Từ TP. Hồ Chí Minh, sau hơn mười giờ bay với Gulf Air, chúng tôi đến phi trường Matar al-Bahrayn ad-Dowaly nằm ở phía bắc thủ đô Manama của Vương quốc Bahrain. Sân bay quốc tế này là một trong những sân bay hiện đại và náo nhiệt nhất ở vùng Vịnh, đón khoảng 6 triệu lượt khách mỗi năm.
Vương quốc Bahrain – quần đảo nằm trong vịnh Ba Tư lâu nay là điểm đến quen thuộc của du khách quốc tế, hằng năm thu hút hơn 2 triệu du khách. Bahrain có tổng diện tích chỉ 688km², nhưng được coi là một trong 15 nước hình thành nên “cái nôi của nhân loại” ở Trung Đông, khu vực có mùa đông dịu mát và mùa hè nóng, ẩm kéo dài.
Tạp chí hướng dẫn du lịch Lonely Planet mô tả Bahrain như một điểm đến hoàn hảo với những di sản Ả Rập truyền thống cùng nhiều kiến trúc hiện đại, trong đó nổi bật là nhiều công trình nghệ thuật có tuổi đời trên 1.000 năm của nền văn minh Dilmun và những danh lam thắng cảnh gắn liền với lịch sử.
Đảo quốc giàu có và hiện đại
Nhiều người Ả Rập cho rằng thời xưa từng có một thiên đường ở vùng vịnh Ba Tư. Vùng đất huyền thoại đó giờ chính là Bahrain, nơi có đến 844km bờ biển. Người Ả Rập xem Bahrain như một khu du lịch cao cấp. Họ thích đến đây để tận hưởng bầu không khí ấm áp, nghỉ ngơi trong những resort sang trọng, chiêm ngưỡng cảnh quan tự nhiên ngoạn mục hay mua sắm ở những khu chợ bán vàng có giá rẻ nhất thế giới.
Nhà cửa, phố xá ở thủ đô Manama khang trang và hiện đại với nhiều cao ốc bóng loáng. Gây được ấn tượng mạnh nhất đối với chúng tôi là sự hoành tráng của Trung tâm thương mại thế giới Bahrain, cao 240m. Đây là công trình kiến trúc đầu tiên trên thế giới có sự xuất hiện của turbin gió khổng lồ. Điểm nhấn của công trình này là ba cầu treo nối liền hai tòa tháp với ba chiếc turbin gió cực lớn, cung cấp điện cho tòa nhà. Nổi bật giữa vùng đất được biển xanh bao bọc, Trung tâm thương mại thế giới Bahrain nhìn xa như một cánh buồm no gió.
Là một quốc gia phát triển, Bahrain sở hữu cơ sở hạ tầng hiện đại nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống Ả Rập, đồng thời có cả sự pha trộn bản sắc của các quốc gia thuộc vùng Vịnh. Người Bahrain thân thiện, vui tính và luôn nồng nhiệt chào đón khách tham quan. Họ có quan niệm sống thoáng hơn so với những dân tộc khác ở các nước láng giềng. Phụ nữ ở Bahrain không bị tục lệ cấm đoán nhiều như ở các nước láng giềng nên khá tự do trong cuộc sống. Từ những năm 1930, phụ nữ Bahrain đã được quyền tham gia bầu cử.
Khoảng 2.300 năm trước Công nguyên, vùng đất Bahrain đã là một trung tâm thương mại của các đế chế. Từ thế kỷ thứ XVI đến năm 1743, vua Ba Tư Nadir Shah xâm chiếm và kiểm soát Bahrain. Sau đó, một tiểu vương ở đây đã tham gia vào một hiệp ước với Vương quốc Anh, biến Bahrain trở thành một nước bảo hộ của đế quốc Anh. Đến năm 1960, Bahrain đã tuyên bố chủ quyền và trở thành một tiểu vương quốc Ả Rập độc lập từ ngày 15-8-1971.
Trước khi ngành khai thác dầu mỏ phát triển, nghề lặn biển tìm ngọc trai và trồng chà là mang lại thu nhập chính cho người dân Bahrain. Ngành công nghiệp khai thác ngọc trai đã góp phần quan trọng vào sự thịnh vượng của vương quốc này ngay từ thập niên 1920. Nhiều người cho rằng, ngọc trai tốt nhất đều có xuất xứ từ vùng vịnh Ba Tư, đặc biệt là ở xung quanh lãnh thổ Bahrain. Năm 1980, thế giới đã chứng kiến cuộc bùng nổ dầu khí, mang lại cho Bahrain những nguồn lợi to lớn. Bahrain thay thế Beyrouth trở thành trung tâm tài chính Trung Đông. Nhiều tòa nhà, cây cầu vĩ đại cùng những hòn đảo nhân tạo liên tục mọc lên góp phần tạo nên diện mạo hiện đại, tươi đẹp cho Bahrain.
Ngay tại trung tâm Manama là Bab Al Bahrain (Cánh cổng của Bahrain), được người Anh xây dựng hồi thập niên 1940. Trước kia, công trình này được thi công phân nửa trên mặt biển, nhưng do quá trình lấn biển để mở rộng diện tích đất đai nên bây giờ, từ Bab Al Bahrain phải mất hơn chục phút đi bộ mới có thể ra được bờ biển.
