Theo một cuộc khảo sát được hãng luật Slater and Gordon thực hiện, dựa trên việc phỏng vấn và phân tích hành vi của 2.000 cặp vợ chồng ngẫu nhiên trên toàn thế giới, thì 14% cho rằng họ nhìn thấy biểu hiện ngoại tình ở bạn đời thông qua mạng xã hội. Gần 25% (trong số 2.000 người) có ít nhất một lần mỗi tuần cãi vã với bạn đời về những vấn đề liên quan tới mạng xã hội; trong bảy người thì có một người cân nhắc việc ly dị vì những vấn đề liên quan tới mạng xã hội.
Andrew Newbury, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết thêm, vào thời điểm năm 2005, Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung gần như không được nhắc đến trong các cuộc ly dị. Thế nhưng hiện tại, Facebook đã là một lý do thường xuyên mà các luật sư nhận được. Cụ thể ở Mỹ, 81% luật sư thừa nhận, mạng xã hội là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng ly hôn (theo American Academy of Matrimonial Lawyers).
Và dưới đây là ba tác động lớn nhất của mạng xã hội tới các cặp đôi, gồm những gì chúng ta đăng tải, những gì chúng ta xem và những gì chúng ta nhắn với nhau.
Những gì chúng ta xem chỉ là trò lừa của mắt
Zack Carter, tiến sĩ tâm lý học, hiện giảng dạy tại Taylor’s University cho biết, trong giao tiếp thông thường, mắt của chúng ta đóng vai trò là một bộ phận tiếp nhận thông tin. Theo đó, mắt quan sát nhiều khía cạnh của đối tượng để đánh giá, điều chỉnh sự tương tác và hướng tới các mục tiêu khác nhau trong cuộc nói chuyện.
Tuy nhiên, với mạng xã hội, mắt chúng ta bị hạn chế tương tác. Khi chúng ta xem một tấm ảnh, một đoạn video hay đọc một dòng bình luận trên mạng xã hội, việc trao đổi sẽ thành một chiều và chúng ta hoàn toàn có cơ hội để tự do hóa trải nghiệm của mình, cá nhân hóa thông tin về mức độ “nhạy cảm” của các bức ảnh, dòng trạng thái, để rồi tạo ra những suy nghĩ, phán đoán thiếu cơ sở.
Việc thường xuyên xem hình ảnh của bạn bè trên mạng xã hội có thể làm tăng sự so sánh xã hội lên bản thân chúng ta. Chúng ta sẽ so sánh vợ, chồng mình với vợ, chồng của người khác, hoặc gia đình của mình với gia đình họ. Điều tồi tệ của việc so sánh này là những gì chúng ta có luôn tệ hơn những gì chúng ta thấy. Về lâu dài, có thể khiến cảm xúc của bạn với đối tác bị ảnh hưởng, khiến bạn tách khỏi vợ/chồng của mình.
“Dù trước đây bạn có ấn tượng tốt với chồng mình, vì anh ta là tiêu chuẩn tốt nhất của bạn về sự lãng mạn và tình yêu, thì theo thời gian, anh ta cũng dần trở nên thấp kém và chứa đầy những thói hư tật xấu đáng phê phán khi so sánh với tấm hình của người đồng nghiệp đang hôn vợ anh ta trên bãi biển lúc hoàng hôn” – Zack Carter kết luận.
Những điều chúng ta đăng chỉ để thu về sự công nhận xã hội
Một trong những thứ tạo ra thành công của Facebook, Snapchat, Twitter… là tạo ra một nhu cầu trong mỗi chúng ta về sự công nhận xã hội. Chúng ta cảm thấy mình được quan tâm, theo dõi, được trở nên đặc biệt khi tham gia mạng xã hội.
