Tại WAF 2015 (World Architecture Festival 2015) diễn ra vào tháng 11 vừa qua tại Singapore, công trình có tên “Ngôi nhà Sài Gòn” (Saigon house) đã được vinh danh trong hạng mục kiến trúc nhà ở. Trên số báo mở đầu năm mới 2016, Nội Thất trân trọng giới thiệu những thông điệp mà các kiến trúc sư của a21studio đã chia sẻ trong sự kiện này.
Vân Đường Phủ là một kiệt tác kiến trúc được xây dựng bởi Vương Hồng Sển, một danh nhân văn hóa miền Nam Việt Nam. Những bộ sưu tập về cổ vật, sách quý và những tác phẩm về Sài Gòn, Gia Định xưa của ông là một kho tàng của đất nước chúng ta.
Ông mong muốn biến Vân Đường Phủ thành một bảo tàng để giới thiệu cho các thế hệ con cháu những nét văn hóa của Sài Gòn – Gia Định xưa. Nhưng Vân Đường Phủ đã trở nên hoang tàn sau khi ông qua đời. Mỗi ngày chúng tôi đi ngang qua Vân Đường Phủ với một hy vọng hồi sinh lại công trình này, theo một cách nào đó.
Saigon house được xây dựng cho một gia đình nhiều thế hệ sống chung hoặc thường xuyên gặp gỡ nhau. Chúng tôi muốn Saigon house là nơi nuôi dưỡng tình yêu của mọi thành viên và những đứa trẻ sẽ yêu quý nơi chốn mình sinh sống, từ đó sẽ giữ gìn những gì tốt đẹp cho thế hệ sau.
Do đó những đứa trẻ là đối tượng chính mà a21studio muốn hướng tới cũng như muốn tạo dựng một không gian đậm chất Sài Gòn, để chúng cảm thấy thân quen hơn với hình ảnh nơi đây thông qua những câu chuyện kể của người lớn cũng như các hoạt động trong ngôi nhà. Bằng khả năng và trách nhiệm của mình, a21studio mong muốn xây dựng những công trình kiến trúc, cụ thể là những ngôi nhà, mà giá trị vật chất lẫn tinh thần của nó được bảo tồn nhờ tình yêu thương của những người đang sống trong đó.
Có thể bắt gặp hình ảnh Sài Gòn ở những ngôi nhà mái ngói với sân trong và ban công ngập tràn hoa cỏ, nằm trong những con hẻm ngoằn ngoèo nhà cửa nhấp nhô với vật liệu nhiều màu sắc. Đây cũng chính là nơi gặp gỡ của cư dân, nơi sinh hoạt phố phường, nơi trẻ nô đùa…; những hình ảnh lộn xộn nhưng đậm nét văn hóa.
Saigon house được thể hiện với những khối nhà mang màu sắc khác nhau, lơ lửng trên không gian chung. Tất cả được bao bọc bởi hệ khung sắt cũ, nơi cây cối phủ xanh. Đặc biệt, những khối nhà này đủ nhỏ để những đứa trẻ, ngoài sinh hoạt riêng tư, ngủ nghê, cảm thấy không gian bên ngoài thật hấp dẫn bởi những hình ảnh, âm thanh từ những sinh hoạt đang diễn ra, để rồi chúng sẽ bị lôi kéo ra ngoài để giao tiếp với nhau.
Không gian bên ngoài, ở đây là con hẻm, còn là nơi cư dân gặp gỡ hằng ngày, từ đó gắn bó với nhau bằng tình thương. Đó cũng là nơi để họ cảm nhận những đổi thay thời tiết từng ngày, từng giờ. Thế mà những điều trên dường như quá hiếm hoi trong xã hội Việt Nam hiện nay: có quá ít sự liên kết trong cộng đồng, quá ít sự thương cảm giữa người với người.
Saigon house còn được hình thành bởi những vật dụng, những món đồ mà chủ nhà cùng kiến trúc sư dày công tìm kiếm. Hầu hết đó là những gì được lấy từ ngôi nhà cũ đã bị tháo dỡ. Những vật dụng đã sử dụng ấy không chỉ mang vẻ đẹp của quá khứ mà còn có hồn bởi mỗi thứ dường như đều có những câu chuyện, có lý do để tái sinh lần nữa trong một không gian cần chúng nhất. Tất cả những điều ấy được truyền dạy cho đám trẻ qua những cuộc trò chuyện, những sinh hoạt diễn ra hằng ngày để chúng biết yêu quý ngôi nhà hơn.
Hình ảnh: Hiroyuki Oki – Quang Trần
- Xem thêm: a21 studio với “Công trình của năm”