Là một hoạt động thường niên, các triển lãm mỹ thuật khu vực được tổ chức vào tháng 8 mỗi năm để giới thiệu những sáng tác mới của đội ngũ nghệ sĩ tạo hình trong khu vực, đồng thời tuyển chọn tác phẩm vượt trội trao giải thưởng và giới thiệu cho triển lãm mỹ thuật toàn quốc thường được tổ chức vào tháng 9. Năm nay, một loạt các triển lãm mỹ thuật đã diễn ra kể từ thượng tuần tháng 8-2018.
Sớm nhất là Triển lãm mỹ thuật khu vực 6 (TP. Hồ Chí Minh), khai mạc vào ngày 5-8-2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố (97A Phó Đức Chính, Q.1), với 127 tranh và tượng của 106 tác giả, được thể hiện với chất liệu khá đa dạng, đặc biệt là với tác phẩm hội họa. Hầu hết tác phẩm được chọn là thành quả từ những chuyến đi thực tế và từ các trại sáng tác do Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức từ tháng 7-2017 đến tháng 8-2018.
Kế đó là vào ngày 7-8-2018, tại Bến Tre đã diễn ra Triển lãm mỹ thuật khu vực 8 (Đồng bằng sông Cửu Long) với hơn 200 tác phẩm của các nghệ sĩ tạo hình các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TP. Cần Thơ. Ngày 10-8-2018, tại TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã diễn ra Triển lãm mỹ thuật khu vực 5 (Nam trung bộ và Tây Nguyên) với 150 tác phẩm mỹ thuật của 142 tác giả đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.
- Xem thêm: Phan Vũ: vẫn sáng tạo ở tuổi chín mươi
Các triển lãm sắp diễn ra là Triển lãm mỹ thuật khu vực 3 (Tây Bắc – Việt Bắc) dự kiến sẽ chính thức khai mạc vào ngày 19-8 tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai với tranh, tượng của các tác giả đến từ Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên.
Ngày 23-8-2018 là Triển lãm mỹ thuật khu vực 2 (Đồng bằng Sông Hồng) trưng bày các tác phẩm của các tác giả đến từ Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Bắc Ninh. Triển lãm mỹ thuật khu vực 4 (Bắc trung bộ) theo dự kiến sẽ khai mạc vào giữa tháng 8-2018 tại Hà Tĩnh với tác phẩm của giới tạo hình các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
- Xem thêm: “Tỏa 2” lan tỏa sáng tác trẻ
Và Triển lãm mỹ thuật khu vực 7 (Đông Nam bộ) sẽ diễn ra từ ngày 28-8 đến 3-9, tại tỉnh Bình Thuận với tác phẩm của các nghệ sĩ tạo hình đến từ Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận. Đáng ngạc nhiên là tại khu vực 1 (thủ đô Hà Nội) vào ngày 6-8 đã diễn ra Triển lãm đồ họa – điêu khắc và mỹ thuật ứng dụng nhưng chưa thấy thông báo về triển lãm hội họa tại khu vực này.
Trở lại với Triển lãm mỹ thuật khu vực 6 (TP. Hồ Chí Minh), có thể thấy triển lãm lần thứ 23 này đã giới thiệu được khá nhiều khuôn mặt mới và trẻ, nhiều người trong số đó lần đầu tiên có tác phẩm được trưng bày trong sinh hoạt có quy mô lớn của giới mỹ thuật thành phố. Một số tranh được thể hiện công phu, với chất liệu ít được sử dụng như Đời cây – tranh chì màu của Đặng Kim Ngân (giải C); Điều cũ – tranh khắc gỗ phá bản của Đoàn Thị Tuyến… Cũng đáng chú ý là bức Lửa tham – tranh khắc gỗ của Nguyễn Mạnh Hùng (giải B), Cuộc sống mến yêu – tranh sơn dầu của Nguyễn Hồng Đức (giải B), Câu chuyện xôn xao tranh sơn dầu của Nguyễn Duy Nhựt… và nhiều tác phẩm khác của những cái tên đã khá quen thuộc với người thưởng ngoạn như Nguyễn Thành Quốc Thạnh, Ngô Đồng, Nguyễn Ngọc Đan, Lâm Huỳnh Linh, Lương Lưu Biên, Thái Tuấn Hoàng… Song có thể thấy chưa có mấy tác phẩm thực sự bứt phá về cả nội dung lẫn hình thức thể hiện.
Nếu trước đây, các loại hình nghệ thuật đương đại như sắp đặt, video art… còn thấy xuất hiện trong triển lãm mỹ thuật khu vực và toàn quốc thì từ vài năm gần đây đã mất hẳn. Điều đó cũng thật đáng tiếc khi mà trong thực tiễn có khá nhiều triển lãm nghệ thuật đương đại.
- Xem thêm: “Lạc bước tân kỳ” đến Sài Gòn
Và nhiều triển lãm mỹ thuật toàn quốc, vốn được coi là ngày hội của giới mỹ thuật Việt Nam đã không thu hút được nhiều người xem dù được tổ chức rất tốn kém. Một nhà phê bình mỹ thuật nổi tiếng còn cho rằng “triển lãm mỹ thuật toàn quốc không còn thích hợp với hoàn cảnh xã hội và đời sống mỹ thuật, một công thức đã trở nên bảo thủ. Tuy nhiên làm thế nào để thay đổi, lại là một vấn đề nan giải”. Cần nói thêm là trong hai triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2005 và 2010 đã từng xảy ra điều tiếng về tranh “đạo”, tranh nhái từ các tác giả khác.