Không ít người trẻ tuổi hiện nay đầu tư vào bất động sản hay trực tiếp tham gia thiết kế, thi công và làm chủ đầu tư cho chính tổ ấm của mình. Thế hệ 8X, 9X này khá linh hoạt trong việc tìm kiếm thông tin, muốn khẳng định tính cách và có thái độ “săm soi” về phong thủy. Tùy hứng, ít ràng buộc, chưa nhiều trải nghiệm, tự tin và muốn khẳng định bản thân… là nhiều sắc thái biểu hiện khác nhau của giới trẻ khi làm nhà. Vấn đề đặt ra ở đây là nhận thức và giải pháp để ngôi nhà mang cá tính riêng, hiện đại mà vẫn đảm bảo phong thủy tốt một cách khoa học?
Các chủ nhân trẻ tuổi có thể đã tiếp xúc với thế hệ đi trước, những người từng làm nhà theo lối “đi coi thầy” để sắp xếp phong thủy. Kết quả là không ít nhà làm kiểu đó thường mang dáng vẻ chung khá hoài cổ, trang trí cầu kỳ… Hoặc trong bài trí nội thất thì mới chỉ dừng lại ở việc trưng bày vật phẩm phong thủy, lạm dụng các hình thức trang trí mà đôi chỗ nhuốm màu mê tín. Điều này khó chấp nhận với một bộ phận những người trẻ tuổi ở cực ngược lại: khi có cơ hội tự thiết kế hay làm chủ đầu tư công trình của chính mình, họ thường xem phong thủy như một hình thức mê tín, nói cách khác là rào cản, phi lý và không mang lại ích lợi gì.
Kế thừa truyền thống một cách khoa học
Nhưng cũng nhiều người trẻ nhờ tiếp xúc rộng, hiểu biết sâu và đủ trải nghiệm đã nhận ra rằng: khi nhà chuyên môn đủ hiểu biết và có bản lĩnh nghề nghiệp thì việc thiết kế hài hòa phong thủy một cách khoa học và hiện đại chính là quan điểm thiết kế kiến trúc bền vững, tiết kiệm năng lượng, giảm xâm hại môi trường… đang là xu thế tất yếu trên toàn thế giới. Không kể Trung Quốc vốn xưa nay sùng bái phong thủy, tại Singapore, Hongkong, thậm chí cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… hầu hết các công trình lớn nhỏ đều có sự tham gia của chuyên gia phong thủy ở mọi công đoạn một cách hiển nhiên. Tất nhiên kiến trúc sư chủ trì phải “xâu chuỗi” được toàn bộ dữ liệu để cho ra sản phẩm sau cùng đáp ứng được ý muốn của chủ đầu tư mà không nhuốm màu sắc thần bí hay lệ thuộc vào kiểu thức trang trí cổ xưa.
Vì vậy, để có “ngôi nhà mang cá tính riêng, hiện đại mà vẫn đảm bảo phong thủy tốt” thì cần kế thừa các giá trị truyền thống một cách khoa học. Quy trình đúng phải đi từ thu thập dữ liệu ban đầu, chọn đất, chọn hướng nhà sao cho hợp khí hậu và mệnh trạch gia chủ, rồi đến bố cục không gian, và kỹ thuật xây cất. Theo cả tử vi Tây phương lẫn Đông phương thì mỗi cá nhân luôn biến đổi theo chu kỳ sinh học và tác động ngoại cảnh. Do vậy không có cuộc đất ngôi nhà nào hoàn hảo hoặc tồi tệ về phong thủy, mà chỉ có những hạn chế hoặc bất lợi nhất thời, và ngôi nhà có thể xấu với người này nhưng lại hợp với người khác, cơ bản là sự chọn lựa cũng như điều chỉnh có phù hợp hay không.
Yếu tố thời gian cũng cần lưu tâm, từ thời điểm khởi công (động thổ) đến dọn vào nhà ở (nhập trạch) đều liên quan mật thiết với tuổi gia chủ – chu kỳ sinh học của con người – và phải chú ý phát triển bền vững. Chuyện “nhà nở hậu” không chỉ về kích thước không gian, mà còn nhắc nhở đến sự phát triển mai sau (hậu vận) của các thành viên trong ngôi nhà đó. Ứng dụng phong thủy hiện đại chủ yếu quan tâm đến các yếu tố như môi trường, chủ thể sử dụng là ai, đối tượng tiếp xúc…, nói chung là các dữ liệu về quan hệ thời gian – không gian.
Cá tính riêng trong sự dung hòa chung
Trên thực tế không có một hình mẫu thiết kế theo phong thủy nào áp dụng đại trà được, mà phải tùy điều kiện và nhu cầu cụ thể, theo khả năng của mỗi chủ nhân. Với các gia chủ trẻ lưu tâm đến yếu tố “hiện đại, cá tính, khác người”, quan niệm đầu tiên là cần làm những không gian mở và liên hoàn, năng động, mang tính tương tác cao. Tránh chia phòng vụn vặt mà cần tạo khoảng liên thông giữa phòng khách – sinh hoạt – bếp ăn… Vật dụng nên dùng loại dễ biến đổi tháo ráp, kệ đa năng vì đối với gia đình trẻ khi có em bé sẽ bị xáo trộn nhanh, cần linh động. Đây cũng là tính chuyển tiếp khí trong khoa học phong thủy mà ngôi nhà truyền thống (ba gian, năm gian, liên thông dưới một mái chung) của cha ông ta đã làm rất tốt.
