Với tên gọi “Hãy làm tôi kinh ngạc” (Take my breath away), một lần nữa tên tuổi của nghệ sĩ gốc Việt Danh Võ lại tỏa sáng trên vòm trời nghệ thuật thế giới khi triển lãm lần thứ hai của anh tại Bảo tàng Solomon R. Guggenheim được tổ chức thật hoành tráng. Là một trong những bảo tàng quan trọng nhất ở New York, bản thân tòa nhà Guggenheim đã là một tác phẩm kiến trúc đặc sắc – một trong những cao ốc nổi tiếng nhất thế giới, do kiến trúc sư Frank Lloyd Wright thiết kế. Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 9-5-2018.
Thật khó gọi đúng danh hiệu đứng trước cái tên Danh Võ. “Nghệ sĩ” thật ra cũng không hoàn toàn chính xác. Khi làm các triển lãm, anh không hẳn đã vẽ, cũng không là người tạo nên những đồ vật nguyên bản. Danh Võ là kẻ “săn bắn – hái lượm” đương đại, người chuyên đi sưu tầm, thu thập và có khi sửa đổi, biến đổi những đồ vật do con người tạo tác, các loại vật dụng; đồ nội thất; đồ đạc cũ bị loại bỏ, đưa ra đấu giá; các vật kỷ niệm; hình ảnh và tư liệu mà lịch sử của chúng phản ánh các lĩnh vực trong câu chuyện kể bằng hình ảnh, đồ vật của Danh Võ, qua đó thể hiện các đan xen giữa nghệ thuật với lịch sử toàn cầu và những ghi nhớ cá nhân của người nghệ sĩ. Cách nào đó, các triển lãm cũng là các câu chuyện kể của Danh Võ nằm đâu đó giữa nghệ thuật ý niệm(1) (conceptual art) và trình diễn (performance), hai lĩnh vực của nghệ thuật đương đại. Có nhà phê bình còn coi đó là sự tổng hòa của trình diễn và thơ ca.
Lấy một ví dụ cụ thể, cũng là hoạt động nghệ thuật gây ấn tượng bậc nhất của Danh Võ, khiến tên tuổi anh được biết khắp thế giới. Đó là vào những năm 2011-2013, khi Danh Võ thực hiện tác phẩm We the people(2) (Chúng tôi, nhân dân) gồm hơn 250 mảng đồng, được đúc bằng kích thước và đúng theo mẫu tượng Nữ thần Tự Do ở New York, tác phẩm của nhà điêu khắc nổi tiếng người Pháp Frédéric-Auguste Bartholdi (1834-1904), được nước Pháp dùng làm quà tặng nhân dân Hoa Kỳ vào năm 1886. Tuy nhiên, mục đích của dự án nghệ thuật khổng lồ này không nhằm làm lại một tượng mới y cỡ mà tái tạo những mảnh rời, sao cho có thể đem đến trưng bày ở thật nhiều nơi trên thế giới, tại các bảo tàng và nhiều địa điểm triển lãm ngoài trời. Những mảnh rời đó hàm chứa biểu tượng của tự do được đưa đến với khắp nơi, mặt khác chúng vẫn thể hiện ở mức cao nhất tính chất trừu tượng của khái niệm tự do. Nói cách khác We the people đặt câu hỏi về chủ đề tự do, dù nó có cần thiết hay không đối với quyền con người của bất kỳ ai. Bức tượng có tên chính thức là Tự do soi sáng thế giới được đặt trên đảo Liberty ở gần cảng New York trong nhiều năm còn trở thành điểm mốc đối với bao thế hệ di dân đến nước Mỹ: đất Hứa.