Đây là nơi làm việc của các cơ quan chính phủ, văn phòng của các ngân hàng, tập đoàn tài chính, tạo thành một trung tâm kinh tế trọng điểm, náo nhiệt nhất Bahrain. Tầng trệt của tòa nhà là văn phòng thông tin du lịch và cửa hàng thủ công mỹ nghệ. Bao bọc bên ngoài tòa nhà là một dãy hành lang có vòm hình cung, tạo thành một con đường dẫn thẳng đến khu chợ trung tâm sầm uất nhất của Manama. Đến đây, chúng tôi có cảm nhận là chẳng thiếu một nhãn hiệu nổi tiếng nào. Nhưng điều làm chúng tôi thích thú chính là không khí sôi động của khu chợ trời với nhiều món đồ mỹ nghệ lưu niệm đặc sắc.
Bảo tàng Quốc gia Bahrain là một địa điểm thú vị, trưng bày toàn bộ các di tích khảo cổ được khám phá trên đảo quốc này. Al Fateh Grand Mosque là một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới, có mái vòm khổng lồ được lắp toàn bằng sợi thủy tinh, có khả năng đón tiếp hơn 7.000 tín đồ cùng một lúc. Bên trong nhà thờ còn có một thư viện quốc gia, được mở cửa đón công chúng từ năm 2006. Gần đó là cung điện hoàng gia Bahraini, dinh thự của quốc vương Bahrain Hamad ibn Isa Al Khalifah.
Thiên đường đã mất của người Dilmun
Ở vị trí chiến lược trên vịnh Ba Tư, từ xưa Bahrain nằm trong tầm ngắm của nhiều đế chế. Có lẽ vì vậy mà pháo đài là loại công trình được ưu tiên xây dựng ở đây.
Nằm ở phía bờ biển Bắc, cách trung tâm Manama khoảng sáu cây số, pháo đài Qal’at al-Bahrain hiện là một địa danh khảo cổ quan trọng của quốc gia này. Đây cũng là điểm đến lôi cuốn du khách quốc tế, đặc biệt là những người say mê khảo cổ. Pháo đài lớn nhất vùng Vịnh được xây dựng vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, trên một gò đất mà người xưa tốn nhiều công sức đắp thành. Đây không chỉ là hình ảnh biểu trưng cho nền văn minh Dilmun có niên đại hơn 5.000 năm, mà còn là nơi trao đổi hàng hóa và văn hóa quan trọng thời bấy giờ.
Sau này, nó được người Bồ Đào Nha gia cố bằng đá sa thạch. Do những giá trị văn hóa đặc biệt, Qal’at al-Bahrain được UNESCO công nhận là di tích văn hóa lịch sử thế giới từ năm 2005. Với kiến trúc sống động và hiện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, pháo đài này là điểm tham quan nổi bật nhất Bahrain. Tại đây, chúng tôi đã có dịp ngắm nhìn những công trình đá rất ấn tượng cũng như chiêm ngưỡng toàn cảnh Manama với tầm nhìn tuyệt vời nhất.
Cách Manama 25 cây số, pháo đài Riffa xinh đẹp là công trình được tiểu vương Salman Bin Ahmed Al Khalifa xây dựng vào năm 1812 hoàn toàn bằng những nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương. Nhờ vị trí chiến lược thời ấy, pháo đài này là nơi đặt bộ máy chính quyền cai trị cho đến tận năm 1869. Ngoài sân pháo đài có đặt nhiều băng ghế gỗ, là nơi tuyệt vời để du khách nghỉ chân, đưa mắt ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Hunanaiya.
Tọa lạc gần sân bay quốc tế Bahrain, pháo đài Arad được xây dựng từ thế kỷ XV trên đảo Muharraq, mang phong cách Ả Rập điển hình nhất. Pháo đài được nối với đất liền bằng những con đường đất đắp cao Sheikh Salman Isa. Theo sử sách ghi lại, pháo đài này bị Omanis sử dụng trong thời gian chiếm đóng Bahrain hồi những năm 1800 và cũng là cửa ngõ chiến lược giữa Bahrain và đảo Muharraq. Được chính quyền đánh giá là một địa danh quan trọng, pháo đài được trùng tu cách đây không lâu và luôn sáng đèn vào ban đêm nhằm giới thiệu cho du khách những nét đặc sắc nhất của nó. Hằng tuần, các buổi chiều thứ Năm và thứ Sáu thường diễn ra các chương trình âm nhạc truyền thống tại sân trước của pháo đài.
Phía nam Manama, nơi sa mạc Sakhir khô cằn, không có nguồn nước lại là một biểu tượng độc đáo khác. Thật khó có thể tưởng tượng được rằng trên nền cát nóng bỏng dưới ánh nắng chói chang lại tồn tại một cây trơ trọi cao hàng chục mét mà cành lá xanh tươi, phủ bóng râm trên mặt đất. Nghe nói cây có tuổi đời khoảng 400 năm. Bí ẩn về sự sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt đã khiến cây này trở thành một huyền thoại và được đặt tên là “cây cuộc sống”. Cư dân địa phương tin rằng đây thực sự là nơi tọa lạc vườn địa đàng và điều đó khiến hằng năm có tới khoảng 50 ngàn lượt du khách đến tham quan.
Chuyến thăm Bahrain cho chúng tôi một nhận xét thống nhất rằng chính sự hòa hợp giữa hạ tầng hiện đại, một xã hội khá tự do cùng với lịch sử phong phú đã giúp cho đảo quốc này trở thành một nơi lý tưởng để khám phá.