Có nhiều khái niệm về cội nguồn của hạnh phúc. Vậy theo bạn, phải sống như thế nào để đạt được hạnh phúc như mong muốn? Mời bạn dành chút ít thời gian để chiêm nghiệm những điều dưới đây xem bạn có phải là người hạnh phúc hay không.
Niềm tin và sự độ lượng: Niềm tin vào cuộc sống có thể mang lại ý nghĩ, mục đích cũng như giảm thiểu sự đơn độc, nhất là đối với người cao tuổi. Càng ngày người ta càng nhận rõ tác dụng của niềm tin mỗi khi bị căng thẳng thần kinh. Niềm tin là giải pháp hữu hiệu giúp chúng ta đương đầu với khó khăn, củng cố các mối quan hệ xã hội, là nguồn an ủi lớn hơn bất cứ hoạt động xã hội nào khác trong cuộc sống. Một số nghiên cứu cho thấy, sự ảnh hưởng giữa tính vị tha, lòng độ lượng có tác động đến cảm giác hạnh phúc của con người. Được như vậy, dù không phải lúc nào cũng làm được việc tốt nhưng bạn luôn cảm thấy hạnh phúc, còn những người hạnh phúc chưa hẳn lúc nào cũng vị tha hơn so với những người khác.
Cuộc sống gia đình và tuổi tác: Những người có gia đình thường có cuộc sống hạnh phúc hơn người sống độc thân vì họ biết gìn giữ cuộc sống hôn nhân của mình hơn. Bên cạnh đó, đời sống hôn nhân luôn mang lại những ích lợi, chẳng hạn làm cho bạn biết nghĩ đến gia đình, con cái và hy sinh vì gia đình nhiều hơn. Tuổi tác cao chưa hẳn là điều bất lợi, vì nếu người già biết bỏ qua những vấn đề có liên quan đến tuổi tác sẽ cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình hơn. Khi đã có tuổi, người ta có tâm lý ít kỳ vọng vào cuộc sống hơn, học được cách để thích nghi và tỏ ra thực tế hơn trong cuộc sống.
- Xem thêm: Hạnh phúc
Cảm giác hào hứng: Không phải chỉ những lúc vợ chồng cùng ăn chung mâm hoặc cùng chuyện trò, vui đùa mới được coi là hạnh phúc. Điều quan trọng là phải có công việc nào đó để hai người thường xuyên cảm thấy có thêm nghị lực, hào hứng như thể vẫn đang chăm lo lẫn nhau. Khi coi công việc không chỉ đơn giản là kiếm tiền, mà là để chăm lo cho gia đình, ai cũng cảm nhận được hạnh phúc luôn ở bên cạnh. Nhàn rỗi sẽ bòn rút sự hào hứng muốn xây dựng hạnh phúc.
Sự thử thách trong công việc: Nhiều người nghĩ sẽ hạnh phúc hơn nếu có thu nhập tăng gấp đôi. Sự tăng thu nhập dễ dàng thường chỉ tạo ra sự vui mừng nhất thời, nhưng rồi cũng nhanh chóng qua đi. Chính sự vượt qua những khó khăn, thử thách, chông gai trong công việc sẽ làm cho người ta cảm thấy hãnh diện hơn với công lao, tài sức của mình, nhất là điều đó được người chồng (hoặc vợ) trân trọng.
- Xem thêm: Đi tìm hạnh phúc
Dù chậm tăng thu nhập, nhưng những gì do vợ chồng cùng thảo luận, tương đắc, đồng tâm nhất trí, phấn đấu vượt qua những trở ngại để đạt được kết quả tốt sẽ luôn được lưu lại như những kỷ niệm đẹp khó phai mờ, góp phần củng cố cho nền móng hạnh phúc lâu dài.
Tiền bạc và sắc đẹp: Dù ở thời nào, những người giàu có vẫn có cơ hội tận hưởng hạnh phúc nhiều hơn những người khác, vì tiền bạc cũng góp phần mang lại hạnh phúc. Tuy nhiên, khi mức sống tối thiểu được bảo đảm thì giá trị hạnh phúc mà đồng tiền mang lại có khuynh hướng giảm dần. Người đời còn cho rằng người đẹp thường bị khổ. Không hẳn thế, vì ảnh hưởng của sức hấp dẫn của vẻ bên ngoài tuy nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn đối với việc cảm nhận hạnh phúc của mỗi người. Nguyên nhân một phần do yếu tố xã hội và di truyền quyết định. Khi bạn có khuôn mặt ưa nhìn thì bạn đang có một thể chất khỏe mạnh và tình trạng di truyền tốt. Người xinh đẹp thường hạnh phúc hơn những người khác, một phần vì họ khỏe mạnh hơn.
Hạnh phúc trong cộng đồng: Con người luôn cần hòa nhập với xã hội và khi hòa nhập thành công, người ta cảm thấy sung sướng. Một gia đình giàu có sống trong một ngôi biệt thự biệt lập, không có bạn bè, cũng không cần đến sự giúp đỡ của bạn bè thì chính họ đã tự tách rời khỏi xã hội và cộng đồng. Chắc chắn họ không có niềm hạnh phúc trọn vẹn.