Ngôi nhà trong thời điểm đại dịch bùng nổ toàn cầu hiện nay đang đứng trước nhiều áp lực thay đổi về lượng lẫn về chất. Phòng tắm, hay rộng hơn là cả khu vệ sinh, thay đồ, giặt phơi… liên quan mật thiết đến sức khỏe người sử dụng, đang chịu những tác động về tổ chức lại không gian sao cho phù hợp hơn về môi trường cũng như phong thủy.
Các nhà nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối liên hệ của chu trình vận hành kinh tế xã hội dẫn đến thay đổi tổ chức không gian sống như thế nào. Trong bối cảnh kinh tế nông nghiệp xưa kia thì ngôi nhà nằm trong thiên nhiên, chịu chi phối của thiên nhiên.
Sau đó, nền kinh tế tuyến tính (linear economy) từ văn minh cơ khí, qua công nghiệp rồi công nghệ bùng nổ đã đem đến tiến trình tạo ra – khai thác – loại bỏ, khiến biến đổi khí hậu, hủy hoại môi trường gia tăng, trong đó nhà cửa tiêu hao lớn tài nguyên khi xây dựng và tạo nên những “chiếc hộp” đóng kín gây ra vô số vấn đề về sức khỏe.
Hiện nay, nền kinh tế chia sẻ đi cùng kinh tế tuần hoàn đang dần lộ rõ hướng đi của thế giới: design for circularity(*) thiết kế để xoay vòng, nương theo môi trường và tái sử dụng các nguồn năng lượng.
Cộng với tác động phức tạp của dịch bệnh toàn cầu, quy luật ăn ở thuận theo thiên nhiên đang dần tái khẳng định. Quy luật này thể hiện rõ trong các sắp xếp hợp phong thủy, với quan tâm căn bản chính là vấn đề sức khỏe, giải quyết “đầu ra” của con người tại khu vệ sinh, góc riêng của mỗi nhà, mỗi người.
Giảm hao phí, tăng sinh khí
Để biết một phòng tắm tốt cho sức khỏe hay không cần nhìn vào tỷ lệ không gian tương xứng với các hoạt động tắm rửa, thư giãn, hồi phục của chủ nhân. Nếu phòng tắm làm theo kiểu “trút bầu tâm sự” nhanh gọn lẹ với tiện nghi tối thiểu thì sẽ nhỏ hẹp, bức bí, khó chịu, nhưng kiểu phòng tắm rộng lớn lộng lẫy cũng bộc lộ nhược điểm hao tốn năng lượng, chi phí bảo trì và chưa chắc tốt cho sức khỏe nếu đóng kín, thiếu luân chuyển nội khí.
Phòng tắm liên quan với hệ bài tiết, tiêu hóa của cơ thể, làm chật hẹp hoặc kiểu nhà vệ sinh chung thiếu tính riêng tư sẽ gây ra sự ức chế hoạt động tâm lý lẫn sinh lý. Còn làm phòng tắm lớn quá thì sẽ tiêu hao năng lượng và ảnh hưởng đến diện tích, không gian các khu vực khác trong nhà.
Theo quan niệm Bát Trạch thì phòng tắm cũng như bất kỳ không gian nào khác trong nhà, đều có phân cung rõ ràng nên cần đặt đúng phương vị Cát Hung, do tính chất sử dụng cụ thể của từng gia đình mà đầu tư chứ không phải làm hoành tráng, xa xỉ là tốt.
Giảm chung đụng, tăng hữu dụng
Các thời kỳ dịch bệnh bùng phát luôn gắn liền với vấn đề dọn dẹp, sắp xếp lại khu vệ sinh, xử lý chất thải, vì đây là nguồn ủ bệnh và lan truyền dịch qua tiếp xúc nước, con người và không khí. Đặc thù Âm tính cao khiến khu vệ sinh hay thiếu nắng và gió trực tiếp, tù hãm độ ẩm và khó khử khuẩn nếu làm nhiều ngóc ngách, bừa bộn.
Thay vì kiểu phòng tắm rộng và nhiều công năng tích hợp vào một chỗ, các thiết kế phù hợp thời giãn cách do dịch bệnh hiện nay đang quay về dạng bố trí tách bạch các khu khô, ướt, chung, riêng… và không khuyến khích dùng chung khu vệ sinh nếu nhà có điều kiện chia riêng theo phòng cá nhân.
