Công nghệ (số) phát triển đã cho con người trên toàn thế giới hưởng thụ nhiều tiện ích, một trong những tiện ích đó là đưa con người xích lại gần nhau với ý nghĩa tích cực của sự chia sẻ.
Gia đình có mười lăm người con, vẫn còn sống đầy đủ mà bố mẹ đã quy tiên từ lâu. Một người em trong nhà vừa nghỉ hưu, rảnh rỗi mới nghĩ ra việc lập trang Facebook gia đình với mục đích tập hợp hình ảnh tư liệu mỗi người lưu giữ rải rác, cho mọi người biết nhau, có cơ hội ôn lại chuyện xưa.
Anh này cho rằng, ở đời anh còn biết vài cháu chứ không thể biết hết các con, cháu của anh em; sang đời con anh càng khó biết hết các anh em họ, đến đời cháu càng mù tịt.
Vậy là, trang Facebook đã kết nối được với tất cả anh em, con, cháu trên khắp thế giới. Một người làm công việc cập nhật hình ảnh theo thời gian. Các thành viên lần lượt vào xem và bình luận. Những kỷ niệm về ông bà cụ được nhắc đến, ai có hình bổ sung thêm, rôm rả. Vài anh chị em họ mới hiểu ra người bác của mình có mấy đời vợ, họ sống với nhau thế nào, con cái ra sao… mà nếu không có trang Facebook này họ không thể nào biết được.
Điều hay của trang gia đình còn ở chỗ biết rõ tình trạng hôn nhân, học hành, sức khỏe của nhiều thành viên. Biết được con, cháu ai, gia đình nào có người đau ốm, chữa chạy ra sao… Ai cần giúp đỡ về tài chính… Anh em, con cháu sống khắp nơi, trong, ngoài nước, lâu nay không biết nhau, giờ hiểu được hoàn cảnh gia đình, vợ, chồng, con cái… khiến mọi người cảm thấy gần nhau.
Nghĩa là, trang Facebook gia đình làm được hai nhiệm vụ chính là kết nối trong vòng gia đình bà con gần và lưu giữ được hình ảnh, tư liệu quý thành một ký ức cho tập thể ai cũng có phần kỷ niệm của mình trong đó.
Một đứa cháu từ nước Anh xa xôi đưa lên hình ảnh đang giúp bà nội làm bánh trung thu. Ông anh cả đưa lên tấm hình có một lần đi qua mấy quốc gia mới tìm gặp được một ông bác mà ai cũng nghĩ là đã mất. Quá trình lần ra dấu vết vất vả thế nào… Một người chị kể chuyện, lần suýt chết khi sinh con gái đầu hay một đứa cháu khoe thành tích vừa lấy xong tấm bằng thạc sĩ… Tất cả những điều đó đặc biệt quan trọng với một gia đình có nhiều con cái bây giờ tứ tán khắp nơi! Họ thấy rất vui. Ngày nào họ cũng vào trang, bình luận, đưa hình ảnh lên… Một người anh trong gia đình xem các hình ảnh rồi lọ mọ gõ phím: “Vui thế này mà bây giờ mới biết!”. Một người khác: “Biết rôm rả như vầy, phải chi lập trang sớm”.
Ai cũng biết, trong “ma trận” trang web, mỗi ngày có sinh sôi cũng có tàn lụi. Việc lập ra thì nhanh và dễ, nhưng để duy trì hoạt động rất khó vì ít nhất phải có một người chịu làm công việc tỉ mỉ cập nhật thông tin, thứ nữa là phải được sự hưởng ứng nhiệt tình của anh em. Quan trọng hơn gia đình phải đoàn kết. Chỉ cần một mắt xích nói lời phản bác, cuộc chơi sẽ thất bại!
Có thể thấy, chỉ một trang kết nối gia đình, dễ làm vậy nhưng không phải gia đình nào cũng làm được. Bàn tay có ngón ngắn ngón dài. Nhiều gia đình không có được sự đoàn kết anh em trong họ hàng nên rất khó tạo cảm hứng để duy trì trang và làm cho nó sinh động. Thêm nữa phải có người chủ trò có điều kiện thời gian, thoải mái và nhiệt tình với công việc…
Triết lý cuộc đời khẳng định một điều: “Nói thì dễ, nhưng làm luôn luôn khó. Người ta có thể nói trong vòng nửa phút những việc mà cả đời không thể làm được”. Tuy nhiên, có người phản biện, việc gì làm cũng được chỉ cần đam mê và thêm chất xúc tác ủng hộ từ bên ngoài. Với gia đình, chất xúc tác đó là tình thương yêu và mong muốn gắn kết.
Lại có ý kiến cho rằng, bởi vậy nên yêu thương thì phải nói ra, đừng nói lời phản bác, chính lời bàn ra là rào cản lớn nhất làm nên sự chia rẽ và hỏng việc.
Phải chăng, bớt nghĩ về mình sẽ nói lời yêu thương dễ dàng hơn, một trong những điều kiện để tạo cảm hứng sống?