Sự ích kỷ có thể làm tổn thương cho mối quan hệ. Bạn đời có thể cảm thấy bị hờ hững và bỏ quên khi bạn chỉ quan tâm đến những ham muốn cá nhân. Thông qua giao tiếp, sự thấu hiểu và kiên nhẫn, vợ chồng có thể vượt qua những rào cản của cách cư xử ích kỷ. Bởi một người sống chỉ biết mình sẽ có cơ hội vượt qua những rào cản đó khi có được tình yêu và sự hỗ trợ từ bạn đời.
Trong năm đầu tiên của hôn nhân, đối phó với tính ích kỷ là một trong những “cuộc chiến” cam go nhất. Đây là một trong những bài học đầu tiên vợ chồng cần học hỏi. Bởi các cặp đôi phải nhận thức điều đó trước khi học cách giao tiếp với nhau. Điều này không đơn giản là giao tiếp đúng cách với bạn đời mà còn biết đặt cái “tôi” của mỗi người sang một bên và lắng nghe lẫn nhau. Bởi cố gắng hiểu quan điểm của bạn đời là vị tha, không phải ích kỷ. Có rất nhiều tác động của sự ích kỷ đối với hôn nhân:
– Tạo cảm giác tổn thương và căm phẫn trong hôn nhân, khiến bạn đời xa lánh.
– Gặp những vấn đề về giao tiếp và vấn đề khác giữa hai vợ chồng làm ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi.
– Ngăn cản bạn nghĩ về bạn đời và cuộc hôn nhân của bạn, khiến hôn nhân thiếu sức sống.
– Thiếu niềm tin và sự chung thủy trong hôn nhân.
Dấu hiệu của sự ích kỷ trong hôn nhân là khi bạn:
– Khó khăn trong thỏa hiệp với bạn đời. Tin rằng mọi thứ thuộc về bạn, thay vì của chung hai người.
– Thiếu sự chia sẻ với bạn đời và cảm thấy khó khăn khi tha thứ cho bạn đời.
– Có tâm lý cạnh tranh với bạn đời, nghĩ rằng bạn luôn tốt hơn anh/cô ấy.
– Chỉ quan tâm đến bản thân.
Một dấu hiệu khó nhận biết khác của sự ích kỷ là thiếu trách nhiệm về tiền bạc trong hôn nhân. Ở phụ nữ, có thể là mỗi tuần mua một bộ trang phục mới hay thường xuyên đi spa. Họ có xu hướng thích chi tiêu những khoản nhỏ nhưng không thổ lộ hay hỏi ý kiến bạn đời.
- Xem thêm: Ba quy tắc vàng trong hôn nhân
Trong khi đó, đàn ông thường chi tiêu những khoản lớn hơn trước rồi sau đó mới nói chuyện với bạn đời. Thiếu trách nhiệm về vấn đề tài chính gia đình làm ảnh hưởng đến cuộc sống chung cũng là một việc làm ích kỷ. Bởi hôn nhân lành mạnh là khi vợ chồng cùng quyết định tài chính và thảo luận về thu nhập cũng như chi tiêu.
Theo chia sẻ của chuyên gia về hôn nhân Richard Fitzg Ribbon, trong bài viết có tên The Selfish Spouse/Relative: “Một bạn đời ích kỷ có thể khiến cho chồng/vợ của anh/cô ấy cảm thấy có lỗi khi hai người xảy ra mâu thuẫn. Họ không nhận trách nhiệm về những việc làm của mình nhưng đổ lỗi cho bạn đời về các khó khăn của cuộc sống chung. Thế nhưng điều quan trọng là vợ chồng nhận biết rằng không thể đổ lỗi các vấn đề hôn nhân cho một người nào cả. Bởi hôn nhân là mối quan hệ đối tác và hai người đều có trách nhiệm giống nhau đối với tình trạng của hôn nhân”.
Trong khi đó, dùng tình yêu thương để giao tiếp với bạn đời là cách vượt qua sự ích kỷ trong hôn nhân. Người ích kỷ thường cảm thấy không an toàn và có lòng tự trọng thấp. Hơn nữa, người ích kỷ có tâm lý tự vệ khi bị tấn công hay chỉ trích. Do vậy, nếu muốn nói về tính ích kỷ của bạn đời mà không làm anh/cô ấy tổn thương hay tức giận, hãy tiếp cận bạn đời bằng tình yêu thương, sự hỗ trợ để chuyển tải thông điệp của bạn đến với anh/cô ấy.
Đối phó với sự ích kỷ trong hôn nhân cần có thời gian và nhiều lần trò chuyện với bạn đời. Nếu cuộc trò chuyện không có kết quả, hãy dừng lại và cố gắng lần nữa. Chuyên gia tâm lý Brent Atkinson giải thích: “Một người ích kỷ thường đưa ra những nhận xét cá nhân, ngay cả khi họ không có chủ ý. Bạn đời có thể kết thúc cuộc trò chuyện với cảm giác bị tổn thương và trở nên phòng thủ. Lúc này hãy dừng cuộc trò chuyện, thay đổi cách thể hiện của bạn với anh/cô ấy và cố gắng lần nữa”.