Trong cơ cấu ngôi nhà truyền thống Việt, sau bộ cửa chính là mở vào không gian để tiếp khách. Suốt thời gian dài, điều này gần như mặc định về cấu trúc, thứ tự không gian trong cả loại hình nhà phố lẫn căn hộ chung cư. Tuy nhiên, với những ai tiếp xúc với kiến trúc Tây phương hoặc các căn hộ kiểu hiện đại gần đây sẽ thấy thứ tự này đã khác biệt, biến đổi rồi. Từ bộ cửa chính đến chỗ tiếp khách xa hay gần, nối kết ra sao, ngăn chia thế nào cho hợp phong thủy nhà ở và các biến đổi không gian theo kịp sinh hoạt của thời hiện đại thì cần xem xét thêm nhiều khía cạnh.
Nhìn lại truyền thống, ngó qua hiện đại
Đặc trưng ngôi nhà ba gian – năm gian của nước ta rất hợp thủy thổ nhiệt đới và mang tính văn hóa rõ nét. Thứ nhất là không gian kết nối liên tục, không bị chia cắt kiểu phân phòng hiện đại, tất cả đều sinh hoạt chung và riêng dưới một mái nhà thống nhất. Thứ nhì là tổ chức hình khối gọn ghẽ rõ ràng, hướng nhà và hướng cửa đều là một (không phải như một số nhà hiện đại có kiểu nhà nhìn một hướng và cửa xoay qua hướng khác). Nếu có phát triển thêm thì làm các chái nhà hay dãy nhà phụ, ít cơi nới làm méo mó ngôi nhà gốc. Thứ ba, về phong thủy và lựa chọn trang trí khá phong phú cũng trong một không gian đơn trạch nhất quán như vậy, hay gọi theo kiểu hiện đại là open space, không gian liên thông, cởi mở.
Như vậy, trong cấu trúc truyền thống, việc tiếp sau bộ cửa chính nối liền vào khu vực tiếp khách trang trọng (có thể đặt bàn thờ gia tiên) là điều hiển nhiên, nhất quán và hợp lý. Tiền nhân bố trí chỗ tiếp khách trang trọng ngay sau bộ cửa chính để khách – chủ có thể cùng cảm nhận cảnh sắc bên ngoài và lễ tiết bên trong. Bộ bàn ghế tiếp khách tiếp nối không gian bàn thờ trở thành một ký hiệu quen thuộc của đại đa số gia đình, khi chuyển dần từ quê ra phố, dần dần không còn phù hợp với không gian hiện đại đa năng nữa. Vị trí bàn thờ, phòng thờ thời hiện đại cũng biến chuyển, đưa lên tầng cao hoặc có phòng riêng biệt nên bước chân vào nhà chỉ gặp các khoảng chuyến tiếp, không gian đệm. Với kiểu nhà phố dài hẹp và kiểu căn hộ chung cư mặt bằng đa hình thì thứ tự tiếp nối từ cửa chính đến chỗ tiếp khách hầu như không còn kế thừa được nữa. Đó là vì các nguyên nhân sau:
– Từ ngoài đường bước vào trong nhà phố đại đa số gia đình dùng làm nơi để xe (xe hơi hay xe máy). Nếu có kết hợp kinh doanh ở phía trước thì hầu như… không còn phòng khách nữa.
– Trục giao thông nhà phố theo chiều dọc và lệch về một bên nên cũng không giữ tính đối xứng theo trục trang nghiêm, cũng như có tình trạng Sơn Xuyên, đi qua chỗ tiếp khách.
– Phòng khách nhiều nhà còn kiêm chức năng kinh doanh, buôn bán hay dịch vụ nên không gian tiếp khách kiểu truyền thống ngày càng có xu hướng xa bộ cửa chính, bị di dời ra phía sau hoặc lên lầu.
– Tính chất sinh hoạt gia đình thời xã hội hiện đại thay đổi, gia chủ ít khi mời khách về nhà (căn hộ) riêng nên phòng khách nhiều gia đình trở thành phòng sinh hoạt mang tính nội bộ.
Tiếp khách: ở đây, ở kia và ở mọi nơi!