- Xem thêm: Phòng tắm hiện đại không ngại khoe
Giảm chung đụng đồng thời phải đi liền hiệu quả sử dụng, trong đó có cả chuyện dọn dẹp, khử khuẩn. Các resort, khách sạn hay làm phòng tắm kiểu “phơi bày”, liên thông liền kề chỗ ngủ tuy rất hấp dẫn nhưng suy cho cùng là do khách đến cư trú ngắn ngày, phòng ốc luôn có người dọn dẹp, tính giải trí thư giãn cao.
Còn trong nhà ở gia đình thì không đủ điều kiện đầu tư cũng như khả năng dọn dẹp. Tính hữu dụng còn cần gia tăng ở chỗ phòng tắm khép kín độc lập với nơi sinh hoạt cá nhân để tránh lây lan dịch bệnh, đồng thời kiêm luôn chỗ giặt và phơi đồ của người cách ly (nếu cần).
Giảm đóng cứng, tăng thích ứng
Nếu trong nhà phố hẹp có giếng trời hoặc sân sau, phòng tắm nên kề cận những khoảng thông thoáng hiếm hoi đó nhằm tăng Dương giảm Âm, đồng thời giúp thoát nhanh hơi ẩm tù đọng trong vốn là nguyên nhân gây ra các bệnh tật trong nhà. Đây là cách kết nối Thiên – Địa – Nhân trong kiến trúc truyền thống Đông phương phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, khác với các vùng nóng khô hay ôn đới.
Việc làm tiểu cảnh, mở cửa trời trên cao (Thiên Song), hay đơn giản hơn là mảng tường thông thiên có cây xanh sẽ giúp phòng tắm sáng sủa khô ráo hơn. Một số loại cây để trong chậu hay dây leo như dương xỉ, trầu bà, sống đời, trường xuân… còn có chức năng khử mùi, lọc uế khí khá hữu hiệu, có thể bố trí kề cận hoặc ngay trong phòng tắm.
Tăng thích ứng về đối tượng sử dụng còn cần xét đến không gian phụ trợ, ví dụ như những khoảng đệm làm chỗ thay đồ hoặc hệ thống tủ quần áo kề cận nơi tắm rửa, tăng tiện nghi hơn là để tủ đồ bên ngoài. Các khu vực này còn tạo cách biệt tốt hơn giữa phòng tắm với chỗ ngủ, đồng thời giúp không gian sinh hoạt chính bớt bề bộn.
Việc mở cửa sổ tạo góc nhìn trong phòng tắm cũng nên lưu ý, vì đó là những miệng tiếp khí – thoát khí chủ yếu khi cửa đi đóng kín, đồng thời cũng là những khung cửa tạo view đẹp để thư giãn tinh thần. Nhưng vì tính chất phòng tắm thuộc Âm, hướng nội nên dù có mở cửa cho thoáng hoặc thích “tắm giữa thiên nhiên” thì cũng cần bố trí các loại cửa lấy sáng và gió theo cách gián tiếp, tránh tia nhìn xoi mói, hay gió thổi lùa trực tiếp vào dễ gây cảm lạnh đột ngột.
Giảm hướng ngoại, tăng hướng nội
Thái độ “phòng bệnh hơn chữa bệnh” cần quan tâm khi tổ chức không gian sống. Không phải vô cớ mà ngôi nhà xưa của cha ông, dù là nhà vườn hay nhà ống buôn bán nơi phố thị đều rất chú trọng việc che chắn, tạo khoảng lùi, hướng nội chứ không hướng ngoại ra mặt tiền như bây giờ.
Nếu khéo “quay” đa phần chức năng và vùng sinh hoạt riêng vào trong thì các tác động bên ngoài sẽ giảm, đồng thời có thể tạo tiểu cảnh, thiên nhiên thu nhỏ nơi giếng trời, sân sau để bù cho ngoại cảnh. Và khi có các biến cố thiên tai hay dịch họa, cần giãn cách xã hội thì nhà sẽ thành nơi trú ẩn an toàn, là góc để sống và thư giãn chứ không phải chỗ gò bó bức bối.
Cũng vì hướng nội nhiều hơn nên thay vì dùng những vật trang trí, sắp xếp thuần túy mỹ thuật hoặc phô bày như không gian đối ngoại, phòng tắm cần tiết giảm những bài trí tùy ý, hướng vào thực chất hơn. Các tấm gương soi dùng đúng chỗ tại lavabo và gần cửa ra vào, nơi thay đồ hoặc những góc chật hẹp mà gia chủ muốn tạo cảm giác nới rộng không gian, phản chiếu thêm Dương Quang (nắng mặt trời) nếu nội thất phòng tắm bị tối.
