Trong khi rất nhiều người đổ xô về các thành thị đang quá tải dân số, thì ở đâu đó trên thế giới lại có những người sống lẻ loi, một mình trong những ngôi nhà trơ trọi trước gió biển, sương tuyết hay vách đá cheo leo.
Nhiều ngôi nhà có thể lập thành một làng, song hãy còn rất thưa thớt. Hơn thế, để tới được đó hay ra ngoài, người ta phải cần tới khá nhiều ngày đường, thậm chí cả năm trời cùng các phương tiện đặc dụng.
Một ví dụ cho điều này là biệt thự Clingstone ở vịnh Narragansett, đảo Rhode-Mỹ. Ngôi nhà có 3 tầng, 23 phòng được làm bằng gỗ tuyết tùng và tọa lạc trên một mỏm đá nhô lên khỏi biển 6m. Chủ nhân của biệt thự là ngài Joseph Lovering Wharton, đã xây dựng nó vào năm 1905 để phản đối chính quyền đã lấy đất và nhà nghỉ mùa hè của ông tại khu vực pháo đài Wetherill.
Vì tức giận, ông đã quyết định xây một ngôi nhà ở nơi mà không ai có thể làm phiền mình, và thế là Clingstone ra đời, về ý nghĩa là công trình treo trên đá hoặc một loại quả có hạt như đá. Bất chấp gió bão, nó đã đứng vững hơn 100 năm trên biển. Đến năm 1938, do cơn bão Great Hurricane, một số quán ba và phòng tập thể dục quanh nhà đã bị thổi bay nhưng công trình chính vẫn không sao.
Hiện nay, Clingstone thuộc về một người cháu họ của ông, và người này hè nào cũng thường xuyên ra đây ngắm bão. Ngôi nhà cũng được sang sửa cho tiện nghi hơn, mà đầu tiên là điện nước. Trên mái được đặt một tuốc bin gió và dưới mặt đất cũng có các tấm quang điện cung cấp điện năng. Để hứng nước dẫn từ mái xuống, là một thùng phi gần 12.000 lít.
Tương tự Clingstone, ở trên sông Drina-Serbia là ngôi nhà của một nhóm nam sinh thị trấn Bajina Basta. Vào năm 1968, nhằm có chỗ tắm nắng – vui đùa, các bạn trẻ đã dựng lên ngôi nhà này từ vật liệu cũ. Những tấm gỗ nhẹ từ một nhà kho gần đó được chở ra mỏm đá bằng thuyền kayak, còn những cái nặng thì thả xuống nước kéo đi.
Cuối cùng, ngôi nhà gỗ mini cũng thành hình và trở thành ngôi nhà duy nhất nằm giữa sông mênh mông. Mặc dù bị lũ lụt, hơi ẩm tấn công, nó vẫn tồn tại đến nay. Hấp dẫn trước vẻ đẹp kỳ lạ, nhiếp ảnh gia Irene Becker, người Hungary, đã chụp ảnh lại và giới thiệu nó trên tạp chí National Geographic, thu hút cả triệu lượt xem.
- Xem thêm: Một số di sản thế giới
Hòn đảo vừa đủ cho một căn phòng là tên của ngôi nhà trên sông St. Lawrence – Canada, một trường giang lớn nhất Bắc Mỹ, có lưu vực lên tới hơn 1,3 triệu km2 và trữ một phần tư lượng nước ngọt của trái đất. Vì sự vĩ đại của sông, nhiều người thường ngại qua lại, chứ chưa nói gì đến việc ở hẳn trên đó. Thế nhưng, có một người đã liều lĩnh xây một ngôi nhà giữa sông bằng gạch đá, và sống nhiều năm nay cách biệt với thế giới.
Tuy xinh đẹp, song công trình luôn có nguy cơ ngập nước. Những lúc thủy triều lên, sẽ không thấy nó đâu giữa làn sương mù. Nhưng khi trời nắng ráo thì cực kỳ nổi bật. Ngoài ra, gia chủ còn rất điệu đàng, thường mang ghế xếp xung quanh ngồi uống nước, và trồng khá nhiều hoa rực rỡ – lôi cuốn.
