Tiến sĩ Zack Carter, giáo sư về giao tiếp truyền thông tại Taylor University (Indiana, Mỹ) đã tiến hành những nghiên cứu về hành vi giao tiếp qua tin nhắn trên mạng (chat) với “người không phải là vợ hoặc chồng”. Một vấn đề được phát hiện xuyên suốt qua các cuộc nghiên cứu này là cảm giác “an toàn ảo” khi một người đã kết hôn giao tiếp qua tin nhắn trực tuyến với người khác giới. Vậy đâu là những lý do tạo nên cảm giác an toàn ảo này?
“Chỉ là vài từ, vài câu trên màn hình thì làm sao ảnh hưởng đến quan hệ/hôn nhân của tôi được!”. Nhiều người nêu ra lý lẽ như thế. Có một ảo tưởng là mọi thứ xảy ra qua phương tiện kỹ thuật số chỉ là “ảo” và truyền thông qua mạng sẽ không mang lại hậu quả nào cho đời thực.
Thứ hai, mọi người thường tự biện hộ cho hành vi của mình: “Vợ tôi không mang lại điều tôi cần về mặt tình dục, vì thế, trò chuyện liên quan đến tình dục qua Facebook giúp tôi thấy thỏa mãn”. Hơn nữa, lời lẽ hay hình ảnh trên tài khoản xã hội của ai đó thường truyền tải một cuộc sống đáng mơ ước hơn đời thật và cuộc sống thực của các “nhân vật” có thể không giống như những tin nhắn mà họ gửi cho nhau.
Hoặc những người này đang nhìn vào xung quanh để tự trấn an: “Mọi người mà tôi biết, cả em trai tôi và bạn thân tôi đều có gửi tin nhắn qua mạng xã hội cho người khác giới, nhưng gia đình họ vẫn yên ổn đó chứ”.
Thực tế thì sao? Nhiều vụ ly dị tại các tòa án địa phương ở Mỹ đã đề cập đến từ “Facebook” trong hồ sơ (tại nhiều nơi, con số này lên đến 75%). Theo ghi nhận, những chủ đề nhỏ nhặt, bình thường được bắt đầu từ Facebook đã nhanh chóng chuyển sang những chuyện buồn khổ hay khó khăn trong hôn nhân. Để rồi mọi chuyện thậm chí đi xa hơn. Chuyện tâm sự hay phó thác về mặt cảm xúc dần xảy ra. Khi đó, sự bất mãn, không hài lòng với người bạn đời trở thành chủ đề chính và sau cùng, những cuộc trao đổi này sẽ bao gồm cả yếu tố tình dục.
Trong đa số các trường hợp, người vợ hoặc chồng thoạt đầu trở nên xa cách về mặt cảm xúc trong quan hệ hôn nhân bởi vì mối quan hệ mà họ hình thành qua trò chuyện trên mạng có thể khiến họ không bao giờ khôi phục được những cảm xúc thật dành cho người bạn đời.
Vài hướng dẫn thực tế sau đây có thể giúp mọi người tránh khỏi tình trạng “trượt quá dài” trong “quan hệ ảo”.
Tránh xa cạm bẫy và xây dựng nguyên tắc giao tiếp qua mạng. Nên tránh kết bạn hoặc theo dõi những người mà bạn đã từng hẹn hò, hoặc từng thích (hay ở chiều ngược lại), hoặc ai đó có khả năng trở thành “một sự cám dỗ chết người”. Điều này yêu cầu bạn cần đối thoại trung thực với chính mình. Nếu bạn đã kết bạn với một người như thế trên mạng xã hội, nên cân nhắc “bỏ theo dõi” họ. Những bước ngăn ngừa như thế là nhằm bảo vệ quan hệ hôn nhân của bạn và nên được xem là ưu tiên. Bạn có thể rất giỏi tự kiểm soát, nhưng mục tiêu của hôn nhân không phải là để thử thách “khả năng tiến gần đến bờ vực của sự ngoại tình mà không vấp ngã”.
Áp dụng những biện pháp ngăn ngừa từ thói quen sử dụng mạng xã hội sẽ giúp bạn bảo vệ mối quan hệ của mình một cách triệt để hơn. Bạn cũng nên trò chuyện với vợ/chồng về cách thức giao tiếp trên mạng phù hợp với người khác giới, điều này giúp tạo nên bầu không khí “rõ ràng, minh bạch”. Giao tiếp với người khác giới qua mạng xã hội nên ngắn gọn, không bao giờ nên có những nội dung trao đổi hay hình ảnh liên quan đến cảm xúc hay tình dục.
Kiểm tra tình cảm của bạn. Cũng nên ý thức rằng bạn có thể đã xa cách về mặt cảm xúc trong quan hệ hôn nhân của mình trước cả khi bắt đầu “quan hệ ảo” qua mạng. Chuyện này đơn giản chỉ là dùng hình ảnh Instagram của ai đó để đáp ứng những ước muốn trong tưởng tượng của bạn mà thôi (và thường là sẽ khuyến khích trò chuyện riêng tư sau đó).
Điều quan trọng là bạn cần sớm nhận ra những hệ lụy sẽ xảy ra từ mạng xã hội và có thể gây tổn hại cho quan hệ hôn nhân. Truyền thông mạng xã hội cần được ứng xử với sự cẩn trọng và định hướng có chủ đích rõ ràng.
– Theo Psychology Today