Tristan Harris, cựu giám đốc sản xuất của Google cho biết, khi bạn thay đổi hình đại diện trên Facebook chẳng hạn, mạng xã hội này sẽ biết rằng đây là thời điểm chúng ta nhạy cảm với sự công nhận từ xã hội, rằng “Không biết mọi người sẽ nghĩ sao về bức ảnh mới này?”. Từ đây, Facebook sẽ ưu tiên đưa tấm ảnh của bạn lên dòng đầu tiên trên NewsFeed (cột nội dung chính của Facebook) của những người trong danh sách bạn bè của bạn, mục đích là để họ tương tác với tấm ảnh, giúp bạn thỏa mãn sự công nhận xã hội này. Cứ thế, mỗi lần có lượt thích hay bình luận mới, bạn lại phải vào Facebook để kiểm tra tình hình.
Hệ quả của việc chạy theo sự công nhận xã hội này là chúng ta dần thay đổi mình, không phải theo chiều hướng hoàn thiện bản thân như cách chúng ta mong muốn, mà là theo cách mọi người xung quanh nhìn nhận và đánh giá.
Có một câu chuyện khá thú vị về tác động của sự công nhận xã hội: chàng trai kia mua một chiếc xe hơi thể thao tặng cô bạn gái giản dị, hòa đồng của mình. Hãnh diện vì món quà, cô gái lái chiếc xe đi khắp nơi. Thế nhưng từ đây, bạn bè, gia đình, mọi người xung quanh cho rằng cô đã thay đổi. Họ nói cô sành điệu hơn, chịu chơi hơn và khó gần hơn. Cô gái bị tác động vì những điều này, rồi cô nhận ra họ nói đúng. Cô dần thay đổi theo những gì họ nói. Cuối cùng, cô mất đi hứng thú với người yêu của mình, và anh cũng không còn thấy những ưu điểm khi xưa ở cô nữa. Họ chia tay nhau.
Chúng ta đang cố ẩn mình sau những tin nhắn
Nhắn tin là một trong những tiện ích nhanh, rẻ và hữu dụng nhất mà mạng xã hội mang lại. Nó giúp chúng ta chuyển đi lượng lớn thông tin khá hữu ích. Tuy nhiên ngày nay, đa số chúng ta sử dụng tin nhắn một cách quá đà, thậm chí với mục đích để bảo trì mối quan hệ, giải quyết xung đột hay thổ lộ cảm xúc đặc biệt của bản thân.
Theo Zack Carter, việc nhắn tin hoàn toàn chỉ thúc đẩy ảo ảnh về sự gần gũi. Nếu gọi điện ít nhất cũng giúp chúng ta điều chỉnh mọi thứ thông qua cảm xúc trong giọng nói của nhau, thì nhắn tin gần như thiếu mọi kết nối cảm xúc. Bởi khi giao tiếp, chúng ta chia sẻ không chỉ thông tin, mà còn là cảm xúc, suy nghĩ trên nét mặt, giọng nói, cử chỉ… Việc chia sẻ này cũng giống như bóc từng lớp một củ hành, phải thật thoải mái, kiên nhẫn để giúp những người đối thoại tạo được sự kết nối. Tuy nhiên khi tin nhắn văn bản thế vào vị trí này, nó sẽ làm giảm nỗ lực kết nối. Mọi thứ chỉ còn là thông tin, khô cứng và đơn điệu.
“Một cặp đôi không thể giải quyết những rắc rối khi nói chuyện trực tiếp thì không bao giờ có thể giải quyết chúng thông qua tin nhắn. Tôi đã thấy vô số cặp đôi mất đi sự kết nối cần thiết chỉ bởi những tin nhắn khô cứng. Ví dụ khi người chồng hỏi “vợ đã ăn cơm chưa?” và nhận được một tin nhắn cụt lủn là “rồi”, anh ta sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu. Bởi nó cộc lốc và không có chút nào cảm xúc trong đó. Nhưng nếu anh ta thấy cô vợ mệt mỏi vì bệnh và đang nằm bẹp ở nhà, mọi thứ sẽ khác. Do đó, hãy nhớ rằng hôn nhân và tình yêu là sự kết nối của hai con người, khi sự kết nối ấy bị gián đoạn, mọi thứ sẽ sớm sụp đổ” – Zack Carter kết luận.