Không nằm chênh vênh trên những mỏm đá mấp mé nước nữa, mà lọt thỏm giữa một hòn đảo cao lớn, bát ngát, diện tích 0,45km2 là ngôi nhà của câu lạc bộ săn bắt chim hải âu rụt cổ đảo Ellidaey-Iceland. Do ở xa đất liền tới 180km, lại có cấu tạo hình lòng chảo, hứng mưa bão nên từ xưa chỉ có dăm gia đình sống tại đây.
Vào 300 năm trước, họ đã đi hết và phải tới năm 2001 mới thấy người đến ở và xây một “căn lều” phục vụ việc tắm nóng và chuyện săn bắn. Thỉnh thoảng, câu lạc bộ mới tề tựu, cũng như có du khách ghé thăm. Và để lên chơi, họ phải đi thuyền vài ngày và đu dây leo lên vách đá.
Vào cuối những năm 1940, trong quá trình thám hiểm Nam Cực, các nhà khoa học Anh đã dựng lên ở đảo Winter một căn cứ, gọi là ngôi nhà Wordie bằng các vật liệu cũ từ một trạm săn bắt cá voi. Tuy chỉ để phục vụ 4-5 người, song bên trong khá rộng rãi, có phòng làm việc, phòng tiếp khách, nhà bếp, nơi nuôi nhốt chó kéo… cùng nhiều vật dụng tiện nghi.
Thế nhưng, đến năm 1954, nó đã bị bỏ hoang và năm 1960 mới có người ở tiếp. Đối với lịch sử, đây là một công trình rất quan trọng, và là ví dụ tiêu biểu cho những căn cứ khoa học Anh đầu tiên và hiện giờ đã được công nhận là di tích quốc gia. Nhà nước vẫn giữ gìn nó, mặc dù mỗi năm có khá ít người xem, chủ yếu là do đường xá xa xôi, lạnh giá.
Nằm tít trên đỉnh núi cao 4.000m thuộc dãy Matterhorn-Thụy Sĩ, lều Solvay chỉ được dùng tới khi có những trường hợp khẩn cấp trên núi, hoặc là cung cấp nhà nghỉ cho các thành viên câu lạc bộ núi Alps Thụy Sĩ. Ra đời năm 1917, nó được xây dựng để ghi nhớ 50 năm lần đầu tiên có người leo lên đỉnh Matterhorn, và là ngôi nhà nằm cao nhất khu vực.
Vì quá cao, nên thợ xây đã phải dùng cáp với sự hỗ trợ của gia súc kéo vật liệu từ bên dưới 700m lên và mất gần 2 năm mới hoàn thiện. Bình thường, ngôi nhà rất vắng lặng, song ở một số thời điểm lại khá đông khách, và đã từng có 600 nhà leo núi nghỉ qua đêm. Mọi liên lạc trong nhà đều bằng điện thoại vô tuyến, và từ năm 1976 có thêm điện thoại khẩn cấp nhằm xử lý các trường hợp cấp cứu liên quan đến leo núi gần đó.
Mặc dù chỉ nằm ở độ cao 2.041m, song nhà gỗ Lookout trên đỉnh Cougar Montana-Mỹ đã được xem là ngôi nhà khó tiếp cận nhất nước này. Do ở đây thường xuyên có mưa tuyết, sụt lở đất bất kỳ, cũng như các loại thú dữ như loài gấu lai vãng. Trong danh sách những con đường nguy hiểm nhất thế giới, đỉnh Cougar luôn đứng ở vị trí hàng đầu. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thích tới Lookout vì phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, có núi sông và cây cối đa sắc. Ban đầu, họ nghỉ lại trong một ngôi nhà cũ kỹ từ năm 1930, và để phục vụ được nhiều người hơn, năm 1952 nó đã bị rỡ xuống và thay bằng công trình ngày nay.
