Sống ở San Francisco nhưng nữ họa sĩ Mona Caron được biết đến ở nhiều thành phố trên thế giới, từ Đông sang Tây – những nơi cô đã đến để vẽ những bức tranh khổng lồ trên đường phố hay trên các tòa cao ốc. Tranh tường, tranh đường phố của Mona Caron không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn là những thông điệp xã hội – cộng đồng mạnh mẽ, kêu gọi bảo vệ môi trường sống và nguồn tài nguyên của nhân loại cũng như nhiều giá trị khác trước sự đe dọa của phát triển bằng mọi giá. Không chỉ là một nghệ sĩ tài năng, uyên bác Mona Caron còn là một nhà hoạt động xã hội không mệt mỏi.
Dự án tranh tường nổi tiếng mà Mona Caron đã sáng tác những năm qua và vẫn đang tiếp tục có tên là “Cỏ dại” (Weeds), một ẩn dụ về tính kiên cường của thứ thực vật có mặt ở khắp nơi trên trái đất chúng ta, như tác giả bày tỏ: “Chúng có thể bé xíu nhưng mọc xuyên qua bê tông. Chúng có ở khắp nơi và chưa thấy hết. Càng bị giẫm đạp, chúng càng mọc lại mạnh mẽ hơn. Đây là loạt tranh về cỏ dại ở đô thị, được tôi vẽ để tỏ lòng tôn trọng đối với sự kiên cường, bất khuất của tất cả những ai không được nhường chỗ, cũng không là một phần của kế hoạch nhưng vẫn đi đến cùng và đứng dậy. Tôi đã tìm kiếm cỏ dại trên những con đường của thành phố, gần với một bức tường nơi tôi vẽ. Khi tôi thấy một ngọn cỏ thật quả cảm mọc xuyên qua mặt đường, tôi vẽ nó thật lớn, với tỷ lệ nghịch về kích thước để gây sự chú ý và quan tâm đến nó… Cỏ dại mọc xuyên qua ngay cả bê tông cứng nhất, là sự kết nối dường như mạnh mẽ nhất liên kết lại đất với trời, tựa như cuộc sống liên kết với những giấc mơ vậy. Và điều đó xảy ra ở mọi nơi, bên lề của những gì mà chúng ta không để ý đến”.
- Xem thêm: Trở lại Paris, đi ngắm… tranh tường!
Với dự án “Cỏ dại”, Mona Caron đã vẽ những hoa cỏ tầm thường nhưng đầy màu sắc và “mọc” cao hơn cả những tòa nhà cao tầng từ Portland (bang Ohio, Mỹ) và São Paulo (Brazil) cho tới Tây Ban Nha và Đài Loan. Tại thành phố San Francisco cô đang sống, Mona Caron đã vẽ những tranh tường hoành tráng, thể hiện quá khứ, hiện tại và tương lai của một vùng đô thị rộng lớn. Cô còn thực hiện nhiều tác phẩm “khủng” ở nhiều thành phố khác của Mỹ, vẽ tranh tường tại Thụy Sĩ, tại các quốc gia Nam Mỹ Bolivia, Colombia, Ecuador vốn có những cộng đồng người thiểu số đang đấu tranh chống lại việc khai thác mỏ, bảo vệ rừng và các nguồn tài nguyên cũng như nền văn hóa bản địa lâu đời.
Trong bức tranh tường phủ kín chiều cao 50m của tòa nhà Girón ở Quito, thủ đô Ecuador, Mona Caron – với sự hợp tác của họa sĩ bản địa Raúl Ayala – đã thể hiện sáu phụ nữ thuộc một bộ tộc thiểu số ở Amazon và ba phụ nữ sống ở vùng núi Andes. Họ là những người lãnh đạo cuộc phản kháng của người thiểu số chống lại việc khai thác nhiên liệu hóa thạch và các dự án khai thác mỏ cũng như các luật về nông nghiệp của chính phủ, qua đó đe dọa chủ quyền quốc gia về lương thực đồng thời xóa bỏ nền văn hóa lâu đời của các bộ tộc.