Tiếp khách tại nhà hiện nay là một hoạt động đa dạng, thậm chí song hành nhiều quan niệm trái ngược. Người này thích góc tiếp khách nhỏ gọn, đơn giản, nhưng người khác lại thường xuyên trưng bày, sắp xếp phòng khách sao cho hoành tráng để giao đãi thoải mái. Rồi khách của con khác khách của cha mẹ, khách sơ giao khác khách thân tình… cho nên ở nhiều nhà không gian tiếp khách không còn bó hẹp trong mười mấy mét vuông nội thất, mà có thể lan tỏa ra hiên trước, sân sau, giếng trời, sân thượng… hay thậm chí một chòi nghỉ riêng biệt giữa vườn tược. Điều này ngỡ như làm “rối” không gian hiện đại, thực chất về phong thủy lại hợp với tinh thần linh hoạt, giao hòa Âm Dương của Dịch học.
Ngôi nhà hiện đại không nhiều diện tích nên luôn cần bổ sung khoảng trống kết nối trong ngoài thông qua cách mở cửa, bố trí công năng linh động. Những không gian Thuần Âm (do ít tiếp xúc được với môi trường bên ngoài) hay Thuần Dương (do dùng vào mục đích kinh doanh, giao tiếp nên thường xuyên va chạm) đều cần có khoảng trống, khoảng đệm, để cân bằng lại Âm Dương. Việc bố trí tiếp khách tại khoảng trống linh hoạt chính là cách khai thác không gian, kết nối nguồn khí hiệu quả.
Trong cuốn Đạo đức kinh, hình ảnh bộ cửa (môn) được Lão Tử nhắc đến nhiều lần để chỉ chỗ vào ra – biến hóa – tiêu trưởng của vạn vật trong vũ trụ. Cách mở cửa và không gian kề cận cửa cũng thể hiện cấu trúc đón nhận hay khép kín, nối kết đan xen lấy tư tưởng giao hòa thiên nhiên của triết học Đông phương làm chủ đạo. Phong thủy nhà xưa luôn thể hiện tư tưởng đó, với lối bố cục phân tán các khu chức năng sao cho lẩn khuất, xen kẽ vào thiên nhiên, tận dụng tối đa các khoảng trống để bố trí sân trong, hành lang hay khoảng sắp đặt cây xanh. Do vậy khi ghé thăm nhà kiểu xưa, ta thấy tuy đóng khung cấu trúc nhưng lại cởi mở về mặt tiếp đón, tùy mức độ thân tình hay không mà khách có thể được tiếp tại phía trước hay phía sau, trang trọng lễ nghi nơi bộ bàn cao ghế tựa, hay thân mật chân tình nơi bộ tràng kỷ, chõng tre. Dĩ nhiên để cân bằng Âm Dương, phần tiếp xúc trực tiếp thiên nhiên chủ yếu dành cho các hoạt động vào ban ngày, vốn mang tính Dương và Động, kề cận với mặt nước (Âm – Thủy) và cây xanh, như bàn tiếp khách, ghế thư giãn. Thủ pháp đan xen còn có thể áp dụng khi nhà có tiếp xúc với cây xanh mặt ngoài, có thể “vay mượn” khoảng thoáng đãng và thiên nhiên bên ngoài đưa vào nhà qua cách mở cửa nhìn ra, sử dụng vật liệu nguồn gốc thiên nhiên như gạch, đá, gỗ…
Ngoài ra, cả thời xưa lẫn thời nay đều đề cao những khoảng ban công, vườn nhỏ trên mái có khoảng lùi để nhìn ngắm cũng là các vị trí tiếp khách có kết nối Thiên – Địa – Nhân rất tốt mà trong điều kiện đô thị chật hẹp luôn cần chủ động tạo ra tùy vào hoàn cảnh mỗi nhà.