Cột Katskhi, hay cột sự sống ở vùng Imereti- Georgia là một quả núi đá vôi rất đặc biệt, có hình trụ cột. Vì thế, từ thế kỷ VI, các ẩn sĩ Stylite là những người chuyên sống trên cột đã xây dựng trên đỉnh Katskhi với diện tích 150m2 một thánh đường Ki tô giáo, và ở đây ít khi xuống đất hay tiếp chuyện với công chúng. Hiện tại, vẫn còn một bộ xương của 1 ẩn sĩ được lưu giữ tại nhà thờ này, và người đang trông coi mọi thứ là tu sĩ Maxime Qavtaradze, 65 tuổi.
Từ 20 năm trước, ông đã lên đây tu hành, song không khắc khổ như các bậc tiền bối; mỗi tuần ông thường xuống đất hai lần để lấy thức ăn tiếp tế, qua một thang dây dài 40m từ đỉnh núi thòng xuống, và qua đó các tín đồ cũng theo ông lên thăm viếng nhà thờ. Thời gian leo khoảng 20 phút. Dọc đường sẽ thấy rất nhiều cảnh đẹp, song với ai không quen leo trèo rất dễ bị chóng mặt và sốc.
Quần thể tu viện Meteora ở Thessaly Hy Lạp cũng là những ngôi nhà biệt lập và ở trên cao, mỏi cổ khi nhìn lên. Theo tiếng Hy Lạp, Meteora có nghĩa là treo lơ lửng, và cả quần thể được đẽo trực tiếp vào đá ở độ cao 400m. Từ thế kỷ XV, các tu sĩ đã tới đây và chọn lối sống trên núi vì nó gian khó, chỉ thực hiện nổi khi có đức tin sâu sắc.
Trong 3 thế kỷ, họ đã dựng lên 20 tu viện, nhưng đến nay chỉ còn 6 cái. Trước thập niên 30 của thế kỷ XX, đi lại lên xuống vẫn phải dùng tới thang gỗ buộc nối tiếp, còn rổ giá thì gắn chặt vào dây thừng cho mọi thứ như đồ ăn, thức uống, hàng hóa khỏi rơi. Song sau này đã có lối đi bằng 140 bậc đá, giúp thu hẹp quãng đường gian nan.
Cũng nằm trong đá và trên 120m, tương ứng tòa nhà 20 tầng là tu viện San Colombano tại Trambileno- Italy. Ra đời năm 1319, đây là nơi cư trú của các ẩn sĩ nên thường được gọi là hang ẩn sĩ. Ngoài ở trên cao, hình dạng của tu viện cũng rất mộc mạc, nhỏ nhắn, lại sơn trắng, giống màu của vách núi nên không gây chú ý lắm.
Và đó như là một thông điệp để mọi người khỏi quấy rầy việc tu hành. Thế nhưng, bên trong tu viện không gian khá lớn và có nhiều bích họa đẹp, như tranh thánh Columba triệt hạ con rồng- biểu tượng của cái ác, thường gây các vụ đuối nước ở trẻ trên sông Leno phía dưới. Muốn lên tu viện, du khách sẽ phải bước qua 102 bậc đá.
Làng Gasadalur trên đảo Vagar, quần đảo Faroe có lẽ là ngôi làng hẻo lánh, ít người, khó đến và khó ở nhất thế giới. Sở dĩ như vậy vì nó nằm cao hơn bờ biển và lọt giữa hai quả núi ngất ngưởng, phía Bắc cao 722m và phía Đông 715m. Khi ra biển, người dân phải leo dây xuống dưới và đến các làng khác lại phải trèo theo đường mòn cao 400m. Vì thế, dân số rất thưa. Năm 2002, chỉ có 16 người và đến nay 8 người. Phần lớn nhà cửa đều bỏ hoang. Năm 2004, chính quyền đã cho mở một đường hầm xuyên núi nên xe cộ mới có thể tới đây.
