái chế, hai vợ chồng đã sưu tầm, góp nhặt đủ loại đồ cũ từ cánh cửa lá sách, ô cửa sổ đến khung dệt, cọc tiêu đã qua sử dụng để trở thành các món đồ dùng nội thất và trang trí vừa mang đậm màu sắc của thời gian vừa thân thiện với môi trường, thiết thực cho cuộc sống hàng ngày.
Chúng tôi thăm An Nhàn vừa lúc gia đình anh chị Kiệt – Giang đang chuẩn bị đón Tết. Các thành viên trong gia đình quây quần trang trí nhà cửa. Anh sắp xếp gọn gàng đồ đạc, sửa soạn cành mai cây quất. Chị bày biện bánh mứt và cắm hoa. Ông viết câu đối đỏ trước nhà, trẻ con ríu rít chạy nhảy vui đùa chung quanh. Nhà truyền thống là không gian đón Tết chính của gia đình nên được đặc biệt bài trí kỹ càng. Mùa Tết nào cũng thế, bàn ăn lớn giữa nhà không thể thiếu bình hoa lay ơn đỏ rực chị Giang tự tay chọn từng cành, cắt tỉa rồi cắm gọn vào bình gốm. Người Hội An hay chọn hoa lay ơn để chưng trong nhà vì tin rằng hình dáng vuốt nhọn của cành lá tạo phong thủy tốt, sắc hoa đỏ thắm mang điềm may mắn, mang đến không khí vui vẻ, ấm áp và sum vầy cho ngày Tết. Ngoài hàng hiên ngôi nhà ba gian là chậu quất xanh trĩu quả. Anh Kiệt tỉ mĩ treo từng tấm giấy màu hồng đào, màu đỏ rực được viết tay những mong ước năm mới của tất cả thành viên trong gia đình. Góc bên cửa trái là mấy chậu vạn thọ thoang thoảng đưa hương. Không khí rộn ràng, sôi động nhưng mọi hoạt động lại diễn ra trong nhịp điệu nhẹ nhàng, chậm rãi đúng như tính cách và tình cảm của người Hội An.
Một hoạt động không thể thiếu trong việc chuẩn bị đón Tết cổ truyền ở An Nhàn là xin chữ và câu đối đỏ. Khi chúng tôi đến, bàn gỗ kê trước nhà đã bày sẵn bút mực, giấy đỏ. Phong tục viết câu đối đỏ để treo trong nhà, trước cửa của người Việt mang ý nghĩa cầu may mắn, bình an và thành công trong năm mới. Từng chữ, từng câu được viết trên giấy đều là những lời chúc, lời cầu mong ý nghĩa nhất. Rung cảm bởi khung cảnh dân dã và truyền thống này, chúng tôi có thể ngồi ngẩn ngơ hàng giờ để ngắm nhìn ông Hai thảo chữ, hít hà mùi mực mới và mân mê mấy tấm giấy đỏ sáng bừng dưới nắng. Trong nhà, không khí gia đình như ấm hơn.
Bình trà hoa cúc thơm lừng được pha sẵn. Khi việc bày biện trang trí xong xuôi, là giây phút cả nhà quây quần thưởng trà, nếm mứt, kể cho nhau nghe những câu chuyện của năm qua và những tâm tình ước mong cho năm tới. Tất cả những hương, sắc, mùi, vị, âm thanh… hòa quyện và tỏa lan trong không khí gia đình ấm áp. Đó chính là Tết, một bầu không gian giản dị mà ấm cúng, một vùng cảm xúc đơn sơ mà tha thiết, khiến những tâm hồn xa xứ mỗi độ cuối năm lại xốn xang và háo hức tìm về…
Bận rộn cả một năm dài, hôm nay chúng tôi thật sự may mắn được đến An Nhàn để chậm lại, lắng nghe những bước chân mùa xuân đang nhẹ về. Bên tách trà, anh Kiệt và chị Giang tâm sự rằng năm mới họ mong muốn được mang đến nhiều hơn những câu chuyện văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam cho du khách trong nước và bạn bè quốc tế, thông qua các hiện vật chuyên chở hình hài và tâm hồn từ đất, từ gỗ, từ những người con của núi rừng. Chia tay anh chị, chúng tôi chúc cho mong ước của họ sẽ sớm thành hiện thực và chúc cho không gian văn hóa An Nhàn Exquisite Hội An thắm mãi sắc xuân.
– Hình ảnh: Huỳnh Ngọc Duy Nguyên
- Xem thêm: Cải tạo một ngôi nhà sàn cũ