Xử lý linh hoạt theo loại nhà
Rõ ràng là việc xử lý mặt bằng tự do hơn kiểu bám trục truyền thống, yếu tố về giao tiếp biến đổi, môi trường thiên nhiên ngày càng khan hiếm, không gian đô thị ngày càng ô nhiễm, ồn ào… là những yếu tố góp phần “đẩy” khu tiếp khách xa rời bộ cửa chính và mở ra những khả năng bài trí không gian tiếp khách linh hoạt, cân bằng Âm Dương hơn. Có thể xét trong ba loại hình cư trú phổ biến hiện nay để thấy xử lý phong thủy tương ứng nội thất:
– Loại nhà phố rộng, biệt thự có sân vườn: thứ tự cửa chính – phòng khách được giữ lại nhiều nhất, bởi nhà xe và lối đi Sơn Xuyên đã được giải quyết qua một bên, nhà đủ rộng để làm sảnh đệm. Phòng khách trang trọng có vị thế và đủ rộng, chỉ còn gia giảm một số khoảng tiếp khách thân mật nằm tại những vùng Trường Khí chuyển tiếp, không quá thiên về Âm hay Dương, đóng vai trò “giảm tải” cho không gian phòng khách chính. Nhất là vào những dịp lễ tết nhiều người tập trung, hoặc khi có khách thân mà cả chủ lẫn khách đều không cần phải ngồi ngoài nơi trịnh trọng, như bàn ăn, sân trong hay góc sinh hoạt đa năng. Với gia đình có nhiều thế hệ chung sống, việc có thêm khoảng tiếp khách phụ, tiếp khách tạm là rất cần thiết để tăng sự thoải mái, chủ động và ít ảnh hưởng lẫn nhau.
– Loại nhà phố hình ống, không gian từ ngoài vào trong xuyên qua nhau: thông thường phòng khách cũng nhỏ theo và bị kiêm thêm các chức năng từ để xe, kinh doanh cho đến sinh hoạt, xem tivi, thậm chí ăn cơm. Để tránh Trường Khí lẫn lộn, va chạm, giải pháp phong thủy dùng bình phong được khuyên dùng. Và hợp lý hơn cả là xử lý không gian tiếp khách tương ứng lớp không gian công năng, ví dụ như nhà có kinh doanh hoặc làm chỗ để xe phía trước thì chỉ có bộ bàn ghế nhỏ tiếp khách sơ. Hoặc nhà có người cao tuổi ở dưới trệt thì đưa khoảng tiếp khách ra sân giữa, sân sau cho tiện đi lại. Dạng phòng khách trang trọng ở nhà phố nhỏ có thể đưa hẳn lên lửng, lên lầu, tiếp cận mảng xanh bên ngoài hoặc giữa nhà… tốt hơn, thay vì chung đụng với các chức năng khác và bị giao thông xuyên cắt.
– Loại căn hộ chung cư: dù cơ cấu mặt bằng phong phú thì dễ thấy phòng khách càng xa cửa chính càng tiện dụng hơn. Không chỉ thêm lợi thế tầm nhìn ra ngoài, nơi tiếp khách kiêm sinh hoạt chung trong cơ cấu căn hộ hiện nay là khu vực kết nối khí quan trọng giữa trong và ngoài, giữa các phòng ốc nội bộ và không gian giao thông. Việc dùng thêm tủ kệ liên hoàn, điểm xuyết kính thủy (gương soi) tại những chỗ hẹp và mang tính đối ngoại vừa có thể giúp ngăn chặn luồng Hung Khí từ ngoài vào, đồng thời tạo cảm giác nới căn hộ rộng ra.
Điều cốt lõi về phong thủy tại nơi tiếp khách dù là nhà xưa hay nhà nay đều ở việc tạo góc giao tiếp đủ ấm cúng và không đơn điệu gò bó, thông qua cách xếp đặt vị thế khách – chủ và lưu tâm đến điểm nhìn. Nhiều khi cũng vẫn một vị trí ngồi nhưng biết khéo léo hướng tầm nhìn (ra hay vào) những góc đẹp, các chi tiết trang trí và có thể thay đổi đồ đạc một cách linh hoạt thì sẽ đem đến sự thú vị và thể hiện lòng hiếu khách của gia chủ. Khi không có khách, đó cũng là những điểm sinh hoạt thoải mái, gia tăng sinh khí cho mỗi gia đình.
- Ảnh Xuân Trang