Khả năng thư giãn và tái tạo năng lượng trong phòng tắm phụ thuộc nhiều vào thụ cảm của các giác quan, nên về thị giác cần tránh những bề mặt lồi lõm làm sai lệch hình ảnh, gây ảo giác và rối mắt. Về thính giác, những bản nhạc êm dịu, sự yên tĩnh cách biệt với các không gian ồn ào khác giúp xả stress và xoa dịu tinh thần tốt hơn.
Về mặt khướu giác, nên sử dụng hương tinh dầu, mùi thiên nhiên như cỏ cây, hoa lá trong phòng tắm để tốt hơn cho sức khỏe. Còn xúc giác thì cần được “nuông chiều” bởi những chất liệu mềm mại, tròn trịa, giảm bớt góc cạnh và tăng tính thân thiện môi trường, ví dụ như những tủ để đồ bằng mây tre, sàn gỗ hoặc gạch thô nhám chống trơn.
Giảm Âm, tăng Dương
Việc tách bạch khu khô và khu ướt một cách tương đối như dùng vách kính mờ, tiểu cảnh nhẹ nhàng sẽ vừa tiện dụng, vừa giúp không gian vệ sinh có thẩm mỹ hơn. Nếu phòng tắm nằm bên trong nhà ống hoặc căn hộ thiếu nắng trực tiếp rọi vào, cần xử lý ánh sáng nhân tạo phù hợp (vàng ấm, khuếch tán, bổ sung đèn rọi làm điểm nhấn) đem lại cảm giác ấm áp và tươi tắn hơn.
Những màu sáng mang tính Dương kích thích sự luân chuyển Nội Khí, giảm trì trệ của tính Âm gây ra do tối tăm và sử dụng nhiều nước. Màu xanh dương được y học chứng minh là có tác dụng lắng dịu, trấn an, bình ổn huyết áp, còn màu xanh lá cây giúp thư giãn thần kinh và mắt được nghỉ ngơi. Nếu phối cùng với trắng hay xám (gần với sự Thiền định), màu của gỗ và cam nhạt (sức sống, sự duyên dáng) thì có thể góp phần làm nên bảng hòa sắc hợp phong thủy cho phòng tắm gia đình.
Lịch sử nhân loại đến nay đã và đang đối mặt với vấn đề dân cư đông đúc, điều kiện ăn ở thiếu dưỡng khí và ánh nắng mặt trời… là những “lò ấp” bệnh dịch nguy hiểm, không chỉ ở các khu ổ chuột, mà còn trong cao ốc quây kín gắn máy lạnh. Các thay đổi về thiết kế đô thị và thiết kế kiến trúc trăm năm qua đã chỉ ra vấn đề cấp thiết phải tận dụng ánh sáng mặt trời và thông thoáng tự nhiên, thanh lọc môi trường để cứu các thành phố đông đúc khỏi những căn bệnh thế kỷ như lao phổi, dịch hạch, cúm và Sars…
Nhiều thiết kế bệnh viện (nhất là cho lão khoa, sản nhi và người có bệnh lý mãn tính, xương khớp) đều đã khuyến cáo tổ chức không gian đón nắng, phơi nắng cho bệnh nhân theo giờ giấc phù hợp trong ngày. Về mặt tổ chức môi trường sống an lành, công thức phong thủy hợp lý chính là sự luân chuyển (gió, nước)+cân bằng âm dương (ánh sáng, năng lượng, khối tích…) sao cho vừa đủ, hợp lý để đem lại các lợi ích bền vững cho sức khỏe con người.
(*) Khái niệm hình thành từ giai đoạn 2012 – 2019, sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ chất hóa học độc hại và giảm rác thải cũng như tái sử dụng sản phẩm và rác từ sinh hoạt lẫn công nghệ. Trào lưu này không hề mới mà thực ra đã được áp dụng tại nhiều quốc gia, như Phần Lan, Canada và Singapore, trong đó Phần Lan đang có ảnh hưởng lớn tại Bắc Âu về phát triển kinh tế không sở hữu mà chia sẻ toàn bộ, từ nguồn lực, lợi nhuận đến năng lượng đều theo quy luật tuần hoàn xoay vòng và tái sử dụng tối đa.
– Ảnh: Xuân Trang