Để vẽ được bức tranh tường cực lớn này, Mona Caron đã phải gặp gỡ, phỏng vấn, nghe những câu chuyện kể và tiến hành khảo sát trong vùng Amazon và trong một cộng đồng nhỏ người thiểu số ở dãy Andes, tham khảo các nhà hoạt động, thành viên của nhiều phong trào, tổ chức đấu tranh vì quyền sống tối thượng của người thiểu số. Chín phụ nữ trong bức tranh có tên Mujeres custodias de nuestro hábitat en peligro (Những phụ nữ giám hộ môi trường sống đang gặp nguy hiểm của chúng tôi) được chính bộ tộc của họ chọn trong các cuộc gặp gỡ với tác giả để cùng bàn bạc về ý tưởng của bức tranh tường. Tất cả những công đoạn chuẩn bị cho tác phẩm được tiến hành thật chu đáo, cẩn trọng.
- Xem thêm: Tranh tường hiện đại của Kent Twitchell
Cuối năm 2016, Liên Hiệp Quốc tổ chức một hội nghị về phát triển đô thị bền vững (Habitat3) nhưng đã cấm cửa những người bảo vệ đất đai, nguồn nước, các vụ mùa cũng như nền văn hóa bản địa lâu đời đến từ các nước Nam Mỹ. Và phần đầu tiên của bức tranh cao 50m nói trên được coi là một sự phản kháng bằng nghệ thuật đối với hội nghị và sau đó là một cuộc tuần hành của người thiểu số ở Ecuador bên dưới bức tranh dở dang khi hội nghị Habitat3 đang diễn ra. Và đến tháng 2-2018, tác phẩm Mujeres custodias de nuestro hábitat en peligro được hoàn tất, trở thành một biểu tượng của nghệ thuật tích cực (artivism) mà Mona Caron theo đuổi cùng nhiều nghệ sĩ khác, đặc biệt là David Solnit, người luôn sát cánh với cô trong các dự án nghệ thuật tích cực.
Trước đó, khi Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu diễn ra tại Paris cuối năm 2015, Mona Caron đã đến thủ đô nước Pháp để vẽ một loạt tranh và thực hiện các bích chương bằng đồ họa, nội dung đòi hỏi sự công bằng về mức độ giảm lượng khí thải nhà kính của các nước cũng như đánh động dư luận về tình trạng nóng dần lên của trái đất. Những công trình nghệ thuật tầm cỡ lớn của Mona Caron đã được thực hiện thời gian qua có thể kể:
– Dự án Mọc cao hơn (Outrowing) – bức tranh tường vẽ hoa phủ kín một mặt của tòa nhà cao 42,3m, rộng 14,2m ở thành phố Cao Hùng trên đảo Đài Loan, được cô hoàn tất cuối năm 2017. Với diện tích 600,66m2, tác phẩm này được chính quyền thành phố công bố là bức tranh tường lớn nhất châu Á.
– Trong bốn tháng cuối năm 2017, cô và các đồng sự đã hoàn tất việc phục chế bức tranh tường The Market Street Railway dài 12m chiếm trọn bức tường bên ngoài một cửa hàng ở San Francisco; công trình này cũng do cô và các bạn thực hiện trong hai năm 2003-2004.
– Tháng 7-2017: hoàn tất bức tranh tường hoành tráng tại thành phố Vigo, Tây Ban Nha với sự hỗ trợ của nghệ sĩ tranh tường nổi tiếng Liquen.
– Tháng 5-2017: thực hiện hai bức tranh tường, một ở New York, một ở Venice Beach, Los Angeles.
Còn rất nhiều tác phẩm khác cho thấy sức làm việc và đam mê của một họa sĩ nữ xinh đẹp mà với cô nghệ thuật phải ra khỏi bảo tàng, các phòng trưng bày để đi vào không gian công cộng, đến với số đông người, chia sẻ với họ cảm xúc cũng như những âu lo và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn…