Với nhiều ngôi nhà phố có diện tích hẹp, để có đủ không gian riêng + chung cho sinh hoạt của gia chủ, việc phát triển không gian theo phương đứng là giải pháp đương nhiên. Khi đó, bài toán về giải quyết trục giao thông như thế nào để tận dụng và tối ưu hoá các không gian xoay quanh nó luôn được cân nhắc. Ở ngôi nhà này, những người thiết kế đã tổ chức để cầu thang không chỉ đáp ứng nhu cầu về giao thông mà còn biến nó thành một điểm nhấn trong thiết kế. Nhờ vậy đem lại nhiều giá trị cho đời sống của chủ nhân.
695 House là một ngôi nhà phố có diện tích là 4mx16,5m, quy mô xây dựng là 3 tầng, với 3 phòng ngủ và các khu chức năng cần thiết khác như phòng khách, bếp, ăn…. “Đây là một dự án nhà ở chứa đựng nhiều mong muốn và tâm tư của gia chủ. Bài toán mà chủ đầu tư đặt ra với chúng tôi là thiết kế phải đáp ứng được được yếu tố phong thủy, có ánh sáng thông thoáng, thuận lợi cho việc tiếp khách cũng như các sinh hoạt của gia đình”. Người thiết kế chia sẻ. Theo đó, tầng 1 dành cho chức năng sinh hoạt chung của gia đình và các dịp tụ tập. Phòng ngủ ông bà cũng bố trí ở dưới này để tiện việc cho ông bà đi lại. Tầng 2 gồm 2 phòng ngủ và 1 phòng thờ. Tầng 3 (Tầng mái) thì dành một phần sân trước để trồng cây, uống trà vui thú của gia chủ, phần còn lại là phòng kho và giặt phơi.
Tầng 1 là nơi có nhiều hoạt động được diễn ra trong ngày nên không gian sinh hoạt như phòng khách và bếp ăn liên tục để tạo cảm giác thông thoáng và rộng rãi. Thiết kế đẩy khối chức năng phòng ngủ riêng của ông bà về sau nhà nhằm tạo độ thoáng mở cho công trình vốn có diện tích khiêm tốn.
Theo lối cầu thang dẫn lên phòng ngủ số 1 ở tầng 2, phương án hệ cửa lùa được sử dụng nhằm tạo không gian rộng rãi và lưu thông khí, tăng tính tương tác với thành viên trong gia đình, hoặc chỉ cần kéo cửa đóng là đã có vách kín cho không gian riêng tư cần thiết.
Do phòng thờ được tận dụng ở phần tiếp giáp ban công nên phòng ngủ số 2 phía sau sẽ bị giảm sự thoáng khí. Giải pháp đề ra là mở khoảng trống trồng cây xanh bên ngoài thông qua cửa sổ phòng ngủ, vừa tạo độ thoáng vừa thêm mảng xanh lọc khí cạnh khu vệ sinh. Mặt khác, trong khu vệ sinh có kết hợp rèm kéo tạo vách ngăn nên vẫn đảm bảo tính riêng tư.
Tầng mái – thông tầng, sử dụng hệ khung sắt đan tạo hình làm giảm cường độ sáng gắt và bức xạ nhiệt, tăng tính thẩm mỹ cho căn nhà.
Điểm nhấn đặc biệt của căn nhà chính là cầu thang có hình thức theo từng tầng khác nhau. Từ tầng 1 là các bậc rời gọn gàng làm thoáng tầm nhìn. Tầng 2 trở lên, bậc thang được thiết kế mỏng có hình zig zag giúp giảm độ thô kệch và biến không gian trở nên sinh động hơn. Kết hợp với kiến trúc của cầu thang theo đó thu hút ánh nhìn lên trên để có thể ngắm những tia nắng đẹp mắt tạo ra từ thông tầng.
Nhìn lại dự án này, cả chủ đầu tư và người thiết kế đều nhận thấy rằng ưu điểm nổi bật ở thiết kế ngôi nhà này so với nó trước đây là đã biến đổi từ hiện trạng cũ thiếu sáng với nhiều khối phòng đan xen thành một nơi có không gian cân đối hài hòa và phần ánh sáng được tận dụng tối đa tạo cảm giác rộng rãi thoải mái. Quan trọng là phần thiết kế thể hiện phong cách của gia chủ, đảm bảo tính riêng tư nhưng vẫn giữ được sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình.
Đơn vị thiết kế: TDB Architecture
Chủ trì thiết kế: Nguyễn Văn Hoàng Phúc
Hình ảnh: Dũng Huỳnh
- Xem thêm: Cầu thang: không gian và chất liệu