“Em nên bỏ nghề kế toán sang làm nhà báo mới phải. Mà nhà báo chuyên viết phóng sự ấy!”.
Bà xã tôi liền hỏi tại sao tôi có ý đó (hàm ý “Có nói mỉa mai gì không đấy?”). “Thế này thì anh băn khoăn giữa nhà báo và… công an! Là vì lúc nào em cũng đề cao cảnh giác. Anh có nói mỉa mai gì đâu. Anh khen thôi mà, rằng em có năng khiếu quan sát, thâm nhập và điều tra dư luận xã hội, nên làm kế toán thì… hơi phí. Em mà làm báo, anh đánh cược rằng sẽ có nhiều phóng sự xã hội hay. Chứ phóng viên bây giờ họ nguội ngắt. Bây giờ đố ai tìm thấy phóng sự điều tra trên tờ báo nào đấy!”.
Tôi nói thế như “tự phê bình” vì tôi cũng là một nhà báo, để khen ngợi cô ấy. Rất hiếm có dịp nào vợ chồng không tranh cãi như trong mấy ngày xuân này. Nịnh vợ là khôn nhất. Cô ấy thích lắm, “làm phóng sự” ngay cho tôi nghe: “Anh biết không, hôm qua đi chùa thấy ở đó sạch như lau như ly, khiến em nghĩ gì không? Em ước Nhà nước cho phép các tổ chức tôn giáo được mở bệnh viện và trường đại học, em bảo đảm họ sẽ dẫn đầu. Sẽ sạch đẹp và phục vụ với tinh thần Mẹ Teresa thì khó ai bì kịp, các bệnh viện sẽ phải chạy theo mệt nghỉ. Còn thầy thuốc giỏi ư? Họ sẽ thuê hoặc đào tạo, mở đại học y khoa chẳng hạn, sẽ thú vị và cứu khổ cứu nạn biết bao nhiêu”…
Ngẫm nghĩ rồi cô ấy tặc lưỡi: “Ước gì em “nhốt” được mấy ông to vào sống trong bệnh viện ung bướu vài ngày. Thật không thể tả nổi. Điều kiện như thế thì bác sĩ giỏi cũng bó tay chấm com. Mà lạ cánh báo chí các anh, cứ xúm vào moi móc giáo dục, trong khi ngành này chưa có chết người ngay như y tế”.
Tôi cãi: “Em không thấy tụi anh lên tiếng về các vụ chữa chạy gây tử vong đó thôi”. Cô ấy nói: “Chuyện đó hy hữu. Còn thì các anh toàn kêu giùm bệnh viện quá tải. Vì sao không ai giải quyết? Ông bộ trưởng còn chối là mình đâu có hứa hồi nào chuyện giải quyết quá tải? Nghĩa là bó tay.
- Xem thêm: Tội gì khó tha thứ nhất?
Anh thử vào bệnh viện xem. Em đi thăm cô bạn bệnh nằm viện mà loay hoay cả giờ không gửi nổi cái xe. Nguyên giữ xe bệnh viện cũng thu tiền tỉ, đâu phải kinh doanh gì cho mệt, thuế má tơi bời! Khám bệnh thì bác sĩ bị bao vây vòng trong vòng ngoài, chắc chẳng kịp nhìn vào mặt bệnh nhân. Mà nghe nói các bác sĩ bị khống chế số tiền kê toa cho bệnh nhân. Vậy là chia đều tiền ra mỗi người một ít, thuốc rẻ, không chữa được bệnh. Vi khuẩn hẳn sẽ mừng húm vì kiểu chữa trị “phản động” bình quân như thế, bởi chẳng chết thằng Tây nào. Còn giúp bọn chúng kháng thuốc vui vẻ cả.
Những bà bị bệnh tiểu đường ở cơ quan em rủ nhau đi khám từ ba giờ sáng. Bây giờ nơi tấp nập nhất Việt Nam là bệnh viện, hơn cả sân bay, nhà ga, bến xe. Mà nơi bẩn nhất cũng là bệnh viện. Anh biết vì sao bây giờ em không cho anh ăn nấm không? Vì giống lúa mới lùn tịt đâu có rơm rạ gì làm nấm rơm, người ta lấy cả những thạch cao bó bột chân tay gãy đó, để làm nấm. Anh không thấy nấm bây giờ đâu có đen như rơm nữa, mà trắng như thạch cao! Khiếp, nghe mà rùng cả mình, muốn “ca bài ca chị Huệ” (tức là… ọe!)”.
Tôi nghe cô ấy nói, không biết đúng sai đến đâu, vừa đau, vừa… hài hước. Hèn gì cô ấy trở thành bác sĩ của cả nhà. Ăn gì, không ăn gì, bao nhiêu calo, chất nào có trong rau củ gì, cô ấy biết rõ cả. Thỉnh thoảng tôi lại thấy cô ấy phổ biến một toa thuốc lạ, một bài tập khí công mới, một câu triết lý về nhân sinh kiểu như: “Tuổi già là một cuộc đắm tàu”, hay “Lý thuyết cục pin” cho ai lười biếng: đời người là một cục pin, ai xài nhiều, hao năng lượng nhiều thì mau hết… Và có ngay dẫn chứng hùng hồn: “Anh thấy bác cả của em không, sắp chín mươi tuổi rồi vẫn khỏe. Mà rõ ràng nhé: bác em hút thuốc, uống rượu, cả đời không tập thể dục…”. Thôi thế thì tôi chịu!
- Xem thêm: Vợ con thông minh, khổ thật!
Luôn có các cuộc điện thoại các cô bạn gọi hỏi cô ấy cách dùng thuốc, kể cả các “gốc” của chất nọ chất kia, giá cả, tác dụng…
“Rốt cuộc anh không hiểu em là kế toán, nhà báo hay bác sĩ?”. Cô ấy nói: “Thì giống Hải Thượng Lãn Ông đi về kinh chữa bệnh cho thái tử, đã kiêm luôn nhà báo, viết Thượng kinh ký sự đó thôi. Ông thuật lại chuyến đi Thăng Long và sinh hoạt ở phủ chúa. Chỉ có khác là xưa ông nhận thánh chỉ vua triệu tập, áo mũ chỉnh tề ngồi cáng, còn em thì chạy xe dân biểu. Chẳng có ai mong đợi chú ý đến em. Chỉ có một “đội quân” hễ thấy bóng em ra cổng là nhốn nháo săn đón. Đó là các bác… xe ôm!