Cuộc tranh luận giữa hai người bạn già (ông bố và bà mẹ) không có hồi kết.
Quan điểm của ông bạn đưa ra là, nhìn lại các cuộc cách mạng công nghiệp từ cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất; cuộc cách mạng lần hai là ứng dụng điện năng sản xuất hàng loạt; cuộc cách mạng lần ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất thì bây giờ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang dựa trên cơ sở của cuộc cách mạng lần ba, kết hợp công nghệ lại với nhau làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Từ đó yêu cầu tri thức con người cần phải nâng lên tầm cao mới bởi sẽ có nhiều chuyển biến xã hội cũng như những thành tựu từ sự kết hợp công nghệ này.
Ông mơ ước con gái ông sẽ thành công trong lĩnh vực gen mà cô đang nghiên cứu. Trong khi ông bạn thao thao bất tuyệt về những việc con gái làm trong tương lai thì bà mẹ có con trai lại nghĩ về cái lò nướng sẽ làm ra những món bánh ngon, thơm ngào ngạt trong bếp một ngày mùa đông. Lũ trẻ con đi học về, chạy ùa vào bếp, ngửi mùi thơm nồng ấm, chúng ôm lấy mẹ, vừa than rằng đói quá, vừa thơm chụt chụt vào má mẹ.
Khi bà bạn nói ra ý nghĩ của mình, ông bạn già chợt giật mình. Đúng là cả đời ông chưa một lần được hưởng cái hạnh phúc nhỏ nhoi này khi ngày xưa mẹ ông vất vả buôn bán tảo tần nuôi đàn con 10 đứa, mọi chuyện nhà giao hết cho chị bếp; trong khi đó ba ông thất cơ lỡ vận ở nhà trồng rau, nuôi gà lại thêm chứng nghiệm rượu nên ông cụ luôn bị những ánh nhìn khó chịu của bà vợ, lời bóng gió, chì chiết nghe không thiếu.
Ông lập gia đình, vợ ông mải theo đuổi sự nghiệp hết thạc sĩ nước này đến tiến sĩ nước kia. Hai đứa con một tay ông chăm từ ăn uống đến học hành, rèn luyện các kỹ năng khác. Quả tình, cả đời ông thiếu vắng hoàn toàn hình ảnh người mẹ trong gian bếp thơm nồng mùi bánh nướng một chiều mùa đông.
Thật ra, nếu làm bản tự kiểm thì bà mẹ này cũng chưa phải hoàn toàn tâm ý chuyện nhà nhưng không quá thờ ơ như vợ ông bạn. Một đời công chức, bà phải tranh thủ giờ giấc đi chợ, hay về sớm nấu cơm cho con. Tuy bếp nhà bà thiếu hẳn mùi bánh nướng nhưng dù sao các con bà cũng không đến nỗi không có những bữa cơm thơm điếc mũi mùi thịt nướng, món bún chả, bò kho, bún riêu, cà ri…, hay những bình hoa trên bàn vào ngày trọng đại của gia đình; tất nhiên thỉnh thoảng cũng có những bữa cơm chủ yếu qua loa hay mua thức ăn về nhà chẳng hạn.
Thời gian nhanh đến không ngờ, người ta thường nghĩ những bữa cơm vội vàng chỉ là tạm thời, giải quyết tình thế, nhưng có những gia đình nhìn lại mới giật mình, hầu như mấy chục năm chỉ toàn những bữa ăn nhanh, qua quýt.
Mới thấy, cho dù thời cách mạng công nghiệp 4.0, có thể nhiều những tiến bộ khoa học ra đời, từ chất xám của những ông bố, bà mẹ trên toàn thế giới thì những đứa con cũng vẫn thích những buổi chiều đi học về thấy mẹ trong gian bếp túi bụi với những món ăn mà cả nhà yêu thích. Để thấy rằng, mọi thứ trên đời này đều cần hai tiếng “hy sinh”. Một bà mẹ bận rộn tối mặt vẫn cố gắng tranh thủ vào bếp ít nhất mỗi cuối tuần để cả nhà có được bữa cơm như “đại tiệc”, đầy ắp tình yêu thương. Không cần cầu kỳ, sang trọng, đắt tiền mà đơn giản chỉ món bún chả mẹ làm, các con xúm vào quạt than, đứa pha mắm, đứa nhặt rau… Nhiêu đó thôi đã thấy gia đình rộn rã, đầm ấm thế nào!
Cho dù không ai tạo áp lực lên vai người phụ nữ, ngoài việc tham gia xã hội, kiếm ra tiền mà cần phải hiểu ở đây là sự tình nguyện vì người thương yêu. Có thương yêu, mới thổi nên hồn cho món ăn làm nên những kỷ niệm ngọt ngào cũng là hành trang cho con cái bước vào đời. Tuy nhiên, đổi lại nếu người mẹ có một sự nghiệp tốt đẹp thì đó cũng là niềm hãnh diện của những đứa con. Cuộc chơi nào cũng trả giá và chọn lựa. Quan trọng là biết chấp nhận hoàn cảnh và bổ sung thiếu sót cho nhau. Đâu phải dễ?