Đất Hứa (Promise land) cũng là tên một tác phẩm của Danh Võ, được thực hiện năm 2013. Đó là những thùng giấy đã qua sử dụng, thường được dùng để vận chuyển bia, ngũ cốc hay sữa đặc; Danh Võ đã mạ vàng logo và chữ trên thùng giấy đó, chúng còn được điểm trang và làm đẹp bằng những từ được viết theo kiểu Fraktur, một phông chữ cổ thường được dùng để viết tiếng La-tinh mà cha anh, một người viết chữ rất đẹp cũng là người cộng tác thường xuyên với anh trong nhiều dự án nghệ thuật, đã viết bên trong thùng. Đất Hứa cùng nhiều tác phẩm của Danh Võ thường xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân của chính anh, từ khi còn là một đứa trẻ lên bốn đã phải cùng gia đình rời quê nhà trên một con tàu lênh đênh trên biển nhiều ngày trước khi đến định cư tại Đan Mạch. Chẳng hạn Oma totem (Vật tổ của bà), tác phẩm của Danh Võ ở tuổi 30 (2009) cũng là bước khởi đầu của sự thăng tiến nhanh chóng của anh vào thế giới nghệ thuật. Đó là một sắp đặt-điêu khắc, được thực hiện từ những vật dụng mà bà nội của anh được nhận từ các tổ chức từ thiện khi bà đến định cư ở Đức: một máy giặt – sấy, một tủ lạnh nhỏ, một tivi, kết hợp với một thánh giá bằng gỗ. Oma totem là chứng thực của các giá trị phương Tây, nó còn nhắc nhớ hình mẫu kiến trúc một tháp giáo đường đạo Thiên chúa, tôn giáo của gia đình Danh Võ.
Nhiều tác phẩm khác của Danh Võ liên hệ tới số phận của các nước-không-phải-phương Tây, những gì mà các quốc gia đó phải hứng chịu trong quá khứ và ngay cả ngày nay: ban đầu là sự phát triển của các hội đoàn truyền giáo, kế đến là thực dân hóa, chiếm đóng bằng quân sự và bóc lột kinh tế. Có những vật dụng, biểu tượng gợi nhớ đến quá khứ xa và gần. Trong một tác phẩm đang được trưng bày tại Bảo tàng Guggenheim cùng với những We the people, Promise land, Oma totem… có một thanh kiếm thế kỷ XIV, từng được dùng trong cuộc Thập tự chinh của phương Tây. Một hiện vật khác là ba chiếc đèn chùm được làm từ thế kỷ XIX và từng được treo trong phòng họp tại Khách sạn Majestic ở Paris, nơi đã diễn ra trong suốt năm năm các cuộc họp của Hội nghị Paris bàn về hòa bình tại Việt Nam…
Hơn 100 đồ vật như thế của triển lãm “Hãy làm tôi kinh ngạc” được đặt rải rác trong khu triển lãm rộng lớn của Bảo tàng Guggenheim dẫn dắt người xem đi vào thế giới nghệ thuật đầy tính ẩn dụ của Danh Võ, từ khi chàng trai quốc tịch Đan Mạch Võ Rosasco Rasmussen bắt đầu đến với nghệ thuật ý niệm vào năm 2003 cho đến hôm nay, khi anh đã trở thành một ngôi sao quốc tế.
(1) Trào lưu Nghệ thuật ý niệm là một trong những trào lưu quan trọng nhất của nghệ thuật hậu hiện đại; theo các nhà khai sáng trào lưu này thì ý tưởng dùng để tạo nên ý niệm là khía cạnh quan trọng nhất của tác phẩm. Đối với một nghệ sĩ sử dụng hình thái nghệ thuật ý niệm, việc lên kế hoạch cũng như mọi quyết định cho tác phẩm đều phải được hoàn thành sẵn từ trước, còn việc thực hiện chỉ là thứ yếu; ý tưởng trở nên một cái máy sản xuất nghệ thuật
(2) Cụm từ “We the people” có trong lời mở đầu (preamble) của Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787: “Chúng tôi, nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ… quyết định xây dựng Hiến pháp này cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” (“We the people of the United States… do ordain and establish this Constitution for the United States of America”)
Đã có nhiều triển lãm cá nhân tại các bảo tàng và phòng triển lãm danh giá như Musée d’Art Moderne (Paris), Accademia di Francia (Roma), Renaissance Society of Chicago, National Gallery of Denmark (Copenhagen), Kunsthaus Bregenz, Kunsthalle Friedericianum (Kassel), Kunsthalle (Basel), Stedelijk Museum (Amsterdam). Năm 2012, Danh Võ đoạt giải thưởng Hugo Boss trị giá 100.000 USD, đi cùng giải thưởng này là một triển lãm tại Bảo tàng Guggenheim ở New York vào tháng 3-2013.