Quan niệm thứ hai là ngôi nhà hiện đại và cá tính cần có những không gian đệm, không gian dẫn dắt để vừa giảm được các va chạm trực tiếp với bên ngoài, vừa tăng khả năng sử dụng hữu ích, phong thủy hiện đại gọi là gia tăng khí, giúp không gian sẽ ấn tượng và đậm nét hơn chứ không chung chung nhạt nhòa. Ví dụ: thay vì bố trí một bàn ăn trong nhà có thể khá chật, ta có thể làm một quầy bar giữa bếp và phòng khách giúp giảm diện tích choán chỗ đồng thời tiện sử dụng hằng ngày.
Quan niệm thứ ba là cần tạo điểm nhấn mang tính thiên nhiên cho ngôi nhà bằng nhiều cách như trồng cây xanh, mở giếng trời, vườn trên mái, tường xanh… Giải pháp này phong thủy gọi là nổi bật khí, cụ thể là chọn loại trang trí hợp với cá tính riêng để đưa vào nội thất sao cho các phần chính yếu trong nhà có thể ghi dấu cá tính của gia chủ, tránh nhồi nhét các vật dụng thiếu chắt lọc. Ví dụ: một loại cây gia chủ thích, vài bức tranh ấn tượng đặt trong khoảng sỏi đá nhẹ nhàng… sẽ giúp ngôi nhà dù diện tích khiêm tốn vẫn có cá tính riêng.
Dĩ nhiên, chủ nhân cho dù có phá cách đến đâu thì khi xây nhà vẫn phải căn cứ điều kiện cụ thể và quy định chung, nhất là dạng căn hộ chung cư, thể hiện ở việc vay mượn, dẫn dắt cảnh quan bên ngoài vào trong căn hộ như thế nào. Ví dụ: căn hộ trên tầng cao nhìn ra sông nước mênh mông thì bức tranh thiên nhiên ấy cần phải được thụ hưởng qua các khung cửa có tầm nhìn đẹp, bài trí bên trong sẽ nhẹ nhàng hơn. Ngược lại, khi cảnh quan đô thị lộn xộn thì các điểm nhấn trong nội thất mang tính nổi bật sẽ phát huy tác dụng định hướng thị giác, tăng tính thư giãn hơn.
Khéo dùng màu sắc, chi tiết
Kiến trúc sư Ludwig Mies Van der Rohe từng có phát biểu được coi là kinh điển cho các nhà thiết kế “God is in the detail” (Chúa ngự trị ở chi tiết) để nhấn mạnh vai trò của việc thiết kế giản dị, tinh lọc nhưng dùng chi tiết phải đắt giá, chỉn chu. Dùng màu sắc trong không gian sống hợp phong thủy với cá tính người trẻ nên chú ý đến sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau để hài hòa về tổng thể mà vẫn giữ cá tính và nổi bật, theo một số nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc nhỏ hơn 3: không bắt buộc phải phủ toàn nhà một màu, nhưng nếu nhìn thấy trong phòng có nhiều hơn ba màu sắc khác nhau thì dễ gây rối mắt, cảm giác nhà chật và lộn xộn hơn. Trong vòng màu tương sinh tương khắc ngũ hành, ba màu cũng là giới hạn để phối kết, trong đó màu 2 là trọng tâm bản mệnh phù hợp, màu 1 sinh 2 và màu 2 sinh 3, đồng thời 1 và 3 đã có tính tương khắc rồi. Ví dụ như gia chủ mệnh Kim (2) thì màu 1 là Thổ và màu 3 là Thủy, đáp án ở đây sẽ là một không gian dùng chủ yếu màu trắng (hoặc xám) và đen, với các nhấn nhá màu vàng.
- Nguyên tắc không chỉ là sơn: một số suy nghĩ cho rằng màu sắc nội thất chủ yếu là màu sơn, nhưng thực ra màu rèm cửa, sàn nhà, màu của ánh sáng, đèn và vật dụng có ảnh hưởng rất lớn, khiến không gian nối kết tốt với nhau hay đứt đoạn. Cần đảm bảo toàn nhà phải có một tông chung về vật liệu (ví dụ dùng vật liệu gỗ) đồng hành với màu mà gia chủ thấy phù hợp để tạo sự hài hòa, sau đó mới thêm các màu mang tính đột biến, các điểm xuyết nhấn nhá bằng vật liệu khác.
- Nguyên tắc “tại sao không?”: khi dùng màu người trẻ luôn muốn tạo sự nổi bật, thậm chí có thể khác người, miễn sao không quá lộn xộn. Một mảng dán giấy cho góc phòng ăn nhỏ, một mảng tường phòng ngủ dùng sơn sậm màu… là những cách tạo sự nổi bật, kích thích thị giác, hướng sự chú ý vào trọng tâm, tạo nên khác biệt. Những mảng màu hiếm, ít xuất hiện như đỏ tươi, cam đậm, tím than hay xanh biển đậm, thậm chí màu đen cũng có thể dùng như yếu tố tạo cá tính, giúp cho không gian thêm rộng hay sâu hơn.
Câu chuyện dung hòa truyền thống và hiện đại, thiên nhiên và nhân tạo, phong thủy và khoa học luôn không thể tách rời trong kiến trúc – nội thất xưa và nay. Với thế hệ gia chủ trẻ tuổi, chắc chắn làm nhà theo phong thủy không hề có tỳ hưu canh cửa, treo gương bát quái hay tô vẽ chi tiết cầu kỳ. Tối giản, cá tính, ấn tượng, tương phản… là những khái niệm được ưa chuộng, trên nền tảng hiểu biết và tiếp nối văn hóa truyền thống. Một thế hệ gia chủ và nhà thiết kế mới đang hình thành với đầy hứa hẹn về sự thay đổi.
- Ảnh Xuân Trang