Được bao quanh bởi hàng trăm km sa mạc Sahara nóng bỏng – trống trải, làng Adrere Amellal hay ốc đảo Siwa-Ai Cập là một nơi ban ngày xe cộ không thể đến nổi vì cái nóng khó chịu. Mọi người thường phải đi vào đêm và liên tục mới tới nơi. Bù lại, nhà cửa bằng đất rất mát, cùng đó là nhiều sản phẩm từ gốm hấp dẫn. Bất chấp không có điện và cell phone vẫn có nhiều người đến đây, sinh hoạt ngoài trời dưới ánh nến và trăng, đưa nó thành một khu vui chơi sinh thái độc đáo.
Do gần Cực Bắc, thị trấn Longyearbyen- Na Uy cũng là một điểm đến xa xôi nhất đương đại. Ở đây, khí hậu quanh năm buốt giá, tuyết rơi dày đặc và mùa đông kéo dài đầy bóng tối, nên nhà cửa luôn phải xây trên cọc cao như nhà sàn. Dù vậy, thị trấn vẫn rất đắt khách, trong đó có một phần ba dân số, tức 1.000 người là người nước ngoài. Có lẽ bởi họ thích cái lạnh và sự phiêu lưu!
Chỉ có duy nhất một con đường dẫn tới thị trấn Whittier, miền Nam Alaska-Mỹ. Đó là đường hầm một làn dài 4,1km và thường chốt lại ban đêm. Nằm ở vùng băng tuyết nên Whittier cũng rất thưa người, vào đông thường chỉ có 200 người. Đa số đều sống cùng nhau trong một tòa nhà, gọi là tháp Begich, gồm cả nhà thờ, bưu điện, hàng quán.
Vì phát hiện ra ngọc opal nên 100 năm trước, Coober Pedy-Australia bỗng trở thành một thị trấn khai mỏ nằm ở vùng xa xôi nhất đất nước. Nhiều người sau đó bỏ đi, nhưng còn có khá nhiều người ở lại và dùng những mỏ đá nằm ngầm dưới đất làm nhà. Tổng cộng có 2.000 người, 3 nhà thờ, một phòng tranh, một quán rượu, mà để xuống đó, phải đi sâu xuống hàng chục mét.
Cũng là nơi khai mỏ song là mỏ vàng cao nhất thế giới, thị trấn La Rinconada-Peru là một thị trấn mà ai phải “tham” lắm mới tới ở. Vì đến nay, dân số đông tới 50.000 người, song không có ai là du khách. Và người dân ở đây chủ yếu làm nghề đào vàng. Nằm vắt vẻo trên đỉnh Ananea cao 5.100m, trên đầu là sông băng, nên không khí của thị trấn lúc nào cũng ẩm ướt, lạnh giá, tuyết rơi liên tục, và mọi sự từ vui chơi tới ăn ngủ dường như đều ở dưới tuyết.
Là một trong các cộng đồng xa xôi nhất nước Mỹ, làng Supai (Arizona) cũng chỉ có thể đến nhờ trực thăng hoặc la thồ vì nó quá hẻo lánh. Có diện tích hơn 5,1km2 song dân số Supai chỉ vỏn vẹn 208 người. Dù vậy, chính quyền vẫn cố gắng thu hút du lịch nhờ ngôi làng có lũng chảo Grand Canyon và gần với thác nước Havasu.
Mang tên Edinburgh của 7 đại dương, và cách thị trấn gần nhất 1.988km, ngôi làng trên đảo Tristan da Cunha-Anh chắc chắn là một nơi xa nhất quả đất, không những thế cũng có ít người nhất- chỉ 297 dân. Cách nhanh nhất để tới làng này là đi thuyền 6 ngày từ phía Đông bờ biển Nam Phi, lân bang lục địa gần nhất với đảo. Tuy hẻo lánh, song đời sống sinh vật hoang dã ở đây rất tràn trề, và giữa đảo còn có một núi lửa đang hoạt động.